Các chuyên gia cho biết nạn cháy rừng trong điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài ở Sumatra và Kalimantan, nơi tập trung nhiều đồn điền cọ rộng lớn, đã trở nên tồi tệ hơn vì hiện tượng thời tiết El Nino. Đây là tình trạng khói mù tồi tệ nhất kể từ năm 2019.
Hôm 29/9, Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - ASMC - đã kích hoạt Cảnh báo Cấp độ 2 cho khu vực phía Nam ASEAN. Chỉ còn một cấp nữa là có thể trở thành cuộc khủng hoảng khói mù toàn diện.
Dữ liệu của ASMC cho thấy gió có khả năng thổi khói mù về phía Tây Bắc, từ Nam Sumatra đến Bán đảo Malaysia và tương tự từ Nam Kalimantan đến Sarawak.
Đối với người Malaysia, điều đó sẽ kéo theo sự trở lại không mong muốn của đám mây mù đáng sợ.
“Tôi không mở cửa sổ ở nhà vì không khí ngột ngạt khiến da tôi ngứa ngáy. Tôi cũng nói với phụ huynh của các học sinh ở đây rằng hãy đóng toàn bộ cửa sổ nếu có thể và đảm bảo bọn trẻ được uống nhiều nước”, một người điều hành nhà trẻ ở Kuala Lumpur, cho biết.
Bộ Giáo dục Malaysia đã chỉ đạo các trường học ngừng tổ chức hoạt động ngoài trời nếu chỉ số ô nhiễm không khí (API) của đất nước vượt quá 100 và đóng cửa trường học nếu chỉ số vượt quá 200.
Bộ trưởng Môi trường Malaysia Wan Abdul Latiff Wan Jaffar cho biết rằng nỗ lực làm sạch không khí bằng mưa nhân tạo và một số biện pháp khác sẽ được triển khai khi chỉ số API đạt 150 trong hơn 24 giờ.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Môi trường Quốc gia, Singapore, một nạn nhân thường xuyên khác của khói mù hàng năm, đã ghi nhận mức chất lượng không khí ở mức vừa phải vào ngày 3/10.
Nạn phá rừng quy mô lớn để lấy đất nông nghiệp, đặc biệt là các đồn điền cọ dầu ở Malaysia và Indonesia, được cho là nguyên nhân gây ra khói mù hàng năm trong hai thập kỷ qua.
Khói ô nhiễm cũng làm tăng thêm những diễn biến tiêu cực liên quan đến dầu cọ. Indonesia và Malaysia là những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về mặt hàng này. Chúng được sử dụng trong mọi thứ, từ thực phẩm, xà phòng đến son môi.
Hồi tháng 6, Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp dụng lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến nạn phá rừng ở bất kỳ đâu trong chuỗi cung ứng, dẫn đến sự phản đối kịch liệt từ hai nước sản xuất ở Đông Nam Á.
Các quan chức Indonesia cũng bác bỏ cáo buộc rằng khói mù bắt nguồn từ cháy rừng ở Sumatra và Kalimantan đã lan sang Malaysia. Họ nhấn mạnh rằng không phát hiện bất kỳ đám khói mù nào lan rộng bên ngoài biên giới của họ.
Bộ trưởng Môi trường Indonesia Siti Nurbaya Bakar cho biết: “Chúng tôi tiếp tục theo dõi mọi diễn biến và không có khói mù xuyên biên giới ở Malaysia”.
Bộ Ngoại giao Indonesia cũng cho biết Malaysia chưa gửi khiếu nại nào về tình trạng khói mù.
Các quan chức từ Bộ Môi trường và Ngoại giao của Malaysia hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Malaysia đã ghi nhận mức không khí không tốt cho sức khỏe lên tới 158 trên API ở 18 địa điểm vào ngày 2/10, chủ yếu tập trung ở khu vực Thung lũng Klang thịnh vượng, nơi có thủ đô Kuala Lumpur cùng nhiều khu công nghiệp ở bang Selangor giàu có nhất đất nước.
Số địa điểm có mức không khí gây hại đã giảm xuống còn 3 tính đến 15h chiều 3/10, mặc dù 62 địa điểm khác trên cả nước đã đăng ký mức độ ô nhiễm vừa phải.
Theo một báo cáo của AP, chất lượng không khí ở Nam Sumatra đã đạt mức “nguy hiểm” vào ngày 2/10, buộc giới chức địa phương phải cho học sinh học trực tuyến.
Malaysia đổ lỗi cho Indonesia gây ra khói mù do cháy rừng xuyên biên giới, khiến Jakarta kịch liệt phản đối.
Tổ chức Greenpeace khẳng định cuộc khủng hoảng khói mù mới nhất đã làm tăng thêm sự cấp thiết đối với việc các quốc gia thành viên ASEAN cần ban hành luật ô nhiễm khói mù xuyên biên giới để họ có thể trấn áp những “con sâu làm rầu nồi canh” góp phần gây ra vấn nạn thường niên này.
Chiến lược gia Heng Kiah Chun của Greenpeace tại Đông Nam Á cho biết tổ chức này có thể cung cấp cơ sở pháp lý để mỗi quốc gia thể chế hóa việc kiểm tra và cân bằng nhằm đảm bảo các công ty của họ hoạt động có trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo Kiu Jia Yaw, luật sư về phát triển bền vững, nếu chỉ áp đặt pháp lý đối với những công ty trong nước có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bởi lẽ, nhiều công ty nông nghiệp, đặc biệt là các công ty giám sát các đồn điền cọ dầu quy mô lớn, là các tổ chức đa quốc gia hoạt động trên khắp các khu vực pháp lý của ASEAN.
Luật sư Kiu cho rằng một giải pháp quan trọng là các nhà lãnh đạo ASEAN phải mở rộng Hiệp định ASEAN năm 2002 về Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới để bổ sung phần trách nhiệm pháp lý của các tập đoàn.
Các quốc gia thành viên cũng nên chia sẻ dữ liệu về các công ty và hoạt động trồng trọt giữa họ để theo dõi xem ai phải chịu trách nhiệm khi khói mù xảy ra.