Một ngày sau khi được phóng thích theo lệnh của tòa án, cựu Tổng thống
Hosni Mubarak tối 22/8 đã được chuyển từ nhà tù Tora tới một bệnh viện
quân y tại quận Maadi ở khu vực ngoại ô phía Nam thủ đô Cairo. Truyền
thông địa phương xác nhận ông Mubarak đã được chuyển tới địa điểm mới
này - nơi ông từng điều trị nhiều lần trong hơn 2 năm bị giam giữ kể từ
khi bị lật đổ trong cuộc chính biến hồi đầu năm 2011. Lực lượng an ninh Ai Cập gác bên ngoài nhà tù Tora ở Cairô, nơi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị giam giữ ngày 21/8. Ảnh:AFP/TTXVN |
Trước đó, Thủ tướng lâm thời Hazem al-Beblawi đã ra lệnh quản thúc tại gia đối với ông Mubarak do lo ngại việc phóng thích nhà cựu lãnh đạo 85 tuổi này có thể kích động các cuộc biểu tình trong bối cảnh xung đột bạo lực đã khiến ít nhất 900 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương kể từ ngày 14/8 đến nay.
Tuy nhiên, ông Mubarak đã đề đạt nguyện vọng được thi hành lệnh quản thúc tại bệnh viện Maadi trong khi chờ phiên tòa mới xét xử ông "về tội tham nhũng và sát hại người biểu tình". Cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị bắt giam ngày 12/4/2011 và đến tháng 6/2012 bị kết án tù chung thân liên quan đến các cáo buộc sát hại người biểu tình tại Ai Cập trong cuộc bạo động tháng 1/2011.
Đến tháng 1/2013, Tòa Phúc thẩm Cairo đã chấp thuận đơn kháng cáo và yêu cầu xét xử lại cựu Tổng thống Mubarak, hai con trai, Bộ trưởng Nội vụ Habib al-Adly và 6 phụ tá của ông vì phát hiện những sai phạm trong thủ tục tố tụng của phiên sơ thẩm. Dự kiến, sau 3 lần đình hoãn kể từ tháng 5/2013, phiên tòa này sẽ được tổ chức vào ngày 25/8 tới.
Thêm nhiều thủ lĩnh MB bị bắtTrong ngày 22/8, cảnh sát Ai Cập đã bắt
giữ thêm 19 thành viên cao cấp của MB, trong đó có ông Ahmed Abu
Baraka, một lãnh đạo của tổ chức này đồng thời là cựu nghị sĩ, và người
phát ngôn chính thức của MB là ông Ahmed Aref.
Theo các
nguồn tin an ninh, ông Aref bị bắt tại quận Nasr City ở phía Đông Bắc
Cairo và ngay lập tức bị cơ quan công tố ra lệnh giam giữ trong thời hạn
15 ngày. Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim
xác nhận chiến dịch trấn áp của cảnh sát sẽ tiếp tục cho tới khi bắt giữ
hết tất cả các thành viên của MB đang bị lệnh truy nã.
Trong
khi đó, cơ quan công tố tiếp tục đưa ra các cáo buộc mới, trong đó có
tội kích động giết người và tra tấn người biểu tình, đối với Thủ lĩnh
tinh thần tối cao của MB Mohamed Badie. Trong một diễn biến liên quan,
ngày 22/8, các tay súng Hồi giáo đã tấn công vào trụ sở Đài phát thanh
tỉnh Bắc Sinai nằm ở thành phố el-Arish, song không gây thương vong.
Cùng
ngày, một quan chức thuộc phong trào Hamas cho biết các nhà chức trách
Ai Cập sẽ cho mở lại cửa khẩu Rafah - địa điển duy nhất trên bộ nối Dải
Gaza của Palextin với thế giới bên ngoài không bị phía Ixraen kiểm soát.
Theo đó, tuyến đường này, bị phía Ai Cập phong tỏa từ hôm 15/8, sẽ được
mở cửa 4 giờ mỗi ngày kể từ ngày 24/8 tới, cho các phương tiện thực
hiện sứ mệnh nhân đạo và những người Palextin mang quốc tịch nước ngoài.
Dân chúng ủng hộ giải tán biểu tình phe Hồi giáo
Trong một diễn biến khác, kết quả cuộc điều tra được Trung tâm thăm dò dư luận Ai Cập công bố ngày 22/8 cho thấy 67% người dân nước này "hài lòng" về chiến dịch giải tán hai cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi được lực lượng an ninh tiến hành hôm 14/8 vừa qua tại Cairo và tỉnh Giza kế bên.
Trong khi đó, 24% số người được hỏi ý kiến đã phản đối và 9% số người khác không có ý kiến gì về vấn đề này. Giám đốc Baseera Magued Osman cho biết chