Động thái trên một lần nữa biến thành phố này trở thành tiền tuyến của một cuộc nổi dậy thánh chiến. Hoạt động không kích bắt đầu ngay sau đó. Vào ngày 21/9, các nhân chứng cho biết tên lửa đã bắn trúng một bệnh viện, khiến hai trẻ em thiệt mạng và rơi xuống gần một trường học, nơi những người sống sót sau vụ tấn công tàu chở khách khiến trên 100 người thiệt mạng đang trú ẩn.
Doanh nhân Sory Touré ở Timbuktu chia sẻ: “Nỗi lo sợ của chúng tôi là pháo kích”.
Chìm sâu vào khủng hoảng an ninh
Kể từ khi Liên hợp quốc (LHQ) kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình vào tháng 7, các chiến binh Hồi giáo có liên kết với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã phát động một cuộc tấn công ở miền Trung Mali. Giao tranh lại tái diễn giữa quân đội và phiến quân Tuareg ở phía Bắc và ở phía Đông, phiến quân đồng minh với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn tiếp tục tấn công.
Mali, được điều hành bởi chính quyền quân sự, đã từ chối sự hỗ trợ của các lực lượng Liên hợp quốc và Pháp. Quốc gia này đang lún sâu vào tình trạng khủng hoảng và bạo lực có nguy cơ làm tăng thêm bất ổn trên khắp vùng Sahel của Tây Phi. Khu vực này vốn đang quay cuồng vì các cuộc đảo chính quân sự ở nước láng giềng Burkina Faso và Niger.
Các chuyên gia đã so sánh tình hình của Mali hiện nay với tình hình năm 2012 khi các chiến binh thánh chiến đánh bại một cuộc nổi dậy khác của phiến quân Tuareg, sau đó giành lấy Timbuktu và tiến về phía Nam tới thủ đô Bamako.
Ông Ulf Laessing, người đứng đầu chương trình Sahel của tổ chức Konrad Adenauer có trụ sở tại Bamako cho biết: “Xung đột này đang leo thang nhanh chóng. Có nguy cơ xảy ra nội chiến”.
Trở lại năm 2012, các lực lượng của Pháp và LHQ đã can thiệp để ngăn chặn nổi dậy ở Mali. Nhưng bây giờ không còn sự can thiệp đó nữa.
Chính quyền quân sự của Mali, người đã củng cố quyền lực sau hai cuộc đảo chính vào năm 2020 và 2021, đã cắt đứt quan hệ với cường quốc thuộc địa cũ là Pháp và trục xuất quân đội của nước này. Vào tháng 6 năm nay, lực lượng 13.000 lính gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã được yêu cầu rời đi.
Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga, vốn cử 1.000 lính tay súng đến hỗ trợ chính quyền Mali, đã không thể lấp đầy khoảng trống trên.
Ít nhất 650 người đã chết vì xung đột trong hai tháng sau khi Liên hợp quốc bắt đầu rút quân - tăng hơn 40% so với hai tháng trước đó.
Chính quyền Mali đã không trả lời các yêu cầu bình luận của hãng tin Reuters. Quân đội Mali ngày 2/10 tuyên bố rằng tháng 9 là một tháng "hỗn loạn" nhưng họ sẽ tiếp tục chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ đất nước và người dân.
Lực lượng yếu
Năm 2013, lực lượng Pháp đã đánh bật những phần tử Hồi giáo cực đoan. Nhưng những tên này đã tập hợp lại và tiến hành một chiến dịch mới khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời ở Mali, Burkina Faso và Niger - nhóm các quốc gia ở rìa sa mạc Sahara. Quân nổi dậy cũng giành được thành trì ở các quốc gia ven biển Tây Phi như Benin, Togo và Bờ Biển Ngà.
Tình trạng mất an ninh trên đã gây ra các cuộc đảo chính trong khu vực. Pháp tuần trước cho biết họ sẽ rút quân khỏi Niger. Quân đội Niger đang phải tự thân đối phó với các phần tử cực đoan.
Ở Mali, giao tranh bắt đầu vào tháng 8 giữa quân đội và một nhóm người Tuareg xung quanh một căn cứ do Liên hợp quốc bỏ trống. Kể từ đó, các tay súng tiếp tục tấn công nhiều căn cứ quân sự khác của Mali, cách nhau vài trăm km.
Nhóm này đã hạ vũ khí vào năm 2015 theo một thỏa thuận do LHQ làm trung gian, nhưng cho biết quân đội Mali đã xâm phạm lãnh thổ của nhóm và nói rằng đây là "thời chiến tranh". Quân đội Mali xem các tay súng Tuareg là "những kẻ khủng bố".
Nhánh thánh chiến Jama'at Nusrat al-Islam wa al-Muslimin (JNIM) liên kết với Al-Qaeda cũng tiến hành đột kích các trại quân sự khác, tấn công một sân bay, bắn vào các tàu chở khách và tiến hành phong tỏa Timbuktu.
Ông Michael Shurkin, Giám đốc chương trình toàn cầu tại công ty tư vấn 14 North Strategies chỉ ra vấn đề là Mali có quá ít quân và quá ít khả năng cơ động. Các nhóm nổi dậy có quyền tự do di chuyển trên toàn bộ khu vực.
Các chuyên gia an ninh cho biết không có bằng chứng nào cho thấy các nhóm này sẽ phối hợp. Nhưng giữa hai nhóm lại có mối liên hệ khác. Lãnh đạo của JNIM Iyad Ag-Ghali là một cựu phiến quân Tuareg.
Tình hình diễn biến xấu
Timbuktu đang bị bao vây. Thực phẩm và các nguồn cung cấp khác bị chặn đứng, đẩy giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao. Các thương nhân trong thành phố cho biết giá đường tăng 25%, trong khi than nấu ăn, khoai tây và hành tăng 30%.
Người dân lo sợ tấn công tên lửa nên tránh đến các khu chợ và lệnh giới nghiêm hàng đêm khiến đường phố vắng tanh.
Người bán hàng Mohamed Massaya cho biết: “Mọi thứ đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Việc kinh doanh của chúng tôi đã dừng lại. Chúng tôi đang phải xử lý số hàng tồn kho cũ”.
Hàng trăm người sống sót đã được đưa đến thành phố này sau cuộc tấn công của JNIM vào ngày 7/9 nhằm vào một chiếc thuyền chở binh lính và cư dân từ Gao. Dịch vụ tàu phà dừng lại ngay sau đó.
Salaha Maiga, thành viên Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Mali, cơ quan tương đương với quốc hội, nói với Reuters rằng 111 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Những người sống sót đang phải vật lộn với hậu quả.
Ông Aicha Sababou, người có mặt trên chiếc thuyền đó cho biết: “Chúng tôi không thể diễn tả hết nỗi kinh hoàng. Chứng kiến hàng chục người chết và chôn cất cùng nhau thật đáng sợ. Chúng tôi rất vui khi được đoàn tụ với gia đình ngay cả khi vẫn còn những vết thương cần được chữa lành”.