Hai quốc gia này có lực lượng vũ trang lớn nhất và đứng thứ hai tại châu Á, đồng thời cũng chi rất mạnh cho ngân sách quốc phòng. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều sở hữu công nghiệp quốc phòng khổng lồ và chủ trương trang bị cho quân đội những vũ khí tốt nhất.
Một quốc gia không thể coi là cường quốc nếu quân đội phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ nước ngoài. Trong khi đó, nguồn cung từ nước ngoài thường chịu tác động bởi cấm vận và các nhà sản xuất vũ khí nước ngoài đôi khi chần chừ trong việc bán những công nghệ vũ khí tiên tiến nhất. Do vậy, ưu tiên của các cường quốc là đảm bảo nguồn vũ khí tối tân do trong nước tự sản xuất, càng nhanh càng tốt.
Ấn Độ và Trung Quốc đều coi trọng việc hình thành và đầu tư vào ngành công nghiệp vũ khí nội địa. Như vậy, cả Trung Quốc và Ấn Độ cùng có con đường tương tự nhau trong công nghiệp hóa quốc phòng.
Hai quốc gia này sử dụng biện pháp “từ đầu đến cuối” đối với quốc phòng, đó là tự sản xuất mọi thứ, từ vũ khí nhỏ tới vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, họ còn thiết lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển quân sự để kiểm soát mọi giai đoạn của sản xuất vũ khí, từ thiết kế cho tới triển khai sản xuất.
Mục tiêu quan trọng nhất là phát triển và sản xuất hệ thống vũ khí nội địa. Nếu trước mắt việc sản xuất vũ khí trong nước chưa khả thi thì việc sản xuất được cấp phép các hệ thống vũ khí do nước ngoài thiết kế cũng được coi là giải pháp. Song những vũ khí này cần được thay thế bằng vũ khí sản xuất nội địa càng sớm càng tốt.
Tờ National Interest (Mỹ) nhận định cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tín nhiệm các doanh nghiệp quốc doanh được bảo hộ và trao quyền tự quyết định trong hoạt động sản xuất vũ khí.
Trung Quốc và Ấn Độ đều khởi động từ cuối thập niên 90 và đầu những năm 2.000 nỗ lực cải tổ ngành công nghiệp quốc phòng thành tổ hợp quân sự - công nghiệp hiện đại bao gồm đầu tư mạnh vào kiểm soát chất lượng, cho khách hàng quan sát nhiều hơn về nghiên cứu và phát triển quốc phòng...
Tuy nhiên, Trung Quốc đã đi trước Ấn Độ trong việc đưa ý tưởng thị trường tự do vào công nghiệp quốc phòng. Trung Quốc có nhiều cạnh tranh hơn trong các dự án quốc phòng, áp dụng sáng kiến kích thích hội nhập quân sự-dân sự và khai thác công nghệ thương mại cao cấp, khiến các nhà sản xuất vũ khí địa phương có trách nhiệm hơn với nhu cầu của khách hàng (quân đội).
Trong khi đó, National Interest đánh giá công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ vẫn có phần cồng kềnh, chưa đủ cạnh tranh. Do vậy, theo National Interest, Trung Quốc đang đi trước Ấn Độ một bước trong nỗ lực thúc đẩy công nghiệp quốc phòng nội địa.