Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 17/1 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 328.495.699 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.557.246 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.836.8 và 3.801 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 267.371.226 người, 55.567.227 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 95.975 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Pháp dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 278.129 ca; Ấn Độ đứng thứ hai với 257.063 ca; tiếp theo là Mỹ (216.881 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 6 người chết trong ngày; tiếp theo là Ấn Độ (8 ca) và Mỹ (271 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 66.881.164 người, trong đó có 873.420 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 37.379.227 ca nhiễm, bao gồm 486,482 ca tử vong. Nước này lại đang trở thành một điểm nóng lây nhiễm do biến thể Omicron sau một thời gian dài lắng dịu khi vượt qua làn sóng chết chóc đầu năm 2021. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 23.000.657 ca bệnh và 621.045 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 104,2 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 90,32 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 78,5 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 43 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 10,47 triệu ca và châu Đại Dương gần 1,9 triệu ca nhiễm.
Cảnh báo nhiều biến thể đáng lo ngại hơn sau Omicron
Giới khoa học cảnh báo biến thể Omicron virus SARS-CoV-2 đang gây ra làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu có thể sẽ không phải là biến thể đáng lo ngại cuối cùng của virus này.
Theo các nhà khoa học, mỗi lần lây nhiễm đều tạo cơ hội cho virus đột biến và Omicron có những đột biến mạnh hơn so với những biến thể trước, đó là lây lan nhanh hơn mặc dù xuất hiện vào thời điểm người dân trên thế giới có khả năng miễn dịch tốt hơn do đã tiêm vaccine hoặc đã bị nhiễm bệnh trước đó. Cho dù chưa biết các biến thể tiếp theo của virus SARS-CoV-2 sẽ như thế nào, nhưng các nhà khoa học cho rằng không có gì đảm bảo các biến thể này sẽ gây ra bệnh nhẹ hơn hoặc các loại vaccine hiện nay có thể chống lại chúng.
Nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Boston (Mỹ) Leonardo Martinez cho rằng Omicron càng lây lan nhanh thì càng có nhiều cơ hội đột biến, có khả năng dẫn đến nhiều biến thể hơn.
Theo nghiên cứu, biến thể Omicron, xuất hiện hồi giữa tháng 11 năm ngoái, có khả năng lây lan ít nhất là gấp 2 lần so với biến thể Delta và ít nhất là gấp 4 lần so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2 . Omicron có nhiều khả năng gây tái nhiễm đối với những người trước đó đã mắc COVID-19 cũng như tấn công cả những người đã được tiêm chủng lẫn chưa tiêm chủng. Việc biến thể này dễ dàng lây lan làm tăng khả năng virus trên lây nhiễm và tồn tại bên trong những người có hệ miễn dịch yếu, cũng như tạo thêm thời gian để đột biến thành các biến thể mạnh hơn.
Nga lên kế hoạch điều chế vaccine Sputnik ngừa cùng lúc nhiều chủng virus SARS-CoV-2
Trên kênh truyền hình Rossyia 1 ngày 16/1, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia mang tên Gamaleya, ông Denis Logunov cho biết trung tâm này dự kiến điều chế loại vaccine có thể ngừa cùng lúc một số chủng virus SARS-CoV-2.
Theo ông Logunov, khả năng này đang được thảo luận. Loại vaccine mới sẽ có thể ngừa cả chủng virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở Trung Quốc, cùng như các chủng Delta và Omicron. Ông Logunov thông báo: "Chúng tôi đang xem xét và thảo luận cách điều chế Sputnik đa trị, kể cả Delta và Omicron".
Tính đến sáng 16/1, trong vòng 24 giờ, LB Nga đã ghi nhận 29.230 ca mới, mức cao nhất kể từ ngày 13/12/2021, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 10.803.534 ca. Các địa phương ghi nhận nhiều nhất là thủ đô Moskva với 6.480 ca, thành phố St. Petersburg 3.958 ca, tỉnh Moskva 3.147 ca. Cũng trong 24 giờ qua đã có 6 bệnh nhân tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 321.320 ca, và 22.731 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số người khỏi bệnh được xuất viện lên 9.858.615 người.
Ấn Độ: Số ca nhiễm mới chạm đỉnh trong 8 tháng
Bộ Y tế Ấn Độ ngày 16/1 công bố báo cáo dịch bệnh COVID-19 cho biết số ca nhiễm mới tại nước này trong 24 giờ qua là 271.202 ca - mức tăng theo ngày cao kỷ lục trong 8 tháng qua. Tính từ đầu dịch đến nay, nước này có tổng cộng 37,12 triệu ca nhiễm, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ (gần 66,67 triệu ca). Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 314 bệnh nhân COVId-19 không qua khỏi. Theo đó, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên tới 486.066 ca.
Tại Hàn Quốc, giới chức y tế nước này đang cảnh giác cao độ trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát mạnh trong dịp Tết Nguyên đán khi số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày vẫn trên 4.000 ca trong ngày thứ 5 liên tiếp. Ngày 16/1, Hàn Quốc ghi nhận 4.194 ca nhiễm mới, trong đó có 3.818 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Để ngăn chặn số ca lây nhiễm mới gia tăng, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch duy trì lệnh giới nghiêm vào 21h hằng ngày đối với các nhà hàng, quán cà phê, trong khi hạn chế số lượng người tụ tập còn 4 người. Các quy định phòng dịch điều chỉnh sẽ có hiệu lực từ ngày 17/1 đến hết ngày 6/2 sau khi hết hạn vào ngày 16/1. Đây là những biện pháp mà Chính phủ Hàn Quốc thực hiện nhằm ngặn nguy cơ dịch bệnh lây lan vào giữa tháng 12/2021, thời điểm Hàn Quốc có gần 8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Đức: Tỷ lệ mắc COVID-19 đạt mức kỷ lục mới
Tỷ lệ mắc mới COVID-19 ở Đức lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 500 ca/100.000 dân/7 ngày. Đây là mức cao nhất ghi nhận được tại nước này từ khi đại dịch bùng phát.
Viện Robert Kock (RKI) ngày 16/1 cho biết tỷ lệ các ca mắc mới trên mỗi 100.000 dân trong vòng 7 ngày qua tại nước này đã đạt mức 515,7 ca, cao hơn mức đỉnh 485 ca hồi tháng 11 năm ngoái trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 và cao hơn mức 497,1 ca của một tuần trước đó. Viện RKI cũng cho biết tại một số địa phương, con số này cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là cho đến nay, số nạn nhân không qua khỏi không có xu hướng tăng.
Theo thống kê của Viện RKI, trong vòng 24 giờ qua (tính đến sáng 16/1), Đức ghi nhận 52.504 ca mới, nhiều hơn 15.952 ca so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm thực tế có thể cao hơn do có ít xét nghiệm hơn vào những ngày cuối tuần.
Đến nay, số ca nhiễm mới cao nhất ghi nhận được trong 1 ngày là 92.223 ca vào ngày 14/1 vừa qua. Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 47 ca, thấp hơn so với mức 77 ca của một tuần trước đó. Tính từ khi bắt đầu đại dịch, Đức đã ghi nhận gần 8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 7 triệu người đã khỏi bệnh và 115.619 ca tử vong.
Đức là quốc gia có dân số già hơn với nhiều người mắc bệnh nền. Ở Đức, hiện có 3 triệu người trên 60 tuổi chưa được tiêm chủng. Nguy cơ mắc bệnh nặng đối với nhóm dân số này là rất cao.
Trung Quốc nhận định có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 15/1 cho biết tình hình dịch COVID-19 gần đây nhìn chung đã ổn định trở lại và có thể kiểm soát được trong bối cảnh quốc gia này nỗ lực để ngăn chặn kịp thời sự bùng phát dịch ở một số khu vực.
Theo ông Hà Thanh Hoa (He Qinghua), một quan chức của ủy ban trên, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những thách thức chủ yếu là các trường hợp mắc COVID-19 nhập cảnh và hoạt động du lịch cao điểm trong dịp nghỉ lễ sắp tới. Hầu hết các ca mắc COVID-19 ở Thiên Tân trong 3 ngày qua đều được phát hiện trong số những người bị cách ly, cho thấy khả năng virus SARS-CoV-2 lây lan trong thành phố đang giảm. Quan chức này nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng của chính quyền nhằm quản lý các điểm cách ly, đồng thời cho biết lực lượng đặc trách ứng phó với COVID-19 của chính phủ với sự tham gia của nhiều cơ quan đã cử một nhóm công tác hướng dẫn công tác chống dịch ở Thiên Tân. Ông cho biết thêm ổ dịch ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây về cơ bản đã lắng xuống, trong khi tỉnh Hà Nam vẫn đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Trong một diễn biến khác liên quan, NHC ngày 14/1 cho hay tính đến thời điểm này đã có hơn 1,26 tỷ người Trung Quốc (gần 90% dân số nước này) được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Thái Lan ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron
Ngày 16/1, giới chức Thái Lan thông báo nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do biến thể Omicron. Người phát ngôn Bộ Y tế Thái Lan Rungrueng Kitphati nêu rõ ca tử vong là một phụ nữ 86 tuổi, mắc chứng Alzheimer, sống tại tỉnh miền Nam Songkhla. Thái Lan ghi nhận ca mắc đầu tiên nhiễm biến thể Omicron hồi tháng 12/2021, buộc quốc gia Đông Nam Á này ra quy định cách ly bắt buộc đối với các du khách nước ngoài. Theo ông Kitphati, cho tới nay, Thái Lan đã ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm biến thể Omicron.
Cùng ngày, Thái Lan đã ghi nhận 8.077 ca mắc mới COVID-19 và 9 ca tử vong, nâng tổng số lên hơn 2,3 triệu ca kể từ đầu mùa dịch, trong đó có gần 22.000 ca tử vong. Khoảng 66% trong tổng số 72 triệu dân số Thái Lan đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản vaccine và gần 15% đối tượng tiêm chủng đã tiêm mũi tăng cường.
Nhật Bản: Ca mắc mới tăng cao liên tiếp
- Nhật Bản tiếp tục chứng kiến số ca mắc mới tăng cao trong ngày thứ ba liên tiếp