Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 17/2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 109.995.046 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.427.501 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 84.787.093 người, 22.495.828 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 97.447 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (55.271 ca), Mỹ (53.229 ca) và Pháp (19.590 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.415 ca), tiếp theo là Brazil (1.045 ca) và Anh (799 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 28.370.907 triệu người, trong đó có 499.619 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 10.937.106 ca nhiễm, bao gồm 155.588 ca tử vong. Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil là 240.940 trong tổng số 9.921.981 ca nhiễm.
WHO báo cáo sụt giảm 16% ca nhiễm COVID trên toàn cầu kể từ tuần trước
CNN dẫn thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tổng ca nhiễm COVID trên toàn cầu đã giảm 16% trong tuần lễ kết thúc vào ngày 14/2 so với tuần trước đó. Cụ thể có 81.000 ca tử vong và 2,7 triệu ca nhiễm mới trong tuần qua - ít hơn 500.000 ca nhiễm mới so với tuần trước đó.
Mỹ hiện đang ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong tuần, tiếp theo là Brazil, Pháp, Nga, Anh và Bắc Ireland.
WHO lưu ý biến thể mới tại Anh hiện đã được phát hiện ở 94 quốc gia, và biến thể ở Nam Phi xuất hiện ở 46 quốc gia, trong khi biến thể tại Brazil được ghi nhận ở 21 nước.
Mỹ đã tiêm trên 55 triệu liều vaccine COVID-19
CNN dẫn nguồn Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết, trên 55 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm tại nước này, và mới chỉ chiếm khoảng 72% số liều đã được phân phối.
Chính quyền Tổng thống Biden đang tăng cường cung ứng vaccine cho các tiểu bang, với tốc độ lên tới 13,5 triệu liều/tuần, tăng tới 57% so với mức ở thời điểm nhậm chức. Khoảng 2 triệu liều vaccine sẽ được chuyển trực tiếp tới các hiệu thuốc trên toàn quốc trong tuần này.
Hãng Moderna dự kiến sẽ chuyển giao cho Mỹ 100 triệu liều vaccine vào cuối tháng 3, tiếp đó là thêm 100 triệu liều khác vào cuối tháng 5 và 100 triệu liều tiếp theo vào cuối tháng 7.
Trong một diễn biến khác, Lãnh đạo phe đa số Hạ viện Steny Hoyer cho hay, Quốc hội có thể sẽ có hành động cuối cùng về gói cứu trợ COVID trong tuần lễ kết thúc vào ngày 8/3. Điều đó có nghĩa Hạ viện sẽ bỏ phiếu về dự luật cứu trợ COVID vào cuối tuần tới, tiếp theo là cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Nếu Thượng viện yêu cầu sửa dự luật, nó sẽ được gửi trở lại Hạ viện. Tuy nhiên, các chuyên gia hy vọng gói cứu trợ COVID sẽ có mặt trên bàn Tổng thống Biden vào 14/3 để ông ký phê chuẩn đúng thời điểm các cứu trợ thất nghiệp hết hạn.
Brazil lần đầu vượt Mỹ về ca nhiễm mới
Trong 24 giờ qua, Brazil đã lần đầu tiên vượt Mỹ về số ca nhiễm mới, với 55.271 ca so với 53.229 ca của Mỹ. Nước này cũng gần cán mốc 10 triệu ca bệnh và tới nay đã có trên 240.000 người tử vong vì COVID.
Đức dự kiến miễn phí xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 16/2 đã thông báo kế hoạch cung cấp miễn phí cho tất cả công dân nước này các bộ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 từ ngày 1/3 tới.
Theo ông Spahn, xét nghiệm kháng thể nhanh hiện có sẵn đủ trên thị trường để các trung tâm xét nghiệm địa phương và các hiệu thuốc có thể cung cấp miễn phí. Trên mạng xã hội Twitter, ông Spahn viết: "Cách xét nghiệm này có thể góp phần tạo một cuộc sống hằng ngày an toàn, nhất là tại các trường học và các trung tâm chăm sóc y tế". Ông cũng cho biết thêm rằng Bộ Y tế đang thương lượng với các nhà sản xuất bộ xét nghiệm.
Trước đó, tập đoàn truyền thông Đức RedaktionsNetzwerk Deutschland (RND) dẫn lời Bộ trưởng Spahn cho biết Chính phủ Liên bang Đức sẽ thanh toán các chi phí để thực hiện chiến lược xét nghiệm miễn phí nói trên. Mặc dù độ chính xác không tuyệt đối, nhưng với ưu điểm cho kết quả xét nghiệm nhanh hơn và có giá rẻ hơn nhiều so với các hình thức chẩn đoán COVID-19 khác, xét nghiệm kháng nguyên nhanh được coi là một phương pháp quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch.
Anh cấp chứng nhận tiêm phòng COVID-19
Cùng ngày, Anh thông báo sẽ cung cấp chứng nhận tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho công dân nước này nếu loại giấy tờ trên được yêu cầu khi nhập cảnh nước khác. Tuy nhiên, Anh không có ý định đưa ra một yêu cầu tương tự đối với người nhập cảnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Anh phụ trách vấn đề tiêm chủng vaccine Nadhim Zahawi ngày 16/2 cho biết: "Nếu các nước khác yêu cầu một chứng chỉ vaccine, tôi nghĩ là nên tạo điều kiện". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Anh không có ý định sử dụng các "hộ chiếu vaccine" trong nước. Ông cũng cho biết thêm rằng chiến lược của Anh là kết hợp chương trình tiêm chủng quốc gia với việc xét nghiệm nhanh. Mục tiêu của Anh là tiêm liều đầu tiên cho 32 triệu dân vào cuối tháng 4.
Dịch diễn biến tích cực hơn tại Nga, Philippines và Thái Lan
Ban phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết tính đến sáng 16/2, số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua là 13.233 ca, dưới mức 14.000 và là số liệu thấp nhất kể từ ngày 10/10/2020. Kể từ đầu năm 2021, số ca nhiễm mới tại Nga có xu hướng giảm ổn định. Như vậy, kể từ khi đại dịch bùng phát, Nga đã ghi nhận 4.099.323 người mắc COVID-19.
Trong 24 giờ qua, tại LB Nga ghi nhân thêm 459 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca không qua khỏi lên 80.979 người, đồng thời có thêm 17.627 người đã hồi phục, đưa tổng số người khỏi bệnh được xuất viện lên 3.624.663 ca.
Tại thủ đô Moskva, địa phương luôn đứng đầu liên bang về số ca nhiễm mới hằng ngày, trong 24 giờ tính đến sáng 16/2 ghi nhận 1.409 người nhiễm mới, 60 bệnh nhân tử vong, 2.062 người được xuất viện. Các địa phương khác có số ca nhiễm mới nhiều tiếp theo là thành phố St. Petersburg - 1.082 ca; tỉnh Moskva - 643 ca; tỉnh Nizhny Novgorod - 416 ca.
Tương tự, cuộc chiến chống COVID-19 tại Philippines có tín hiệu tích cực. Giới chức Bộ Y tế cho biết số ca mắc mới trên toàn quốc vẫn đang giảm. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy xu hướng ổn định sau khi số ca mắc mới tăng nhẹ vào giữa tháng 1 vừa qua do người dân gia tăng hoạt động di chuyển và tụ tập trong các kỳ nghỉ lễ.
Bộ Y tế Philippines công bố 1.391 ca mắc mới ngày 16/2, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 552.246 ca. Số ca tử vong tăng thêm 7 ca lên 11.524 ca. Trong khi đó, số ca bình phục và xuất viện đã tăng thêm 45 người lên 511.796 người.
Tại Thái Lan, số ca mắc mới trong ngày đã giảm xuống dưới 100. Theo Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA), Thái Lan cùng ngày đã công bố thêm 72 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 24.786 ca. Trong số ca mắc mới, 69 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong khi 3 ca nhập cảnh. Số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn là 82 ca. Đến nay, Thái Lan có tổng cộng 23.563 bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi và xuất viện.
Campuchia tăng cường kiểm soát biên giới
Tình hình trên khiến Campuchia phải tăng cường kiểm soát biên giới nhằm chặn đứng tất cả các hoạt động qua lại biên giới bất hợp pháp và đảm bảo mọi trường hợp nhập cảnh từ Thái Lan phải tuân thủ quy định về cách ly phòng dịch COVID-19. Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc kéo dài thời gian cách ly bắt buộc đối với những người trở về từ châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể lây lan nhanh của virus gây bệnh COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi.
Indonesia xử lý vaccine nguyên liệu thô của Trung Quốc
Liên quan đến vaccine, ngày 16/2, công ty PT Bio Farma Indoensia (Persero) thông báo đã bắt đầu xử lý 11 triệu liều vaccine dạng nguyên liệu thô do công ty Sinovac Trung Quốc cung cấp. Sau ngày 20/3 tới, 9 triệu liều vaccine sẽ sẵn sàng được phân phối và tiêm cho công chức trong lĩnh vực dịch vụ công theo lịch trình của chính phủ. Trong khi đó, Chính phủ Malaysia đã đảm bảo có được 66,7 triệu liều vaccine, đủ để tiêm chủng cho 109,65% dân số. Nước này sẽ sử dụng 6 loại vaccine của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức), AstraZeneca/Oxford (Anh/Thụy Điển), Sputnik V (Nga), Sinovac và CanSinoBIO (Trung Quốc).
Theo Bộ Y tế Indonesia, ngày 16/2, nước này đã ghi nhận thêm 10.029 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 1.233.959 ca. Đến nay, 1.039.674 bệnh nhân đã được tuyên bố khỏi bệnh. Trong khi đó, số bệnh nhân tử vong là 33.596 người, tăng 229.
Malaysia đảm bảo vaccine cho toàn bộ dân số
Chính phủ Malaysia đã đảm bảo có được 66,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, đủ để tiêm chủng cho toàn bộ dân số nước này. Đây là dữ liệu từ sổ tay hướng dẫn về Chương trình tiêm chủng COVID-19 quốc gia do Chính phủ Malaysia công bố ngày 16/2.
Dân số Malaysia tới năm ngoái ước tính khoảng 32,73 triệu người. Trước đây, Chính phủ Malaysia cho biết đã đặt mua đủ vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho 26,5 triệu người, tương đương 80% dân số.
Tuy nhiên theo dữ liệu mới công bố, nước này đã tăng mua vaccine của hãng Pfizer (Mỹ), từ 12,8 triệu liều lên 32 triệu liều, đủ để tiêm chủng cho 50% dân số, tức khoảng 16 triệu người. Bên cạnh đó, Malaysia cũng mua 12 triệu liều từ Sinovac (Trung Quốc) và 3,5 triệu liều của CanSinoBIO. Tổng số vaccine ngừa COVID-19 mua từ 2 hãng của Trung Quốc này đủ tiêm cho khoảng 29,75% dân số. Ngoài ra, Malaysia còn mua 6,4 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, đủ để tiêm cho 10% dân số và 12,8 triệu liều từ AstraZeneca của Anh/Thụy Điển, đủ để tiêm cho 20% dân số.
Tất cả các loại vaccine ngừa COVID-19 mà Malaysia đặt mua sẽ được tiêm hai liều ngoại trừ loại của CanSinoBio. Chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Malaysia sẽ bắt đầu từ ngày 26/2 tới trên cơ sở tự nguyện.
Nam Phi chia sẻ 1 triệu liều vaccine với các nước châu Phi
Một quan chức cấp cao Bộ Y tế Nam Phi ngày 16/2 cho biết nước này có kế hoạch chia sẻ 1 triệu liều vaccine của AstraZeneca/Oxford với các nước châu Phi khác thông qua Liên minh châu Phi (AU). Hồi đầu tháng này, Nam Phi đã ngừng tiêm vaccine AstraZeneca được nhận từ Viện Serum của Ấn Độ cho các nhân viên y tế trong nước, sau khi dữ liệu cho thấy vaccine chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với các trường hợp và nhẹ và trung bình mắc biến thể của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận ở nước này. Theo ông Anban Pillay, Nam Phi dự định bắt đầu tiêm phòng cho các nhân viên y tế bằng vaccine của hãng Johnson & Johnson's ngay từ tuần này, còn lô vaccine AstraZeneca sẽ được phân bổ cho các nước khác tại châu Phi thông qua AU.
Kazakhstan sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới tự sản xuất vaccine Sputnik V của Nga sau khi công ty dược Karaganda Pharmaceutical Complex (KPC) được chính phủ cấp phép sản xuất. Người phát ngôn Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cơ quan tài trợ phát triển loại vaccine tiêm hai liều này, cho biết Brazil, Ấn Độ và Hàn Quốc dự kiến sẽ sản xuất tương tự.