COVID-19 tới 6h sáng 21/3: Trên 7.700 ca tử vong mới; 1 triệu người Châu Âu đã thiệt mạng

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 7.700 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết lên trên 2,72 triệu ca. Châu Âu trở thành châu lục đầu tiên có số ca tử vong vượt 1 triệu người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Paris, Pháp ngày 18/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 21/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 123.405.063 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.720.955 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 489.158 và 7.706 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 99.357.187 người, 21.324.260 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 89.273 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (73.450 ca), Mỹ (51.370 ca) và Ấn Độ (43.815 ca); Brazil cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.227 ca), tiếp theo là Mỹ (697 ca) và Italy (401 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 30.477.589 triệu người, trong đó có 554.794 ca tử vong. Brazil ghi nhận tổng cộng 11.950.459 ca nhiễm, bao gồm 292.752 ca tử vong. Trong khi đó, Ấn Độ xếp thứ ba với 11.950.459 ca bệnh và 159.790 ca tử vong.

Tính theo tỷ lệ dân số, CH Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 228 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 195 người và Slovenia 189 người/100.000 dân.

Chú thích ảnh
 Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York, Mỹ, ngày 8/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Mỹ: Brazil đàm phán mua vaccine dư thừa của Mỹ

Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Brazil ngày 20/3 đưa tin, Bộ Y tế Brazil đang phối hợp với Đại sứ quán Brazil ở Washington đàm phán với Mỹ từ hôm 13/3 về khả năng nhập vaccine ngừa COVID-19 dư thừa của quốc gia Bắc Mỹ này.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Thượng viện Brazil Rodrigo Pacheco công bố bức thư ông gửi cho Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đề nghị cho phép Brazil được chấp thuận mua vaccine mà Mỹ đang có trong kho lưu dự trữ nhưng chưa sử dụng đến. Cụ thể, đó là số vaccine của công ty AstraZeneca và trường đại học Oxford phối hợp sản xuất, hiện chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ nhưng đã được “bật đèn xanh” tại Brazil.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil, ngày 17/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Brazil hiện đang phải đối mặt với một làn sóng dịch COVID-19 mới khiến cho hệ thống bệnh viện và cơ sở y tế điều trị các bệnh nhân COVID-19 đang phải đối mặt với nguy cơ quá tải. Theo thống kê chính thức, Brazil trong ngày 19/3 đã ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục với 90.570 trường hợp và tổng số ca mắc COVID-19 đã lên tới gần 12 triệu người, trong đó có hơn 290.000 trường hợp tử vong.

Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã được khởi động từ giữa tháng 1 tại Brazil nhưng tiến độ diễn ra khá chậm khi đến nay mới chỉ có khoảng 5,5% trong tổng số 212 triệu dân nước này được tiêm mũi thứ nhất và chỉ 2% đã nhận được mũi vaccine thứ 2. Một số thành phố thậm chí phải tạm ngừng chương trình tiêm chủng do thiếu vaccine.

Châu Âu ghi nhận hơn 1 triệu ca tử vong

Số ca tử vong do COVID-19 tại khu vực châu Âu đã vượt 1 triệu người vào ngày 19/3, trong bối cảnh châu lục này đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để kiềm chế làn sóng dịch bệnh thứ ba do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Paris, Pháp ngày 17/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu tổng hợp của hãng tin Reuters, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay châu Âu đã ghi nhận 37.221.978 ca mắc, trong đó 1.000.062 ca tử vong. Theo đó, khu vực gồm 51 quốc gia và vùng lãnh thổ này, trong đó có Nga, Vương quốc Anh, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nước và vùng lãnh thổ khác, hiện chiếm 35,5% số ca tử vong và 30,5% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. 

Tỷ lệ tiêm vaccine tại châu Âu hiện là 12 mũi tiêm/100 người, sau Mỹ với tỷ lệ 34 mũi tiêm/100 người. Đứng đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 là Israel với 110 mũi tiêm/100 người, trong đó có những người đã tiêm 2 mũi. Một số vaccine ngừa COVID-19 hiện nay là loại vaccine tiêm 2 mũi.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cảnh báo tình hình dịch bệnh đang xấu đi. Bà cho rằng làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại khu vực này đang dần đạt đỉnh, do đó cần phải đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Budapest, Hungary, ngày 5/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

EU cảnh báo cấm AstraZeneca xuất khẩu vaccine

Trong khi nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19, ngày 20/3, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo cấm AstraZeneca xuất khẩu vaccine nếu các nước thành viên EU không được nhận vaccine đầu tiên. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết thông điệp gửi tới AstraZeneca là "hãy thực hiện đầy đủ hợp đồng với châu Âu trước khi giao vaccine cho các nước khác". 

Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh EU đang gấp rút đẩy nhanh chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 khi mà dịch bệnh tại nhiều nước thành viên đang diễn biến hết sức phức tạp, tỷ lệ nhiễm mới tăng mạnh buộc chính quyền phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế. 

Cảnh sát Đức giải tán biểu tình phản đối hạn chế phòng COVID-19

Ngày 20/3, cảnh sát thành phố Kassel của Đức đã buộc phải dùng bình xịt hơi cay để giải tán những người biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế của chính quyền nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Frankfurt, Đức ngày 18/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin AFP của Pháp, hàng nghìn người dân đã tập trung tại một quảng trường ở trung tâm thành phố Kassel, đứng sát nhau mà không đeo khẩu trang. Ấu đả đã xảy ra khi một số phần tử quá khích đã tìm cách phá hàng rào cảnh sát, buộc các nhân viên an ninh phải sử dụng bình xịt hơi cay. 

Cuộc biểu tình do phong trào "Querdenker" - gồm những người phản đối các biện pháp phòng dịch của chính quyền - kích động và là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất tại Đức kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Phong trào này đã thu hút những người theo thuyết âm mưu, những người bài vaccine và những phần tử cực đoan cánh hữu. Một số người trong số họ không tin đại dịch là có thật, trong khi những người khác khẳng định các biện pháp hạn chế để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan là xâm phạm quyền công dân của họ.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Prague, CH Séc. Ảnh: AFP/TTXVN

Các cuộc biểu tình diễn ra đúng thời điểm giới chức Đức đang nỗ lực khống chế dịch bệnh khi tỷ lệ lây nhiễm trong ở làn sóng thứ ba tăng mạnh. Theo Viện Robert Koch, trong ngày 20/3, cả nước Đức ghi nhận thêm 16.000 trường hợp nhiễm mới COVID-19 và thêm 207 ca tử vong.

Dự kiến, đầu tuần sau, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến 16 bang sẽ họp thảo luận về các bước tiếp theo. Bà cảnh báo chính phủ có thể không nới lỏng các hạn chế. Các trường học ở Đức đã bắt đầu mở cửa trở lại vào cuối tháng 2, một số cửa hàng và trung tâm văn hóa nối lại hoạt động một tháng sau đó. Tuy nhiên, các dịch vụ ăn uống trong nhà và nhiều hoạt động giải trí khác vẫn bị cấm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế động viên tinh thần bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Karlovac, Croatia ngày 18/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Italy thông qua gói cứu trợ kinh tế 32 tỷ euro 

Ngày 19/3, Chính phủ Italy đã thông qua gói cứu trợ trị giá 32 tỷ euro ( tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết gói cứu trợ trên bao gồm 11 tỷ euro cấp cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào cuối tháng 4 tới. Ngoài ra, 8 tỷ euro chi cho an sinh xã hội, bao gồm trợ cấp cho lao động thất nghiệp, và khoảng 5 tỷ euro cho chương trình tiêm vaccine và ngành y tế. 

Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên bùng phát dịch COVID-19 cách đây hơn 1 năm. Hiện nước này rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới II. Năm 2020, GDP của Italy giảm 8,9%, khoảng 450.000 người bị mất việc, trong đó phần lớn là phụ nữ, người trẻ tuổi.

Thủ tướng Draghi hy vọng việc tăng tốc chương trình tiêm chủng sẽ phần nào giảm ảnh hưởng của dịch bệnh và chính phủ đang soạn thảo kế hoạch phục hồi kinh tế bằng các khoản tài trợ và khoản vay của Liên minh châu Âu (EU). Italy đủ điều kiện nhận khoản hỗ trợ 200 tỷ euro từ EU, song đổi lại nước này phải cam kết thực hiện cải cách sâu rộng được sự chấp thuận của lãnh đạo EU.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một khu chợ ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 18/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Á: Ấn Độ: Ca nhiễm mới cao nhất 4 tháng

 Trong khi đó, Ấn Độ cũng chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày 20/3 ở mức cao nhất trong gần 4 tháng qua (40.953 ca), trong đó bang Maharashtra giàu có nhất chiếm hơn một nửa số ca nhiễm. Một số địa phương tại nước này đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có cả phong tỏa và đóng cửa nhà hàng. Các bác sĩ cho rằng làn sóng lây nhiễm mới do người dân lơ là các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, đồng thời cảnh báo bệnh viện sắp quá tải ở những bang như Maharashtra.

Nhật Bản không cho khán giả nước ngoài dự khán Olympic Tokyo, ước tính thiệt hại 1,4 tỷ USD

Chiều 20/3, cuộc họp 5 bên giữa Trưởng Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo Seiko Hashimoto, Bộ trưởng Olympic Tamayo Marukawa, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach và Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) Andrew Parson đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Kết quả không ngoài dự đoán khi quyết định cuối cùng được đưa ra là Nhật Bản không cho phép khán giả nước ngoài dự khán Thế vận hội Olympic và Paralympic vào mùa Hè tới. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại sân bay Narita, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Lý do là nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sự kiện thể thao quan trọng này trước nguy cơ có thể lây lan dịch bệnh COVID-19 nếu số lượng người nước ngoài gia tăng vào dịp này. 

Trước mắt, Ban Tổ chức Olympic và Paralympic sẽ hoàn lại số lượng vé đã được đặt mua từ nước ngoài gồm khoảng 600.000 vé dự khán Olympic và 300.000 vé dự khán Paralympic.

Theo chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi thuộc Viện Nghiên cứu Nomura, ước tính Nhật Bản sẽ thiệt hại khoảng 150 tỷ yen (khoảng 1,4 tỷ USD) do tác động từ quyết định này, chủ yếu là nguồn thu từ chi tiêu tiêu dùng của khách du lịch nước ngoài. Đó là chưa kể những thiệt hại không tính được như cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước Nhật Bản và phát triển ngành du lịch.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 17/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Philippines lại lập kỷ lục ca nhiễm mới kể từ đầu dịch

Philippines đã ghi nhận 7.999 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 20/3, ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm đã lên tới 656.056 ca trong khi số ca tử vong tăng lên 12.930 ca sau khi có thêm 30 ca mới trong ngày 20/3. Quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực ứng phó với tình trạng số ca nhiễm mới tăng mạnh, trong đó có các ca nhiễm các biến thể mới và lây lan nhanh, làm trì chậm lại kế hoạch mở cửa nền kinh tế đang bị tác động nặng nề của dịch.

Bộ trên ra thông cáo cho biết: "Số ca nhiễm vẫn cao kỷ lục. Tốt nhất mọi người nên ở trong nhà nếu không có việc gì cần thiết". Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.

Chú thích ảnh
Người dân ngồi chờ đợi tại Trung tâm y tế East Avenue, thành phố Quezon vào ngày 18/3/2021. Ảnh: The Star

WHO cảnh báo tình hình nghiêm trọng tại Campuchia 

Ngày 20/3, Campuchia xác nhận phát hiện thêm 54 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh Bộ Y tế nước này và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa ra thông cáo nhấn mạnh “Campuchia đang ở thời điểm nghiêm trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”.

Thông cáo của Bộ Y tế Campuchia và WHO kêu gọi người dân Campuchia đoàn kết và làm tất cả những gì có thể trong cuộc chiến chống đại dịch. Các chuyên gia WHO nhận định đợt bùng phát dịch mới tại Campuchia liên quan biến thể B.1.1.7 của virus SARS-CoV-2 khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

Chú thích ảnh
Người dân chờ được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 10/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Thủ tướng Hun Sen đã chỉ đạo Bộ Y tế nước này tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine AstraZeneca trong 15 ngày cho người trên 60 tuổi tại tất cả các quận của thủ đô Phnom Penh. Ông kêu gọi những người dưới 60 tuổi không tranh giành vaccine trong chiến dịch này.

Lý do ông Hun Sen đưa ra là Campuchia hiện chưa có đủ vaccine phòng COVID cho tất cả mọi người ở cùng một thời điểm. Ông cho biết, vaccine của Sinovac/Trung Quốc sẽ được chuyển giao vào 26/3, và tiêm cho người dân bất kể nhóm tuổi. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 10/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Indonesia nối lại tiêm vaccine AstraZeneca Covid-19 

Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Indonesia (BPOM) ngày 19/3 đã phê chuẩn sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca sau khi xem xét các báo cáo về tình trạng máu đông cục ở một số trường hợp tại châu Âu.

Trong một tuyên bố, BPOM cho biết mặc dù việc tiêm chủng có thể dẫn đến "các biến cố bất thường", nhưng "nguy cơ tử vong do COVID-19 vẫn cao hơn nhiều". Cơ quan này khẳng định: Lợi ích của tiêm vaccine AstraZeneca lớn hơn rủi ro". BPOM đã thận trọng không cho phép sử dụng vaccine này với những người có lượng tiểu cầu trong máu thấp, được gọi là giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu. 

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng tiêm vaccine COVID-19 tại Sanur, đảo Bali ngày 19/3/2021. Ảnh: EPA-EFE

Thu Hằng/Báo Tin tức
Ngồi tù 18 năm vì giết cả 4 đứa con, người phụ nữ Úc được minh oan nhờ di truyền học-Kỳ 1
Ngồi tù 18 năm vì giết cả 4 đứa con, người phụ nữ Úc được minh oan nhờ di truyền học-Kỳ 1

Kathleen Folbigg đã phải ngồi tù 18 năm qua vì một trong những tội ác kinh khủng nhất có thể tưởng tượng được: giết cả 4 đứa con của mình. Nhưng bằng chứng khoa học mới cho thấy đó không phải là điều đã xảy ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN