Theo Thời báo New York, trên một chuyến phà đến thành phố lớn thứ 2 của Đan Mạch hôm 4/2, Allan Hjorth là người nổi bật nhất. Ông là một trong số ít hành khách đeo khẩu trang giữa hàng trăm người không che mặt. Họ đang hào hứng tận hưởng khoảnh khắc ăn mừng khi tất cả các hạn chế COVID-19 đã được dỡ bỏ vài ngày trước đó.
“Việc đeo khẩu trang khiến mọi người cảm thấy có điều gì đó không ổn. Ở Đan Mạch, chúng tôi muốn tin rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường”, ông Hjorth nói.
Gần 2 năm sau đại dịch, điều “bình thường” này đã diễn ra tại một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới. Khoảng 5,8 triệu dân ở quốc gia Bắc Âu này sẽ sống cuộc sống không gặp phải bất kỳ hạn chế COVID-19 nào, mặc dù gần 1% dân số có kết quả xét nghiệm dương tính với vius chỉ trong một ngày vào tuần trước. Quốc gia này đang ghi nhận số ca COVID-19 trên đầu người cao nhất thế giới và số ca nhập viện đã đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, chính phủ tuyên bố rằng kể từ ngày 1/2, họ sẽ không còn coi COVID-19 là một mối đe doạ nghiêm trọng và dỡ bỏ tất cả các hạn chế, bao gồm cả việc bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Với sự gia tăng của các ca nhiễm như hiện nay, việc dỡ bỏ các hạn chế có vẻ đi ngược lại với tình hình thực tế. Tuy nhiên, giới chức nước này cho biết số ca tử vong và nhập viện đang tăng chậm hơn nhiều so với các ca nhiễm. Số bệnh nhân mắc bệnh nặng cũng ở mức thấp nhất trong nhiều tháng.
Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke nói rằng nước này vẫn chưa vượt qua đại dịch, nhưng ông cho biết đây là thời điểm thích hợp để hưởng lợi từ biến thể Omicron và tỷ lệ tiêm chủng cao của đất nước. Tính đến nay, khoảng 81% toàn bộ dân số Đan Mạch đã được tiêm chủng đầy đủ và 62% đã hoàn thành một mũi vaccine tăng cường.
“Chúng tôi cam kết với người dân rằng ngay khi có thể, chúng tôi sẽ nới lỏng hơn. Nhưng nếu có một biến thể mới, nếu chúng tôi biết rằng vaccine không hiệu quả, chúng tôi sẽ không ngần ngại làm những điều cần thiết”, ông Heunicke nói.
Trong khi nhiều quốc gia châu Âu đã dần dỡ bỏ các hạn chế COVID-19, các quốc gia Bắc Âu nhìn chung đang có những động thái quyết liệt hơn. Na Uy cũng đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế trong tháng này, bao gồm bắt buộc làm việc từ xa, giới hạn phục vụ rượu và lệnh cấm các môn thể thao. Thụy Điển ngày 9/2 cũng bỏ gần hết quy định phòng dịch.
Espen Nakstad, quan chức y tế cấp cao Na Uy, cho biết: “Mọi người đều biết sẽ có đợt bùng phát COVID-19 mới trong mùa thu hoặc mùa đông. Nhưng lo lắng quá sớm cũng chẳng giải quyết được gì”.
Nhiều chuyên gia y tế hàng đầu và người dân Đan Mạch đã hoan nghênh quyết định chấm dứt các hạn chế phòng dịch. Các nhà phân tích nhận định điều này có thể báo trước tương lai những nước giàu có đủ khả năng sống chung với COVID-19, khi họ có tỷ lệ tiêm chủng cao, năng lực xét nghiệm khổng lồ và hạ tầng dữ liệu y tế mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các nhà virus học cảnh báo rằng không có gì đảm bảo biến thể tiếp theo gây triệu chứng nhẹ như Omicron. Họ cho rằng quyết định mở cửa của Đan Mạch có thể sớm phản tác dụng.
Hôm 5/2, hàng nghìn người đã đổ xô đến các hộp đêm ở Copenhagen, nơi mở cửa trở lại vào tuần trước lần đầu tiên sau gần 2 tháng. Nhiều thanh niên trên đường tới xem trận đua xe quy tụ 7.000 người trong không gian kín ở miền Trung Đan Mạch. Họ nói rằng mình không thấy rủi ro vì đã mắc COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
Trên chuyến phà đến Aarhus, ông Hjorth, 70 tuổi, nói rằng ông sẽ không đeo khẩu trang tại bữa tiệc buổi tối mà ông sẽ tham dự.
Ở Đan Mạch, người mắc COVID-19 vẫn xuất hiện ở khắp mọi nơi, trên các con phố, quán cà phê và cửa hàng. Hàng chục nghìn người đã phải cách ly vì có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, nhưng nhân viên đã được trở lại văn phòng, quán bar và nhà hàng không còn phải đóng cửa lúc 11h đêm hay trình giấy chứng nhận tiêm chủng.
Ông Troels Lillebaek, Giám đốc Viện Huyết thanh Statens có trụ sở tại Copenhagen, cho biết việc mở cửa trở lại rất có thể sẽ dẫn đến đỉnh điểm các ca nhiễm vào giữa tháng 2. Song giới chức chủ yếu chỉ quan tâm đến số ca nhập viện, không phải số ca nhiễm. Một số người cho rằng đây là chiến lược khá rủi ro.
Stephen Griffin, Phó giáo sư virus học tại Đại học Leeds (Anh), nhận định mặc dù mối liên hệ giữa ca nhiễm và ca mắc nặng ở Đan Mạch khá cách biệt, nhưng các ca tử vong và cần chăm sóc đặc biệt không phải là yếu tố duy nhất cần được xem xét. “Họ mở cửa chỉ vì có đủ giường cho bệnh nhân. Đáng ra mục tiêu nên là ngăn mọi người nhiễm virus ngay từ đầu”, ông Griffin nói.
Tiến sĩ Jens Lundgren, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Copenhagen, cho rằng để kiểm soát sự gia tăng của số ca nhiễm hiện nay, Đan Mạch sẽ phải áp đặt những hạn chế rất nghiêm ngặt, không tương xứng với mối đe dọa sức khỏe. Ông cho rằng: “Vì vậy, về cơ bản chúng tôi để mặc cho Omicron bùng phát.”
Đan Mạch là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu áp đặt lệnh đóng cửa vào năm 2020, ngay cả khi nước này không nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Cách quốc gia Bắc Âu dỡ và áp lệnh hạn chế một cách linh hoạt đã nhận được nhiềuu lời ca ngợi.
Tại Đan Mạch, Bộ trưởng Y tế Heunicke cho biết: “Chúng tôi thậm chí không cần phải xem xét đến việc tiêm chủng bắt buộc. Đó là một yếu tố thực sự rất tốt để sống chung với dịch bệnh”. Ông Heunicke cũng nói rằng phần lớn người dân Đan Mạch đã có miễn dịch và mục tiêu giới chức nước này đặt ra là tránh phải áp lệnh phong tỏa vào mùa đông tiếp theo. Tuy nhiên, ông thừa nhận chiến lược hiện tại có thể không bền vững vì phụ thuộc vào năng lực xét nghiệm tốn kém, đến mức một nước giàu như Đan Mạch cũng khó có thể đủ khả năng duy trì lâu dài.
Giáo sư Griffin đánh giá Đan Mạch có điều kiện tốt hơn Anh và Mỹ để dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch. Tuy nhiên, ông hy vọng quốc gia này sẽ không phải trả giá trong vài tuần tới vì quyết định mở cửa này.