COVID-19 tới 6h sáng 3/9: Thế giới có 613.000 ca mắc mới, Mỹ tiếp tục đứng đầu

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 613.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 219,8 triệu ca, trong đó trên 4,55 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một trạm lưu động ở New York, Mỹ, ngày 31/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 130.000 ca), Ấn Độ (45.482 ca) và Anh (.154 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.407 ca), Mexico (1.177 ca) và Nga (798 ca).

Như vậy, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về cả ca mắc và tử vong mới trong 24 giờ qua. Xét về tổng số ca tử đầu đại dịch, quốc gia này cũng có các số liệu cao nhất với trên 40,6 triệu ca mắc và trên 661.000 ca tử vong.

Trong bối cảnh ca mắc và ca tử vong tiếp tục tăng cao trên thế giới, một nghiên cứu mới đây cho thấy người từng mắc COVID-19 và đã tiêm mũi vaccine đầu tiên chưa chắc có hệ miễn dịch tốt để không bị tái nhiễm trong tương lai. 

Công trình nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học ở Đại học Northwestern (Mỹ) thực hiện và được cống bố trên Tạp chí Scientific Reports mới đây. Nghiên cứu có sự tham gia của 27 người trưởng thành ở khu vực Chicago. Toàn bộ những người này đã được tiêm chủng phòng COVID-19 với vaccine của hãng Pfizer hoặc Moderna, một vài người trong số này đã từng mắc COVID-19. Họ gửi mẫu máu vào hai thời điểm: từ 2 – 3 tuần sau mũi tiêm đầu tiên đầu tiên và thứ 2, và 2 tháng sau mũi thứ hai. Các nhà nghiên cứu của Đại học Northwestern (Mỹ) đã phân tích các mẫu máu để tìm kháng thể chống virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại thành phố Ramallah, Khu Bờ Tây ngày 21/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Giáo sư nhân chủng học Thomas McDade thuộc Viện Nghiên cứu chính sách cho biết sau khi kiểm tra, các mẫu máu thu thập được trong khoảng ba tuần sau mũi tiêm thứ 2 cho thấy mức độ ức chế trung bình là 98%, cho thấy mức độ kháng thể trung hòa rất cao. Tuy nhiên, mức độ kháng thể chống lại các biến thể mới nổi thấp hơn đáng kể, dao động từ 67% đến 92%. Ngoài ra, các mẫu máu của những người đã mắc COVID-19 trước đó được thu thập 2 tháng sau mũi tiêm thứ 2 cho thấy phản ứng kháng thể đã giảm khoảng 20%.

Giáo sư McDade nhấn mạnh nhiều người, thậm chí cả y bác sĩ, có thể đang lầm tưởng việc nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ tạo ra khả năng miễn dịch, giúp người bệnh tránh được nguy cơ tái nhiễm. Dựa trên logic này, một số người bị nhiễm trước đó nghĩ rằng họ không cần phải tiêm phòng hoặc chỉ cần tiêm một mũi vaccine của Pfizer hoặc Moderna. Tuy nhiên, nghiên cứu trên cho thấy việc nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó không đảm bảo lượng kháng thể cao, cũng như không đảm bảo phản ứng kháng thể mạnh mẽ với liều vaccine đầu tiên. Đối với những người bị mắc triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, phản ứng kháng thể của họ đối với việc tiêm chủng về cơ bản giống như những người chưa mắc COVID-19 trước đó.

Indonesia đạt mục tiêu tiêm chủng của WHO

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ vị thành niên tại Aceh, Indonesia, ngày 30/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi mới đây tuyên bố nước này đã đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra.

Trên phạm vi toàn cầu, WHO đã đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 10% dân số ở mỗi quốc gia vào cuối tháng 9/2021, 40% dân số của mỗi quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% dân số của mỗi quốc gia vào giữa năm 2022.

Theo bà Retno, đến thời điểm hiện tại có ít nhất 140 quốc gia đã tiêm vaccine cho 10% công dân, bao gồm cả Indonesia. Tính đến ngày 1/9, Indonesia đã tiêm 100 triệu liều vaccine COVID-19, đưa quốc gia Đông Nam Á này đứng thứ 7 thế giới về số liều vaccine được tiêm. Bà nhấn mạnh, với dân số đông, các nỗ lực tăng tốc tiêm chủng ở Indonesia sẽ tiếp tục trong thời gian tới, nhưng việc này sẽ không thành công nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng.

