Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 7/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 49.573.632 ca, trong đó có 1.246.955 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 216 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 35.205.333 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 90.749 ca và 13.121.344 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 6/11, thế giới có tới 149 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (100.519 ca), Pháp (60.486 ca), Ấn Độ (49.739 ca) và Italy (37.809 ca); trong khi đó Mỹ (với 939 ca), Pháp (828 ca), Ấn Độ (576 ca) và Mexico (544 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.
Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 10.022.066 ca nhiễm và 241.893 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với trên 8,4 triệu ca nhiễm và 125.605 ca tử vong, và Brazil với trên 5,6 triệu ca nhiễm và 162.015 ca tử vong.
Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ có nguy cơ khó kiểm soát hơn khi biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố sau ngày bầu cử tổng thống. Thống kê cho thấy có tới 17 trong số 50 bang tại Mỹ, đặc biệt là các bang Trung Tây, đồng loạt ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, bang Illinois đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc mới và cùng với bang Texas, hai bang này đang đứng đầu nước Mỹ về số bệnh nhân nhiễm mới cao nhất trong vòng 7 ngày trở lại đây. Trước tình hình này, một số bang và thành phố đã ban hành một số biện pháp mới như lệnh giới nghiêm, thu hẹp quy mô sự kiện tập trung.
Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ biện pháp nào ở cấp liên bang để chặn đứng làn sóng lây nhiễm này.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu vẫn diễn biến phức tạp khi có thêm nhiều nước, trong đó có Nga, Đức, Hungary ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong ngày.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, Nga đã lần đầu tiên ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang, đưa tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 1.733.440 ca, trong đó có 29.887 ca tử vong.
Tại thủ đô Moskva - nơi có số ca nhiễm mới và mắc COVID-19 cao nhất cả nước, một số bệnh viện đều thông báo không còn giường trống để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Trước tình hình trên, nhiều bệnh viện dã chiến đã được lập ở trung tâm triển lãm Sokolniki, cung điện băng Krylatskoye và một số cơ sở lớn khác để tiếp nhận bệnh nhân.
Theo thị trưởng thủ đô, ông Sergei Sobyanin, 50% số giường tại các bệnh viện bổ sung này đã kín bệnh nhân.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia mang tên Gamalea, ông Alexander Gintsburg, ngày 6/11 cho biết lô vaccine ngừa virus corona đầu tiên do trung tâm này phát triển sẽ được chuyển đến thủ đô Moskva và các tỉnh để tiêm chủng hàng loạt vào cuối tuần này.
Theo Bộ Y tế Nga, số vaccine này chủ yếu phục vụ công tác tiêm chủng các y bác sĩ. Hiện ba địa điểm lớn đã được thiết lập để sản xuất các lô vaccine lớn và địa điểm thứ tư sẽ sớm bắt đầu sản xuất vaccine. Tỉnh Moskva đang chuẩn bị mở các điểm tiêm chủng hàng loạt. Bộ Y tế Nga cho biết các tỉnh sẽ nhận thêm một đợt vaccine nữa để tiêm cho những người thuộc nhóm nguy cơ, trước hết là các nhân viên y tế.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Cục trưởng Cục bảo vệ quyền lợi người tiên dùng và sức khỏe con người - Rospotrebnadzor, bà Anna Popova trong chương trình Vesti trên kênh truyền hình Rossya 1 cho biết thông thường, người dân Nga nhiễm virus corona khi đi phương tiện công cộng.
Số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) công bố cũng cho thấy lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Đức, quốc gia này ghi nhận 21.506 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, đưa tổng ca nhiễm lên gần 620.000 ca.
Số ca nhiễm mới trong ngày đã tăng vượt mức cảnh báo mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra cuối tháng 9 năm nay cho rằng có thể lên tới trên 19.000 ca nhiễm mới mỗi ngày cho tới Giáng Sinh.
Đức cũng đang chứng kiến số ca tử vong do dịch COVID-19 tăng cao, khi có trên 100 ca tử vong trong ngày thứ 4 liên tiếp. Hiện tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này là 11.096 ca.
Hungary cũng đã ghi nhận thêm 4.709 ca nhiễm - mức cao nhất từ trước tới nay, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 99.625 ca, trong đó có 2.250 ca tử vong.
Trong khi đó, Ba Lan ghi nhận số ca tử vong cao chưa từng thấy, với 445 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca không qua khỏi lên 7.287 người. Trong khi đó, số ca mắc tại quốc gia Đông Âu này tăng thêm 27.086 ca, gần mức kỷ lục 27.143 ca ngày 5/11.
Đáng chú ý, Đan Mạch đã phải ban hành các biện pháp hạn chế đặc biệt đối với hơn 280.000 người ở Tây Bắc nước này sau khi phát hiện 1 biến thể của virus SARS-CoV-2 trên chồn xuất hiện ở người.
Theo đó, người dân tại 7 khu vực ở phía Bắc Jutland được khuyến cáo ở nhà, trong khi các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa, các phương tiện giao thông công cộng cũng phải ngừng hoạt động. Đan Mạch - nước xuất khẩu lông chồn lớn nhất thế giới, cũng đã quyết định tiêu hủy toàn bộ chồn ở nước này, ước tính từ 15-17 triệu con tại hơn 1.080 trang trại.
Tại Anh, Ngoại trưởng Dominic Raab đang tự cách ly sau khi tiếp xúc gần một ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong thời gian này, ông sẽ tiếp tục làm việc từ xa. Nhà chức trách Anh cũng thông báo loại Đan Mạch ra khỏi danh sách hành lang du lịch, từ ngày 6/11, theo đó du khách đến từ nước này khi nhập cảnh Anh phải tự cách ly trong 14 ngày.
Trước tình hình trên, Romania sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc và đóng cửa tất cả các trường học trong 30 ngày từ 9/11 tới. Theo đó, mọi cửa hàng sẽ phải đóng cửa từ 21h00 và mọi người phải ở trong nhà từ 23h00 - 5h00. Mọi khu chợ nông sản trong không gian kín cũng sẽ phải đóng cửa, trong khi người dân phải đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng trên cả nước.
Chính phủ Slovenia cũng quyết định gia hạn lệnh cấm di chuyển giữa các thành phố và giới hạn tụ tập tối đa 6 người thêm một tuần. Đây là lần thứ hai Chính phủ Slovenia gia hạn thực hiện các biện pháp hạn chế kể từ khi áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất vào ngày 24/10.
Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận nhiều ổ dịch mới. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới ở Hàn Quốc được ghi nhận duy trì ở mức trên 100 ca/ngày trong ngày thứ ba liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng của các ca lây nhiễm tập thể theo cụm trên khắp đất nước và điều này khiến cuộc chiến chống COVID-19 gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh mùa Đông đang đến gần.
Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 6/11 cho thấy đã có thêm 145 ca mắc mới COVID-19, bao gồm 117 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm của Hàn Quốc lên 27.195 ca.
Chính phủ Nhật Bản cũng cảnh báo các dấu hiệu tái bùng phát dịch COVID-19 trong bối cảnh có thêm nhiều ca nhiễm mới được phát hiện ở khu vực phía Bắc nước này.
Trong 24 giờ qua, Nhật Bản đã phát hiện thêm 1.050 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên 105.8 ca, trong đó 1.821 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 21/8 vừa qua số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ tại quốc gia Đông Bắc Á này vượt ngưỡng 1.000 ca.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chuyên gia dịch tễ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Maria Van Kerkhove cảnh báo các nước có thể bỏ sót các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nếu giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.984 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 23.0 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 1.755 ca bệnh phát sinh và 2 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.342 ca bệnh mới và 24 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 23.1 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 173 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 982.420 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 843.486 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Lào, Campuchia, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 6/11.