Bà Retno cho biết việc tiêm vaccine và tuân thủ các quy trình y tế sẽ là nguồn lực mạnh mẽ để "xứ sở vạn đảo" tiếp tục giảm số ca mắc COVID-19. Theo bà, giữa chính phủ và toàn thể người dân cần tiếp tục hợp tác để ngăn chặn số ca mắc gia tăng trở lại.

Tới nay, Indonesia ghi nhận 4.109.093 ca mắc COVID-19, trong đó có 134.356 trường hợp tử vong và 3.798.099 bệnh nhân đã bình phục.

Campuchia kêu gọi thanh thiếu niên tiêm vaccine

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 26/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại Campuchia đang được hối thúc khẩn trương đi tiêm vaccine COVID-19, trong bối cảnh tốc độ tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi này diễn ra còn chậm và giới chức liên quan cần phải có giải pháp phù hợp để hoàn thành chiến dịch tiêm phòng đúng thời hạn.

Tính đến nay, tổng cộng 1.573.131 thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-17 tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 3.461 em đã tiêm đủ 2 mũi. Xét theo tỷ lệ, 79,98% trong 1,966 triệu thanh thiếu niên Campuchia đã được tiêm phòng, để chuẩn bị cho học sinh lớp 9 và lớp 12 quay lại trường học trước. Trong khi đó, 400.000 em còn lại cần được tiêm phòng sớm nhất có thể.

Bộ Y tế Campuchia cũng hé lộ kế hoạch tiêm phòng cho trẻ từ 10-11 tuổi trong nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng và có thể mở cửa trở lại tất cả các cấp học. Kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm phòng COVID-19 vào ngày 10/2 cho đến ngày 1/9, Campuchia đã tiêm vaccine cho 9.321.664 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên), trong đó 8.211.272 đã tiêm đủ hai mũi. Với kế hoạch tiêm phòng COVID-19 cho 10 triệu người trưởng thành trên cả nước, Campuchia đã đạt 93,22% và chỉ còn chưa đến 7% nữa là hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ Y tế Campuchia ngày 2/9 xác nhận trong 24 giờ qua, nước này có thêm 12 người tử vong và 416 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 112 ca nhập cảnh. Tới nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 93.926 ca mắc COVID-19, trong đó 89.500 người đã khỏi bệnh và 1.928 người tử vong.

Nhật Bản phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể Mu 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của hành khách tại sân bay Narita, Nhật Bản. Ảnh: Asahi Shimbun/TTXVN

Trong quá trình kiểm dịch ở sân bay, Nhật Bản đã phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể Mu – một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách “biến thể đáng quan tâm”. 

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết trong quá trình nghiên cứu cấu tạo gene của các mẫu bệnh phẩm đã được thu thập trước đó, giới chức y tế Nhật Bản đã phát hiện 1 phụ nữ từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến sân bay Narita vào cuối tháng 6 và 1 phụ nữ khác từ Vương quốc Anh đến sân bay Haneda vào đầu tháng 7 đều nhiễm biến thể Mu.

Đài truyền hình NHK dẫn lời Tổng Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Wakita Takaji cho rằng có nhiều biến thể mới đang được xác nhận, nhưng cần phải chú ý tới các biến thể có khả năng lây truyền cao hơn so với các biến thể khác. 

Trước đó, ngày 31/8, WHO đã đưa biến thể B.1.621, còn gọi là biến thể Mu, vào danh sách “biến thể đáng quan tâm” vì biến thể này có các đột biến có khả năng vô hiệu hóa tác dụng của vaccine. Biến thể Mu được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021. Theo NHK, cho đến nay, biến thể này đã được xác nhận ở ít nhất 39 quốc gia, trong đó có các quốc gia ở Nam Mỹ và châu Âu, chiếm chưa đến 0,1% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Colombia là 39%. WHO nhấn mạnh cần có các nghiên cứu bổ sung để hiểu rõ hơn về các đặc điểm của biến thể này. 

Ai Cập có kế hoạch sản xuất 1 tỷ liều vaccine Sinovac mỗi năm

Chú thích ảnh
Vận chuyển phân phối vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho biết Ai Cập có kế hoạch sản xuất 1 tỷ liều vaccine Sinovac của Trung Quốc mỗi năm, đồng thời khẳng định nước này sẽ trở thành nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất tại châu Phi và Trung Đông.

Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày ở thủ đô Cairo, bà Zayed cho hay theo thỏa thuận được ký kết giữa Công ty Sinh phẩm và Vaccine Ai Cập (VACSERA) và Công ty dược sinh học Sinovac của Trung Quốc, một nhà máy tại Cairo sẽ sản xuất hơn 200 triệu liều vaccine Sinovac mỗi năm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngoài ra, một nhà máy thứ hai sẽ sản xuất 3 triệu liều mỗi ngày, tương đương khoảng 1 tỷ liều mỗi năm, với mục tiêu xuất khẩu loại vaccine ngừa COVID-19 này sang các nước châu Phi.

Theo bà Zayed, dự án trên sẽ đưa Ai Cập trở thành nhà sản xuất vaccine lớn nhất tại khu vực Trung Đông và châu Phi. Các chuyên gia Trung Quốc đã tới Ai Cập để kiểm tra các trang thiết bị và nguyên liệu sản xuất vaccine Sinovac tại các nhà máy của công ty VACSERA.

Ai Cập, với dân số hơn 100 triệu người, tính đến nay đã ghi nhận hơn 288.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 16.700 trường hợp tử vong. Khoảng 7,5 triệu người Ai Cập đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Mỹ vứt bỏ 15 triệu liều vaccine COVID-19 từ tháng 3

Chú thích ảnh
Một em nhỏ, 12 tuổi, được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại bang California, Mỹ ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Dữ liệu mới công bố cho thấy trên 15 triệu liều vaccine COVID-19 đã bị vứt bỏ ở Mỹ trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng chậm chạp.

Theo kênh RT (Nga), số vaccine COVID-19 trên do các hiệu thuốc và chính quyền các bang vứt bỏ sau khi nhận nhiệm vụ phân phối vaccine từ ngày 1/3.

Tuần này, dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) công bố cho thấy các đơn vị có nhiệm vụ tiêm vaccine cho người dân đã vứt bỏ hàng triệu liều vaccine. Chuỗi nhà thuốc Walgreens vứt gần 2,6 triệu liều, còn chuỗi nhà thuốc CVS phải bỏ đi khoảng 2,3 triệu liều.

Bang Texas, North Carolina, Pennsylvania và Oklahoma bỏ nhiều vaccine COVID-19 nhất.

Trong tháng 7, Mỹ vứt bỏ 4,7 triệu liều vaccine, tăng 300.000 liều so với con số 4,4 triệu liều bị bỏ hồi tháng 6. Số lượng vaccine bị bỏ trong tháng 8 ít hơn một chút, với 3,8 triệu liều. Tới nay, trên 360 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Mỹ.

Lý do cụ thể vaccine bị vứt bỏ ở Mỹ hiện vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, vaccine COVID-19 có thể bị vứt đi vì lọ bị vỡ, tủ lạnh dự trữ hỏng, không bảo quan đúng nhiệt độ hoặc hết hạn sử dụng.

Phát ngôn viên CDC cho rằng số liều vaccine bị bỏ chỉ là một phần nhỏ và cực kỳ thấp so với số liều được sử dụng. Bà nói: “Đây là bằng chứng về quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa chính phủ liên bang, các khu vực và các nhà cung cấp vaccine để càng nhiều người được tiêm càng tốt, đồng thời giảm số vaccine bị lãng phí trên khắp hệ thống”.

Khi ca mắc do biến thể Delta gia tăng, chính phủ Mỹ đã thông báo kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân trên cả nước, bắt đầu từ ngày 20/9 tới.

Tỉnh đông dân nhất Canada sẽ áp dụng hộ chiếu vaccine từ ngày 22/9

Chú thích ảnh
Người dân có giấy chứng nhận đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Bradford, Ontario, Canada ngày 1/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ hiến tỉnh Ontario, ông Doug Ford ngày 1/9 đã thông báo về kế hoạch triển khai hệ thống hộ chiếu vaccine tại tỉnh đông dân nhất Canada này, yêu cầu người dân xuất trình bằng chứng đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 trước khi vào phòng tập thể thao, rạp hát, nhà hàng ở không gian trong nhà, các trung tâm tổ chức tiệc cưới, hội trường.... Để được coi là đã tiêm chủng đầy đủ, người dân phải tiêm liều thứ hai của vaccine phòng COVID-19 trước đó 2 tuần.

Kế hoạch này - có hiệu lực từ ngày 22/9 - ban đầu sẽ sử dụng chứng nhận tiêm chủng do chính phủ cấp (bản in giấy hoặc bản gửi qua email) và người dân cần xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh. Dự kiến, vào ngày 22/10 sẽ có một ứng dụng trên điện thoại thông minh, cho phép hiển thị chứng nhận tiêm chủng của người dân. Các quy tắc mới sẽ không áp dụng với các nhà hàng ngoài trời, các cửa hàng bán lẻ cũng như nơi thờ cúng. Hệ thống này cũng miễn trừ với những trường hợp bị dị ứng với vaccine, những người không thể tiêm vaccince do có rủi ro về sức khỏe và trẻ em dưới 12 tuổi. Mức phạt đối với hành vi không tuân thủ quy định về hộ chiếu vaccine tại Ontario là 750 CAD (594 USD) đối với cá nhân và lên tới 1.000 CAD (792 USD) hoặc hơn đối với doanh nghiệp.

Trong những tuần qua, nhiều nhóm doanh nghiệp, chuyên gia y tế và các chính trị gia đối lập đã yêu cầu chính quyền Ontario triển khai hệ thống chứng nhận vaccine, tương tự như các hệ thống được công bố ở các tỉnh Manitoba, British Columbia và Quebec.

Ông Ford trước đó đã lên tiếng phản đối ý tưởng về hộ chiếu vaccine, cảnh báo vào tháng 7/2021 rằng khái niệm này sẽ tạo ra một “xã hội chia rẽ”. Tuy nhiên trong những ngày gần đây, Thủ hiến của Ontario đã đảo ngược quan điểm của mình trong bối cảnh làn sóng thứ tư của đại dịch vẫn tiếp diễn.

Tuần trước, trong chiến dịch vận động tranh cử, nhà lãnh đạo đảng Tự do, Thủ tướng Justin Trudeau đã cam kết thành lập một quỹ trị giá 1 tỷ CAD cho các tỉnh để xây dựng chương trình chứng nhận tiêm chủng.

Trong khi đó, hệ thống hộ chiếu vaccine của tỉnh Quebec, có hiệu lực vào ngày 1/9, sẽ cho phép người dân sử dụng bản chứng nhận tiêm chủng in giấy, hoặc file PDF kỹ thuật số, hoặc một ứng dụng điện thoại thông minh hiển thị mã QR. Người dùng cũng sẽ phải xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh.

Một số tỉnh tại Canada thời gian gần đây liên tục thông báo về kế hoạch triển khai hộ chiếu vaccine. Manitoba là tỉnh đầu tiên. sau đó đến Quebec, British Columbia, và bây giờ là Ontario. Giới chuyên gia khuyến nghị, để giảm thiểu ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm thứ tư của dịch bệnh, Canada cần hướng tới mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 90% dân số đủ điều kiện tiêm chủng. Và một trong những chìa khóa để đạt được mục tiêu này, đó là áp dụng hộ chiếu vaccine.

Theo Bộ Y tế Canada, hiện hơn 82% người dân Canada trên 12 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19 và trên 74% đã hoàn thành tiêm chủng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 2/9: Cả khối có 1.625 ca tử vong mới; Campuchia kêu gọi thanh thiếu niên tiêm vaccine
COVID-19 tại ASEAN hết 2/9: Cả khối có 1.625 ca tử vong mới; Campuchia kêu gọi thanh thiếu niên tiêm vaccine

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 2/9, 10 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 75.865 ca mắc COVID-19 và 1.625 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 10.236.954 ca, trong đó 226.041 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN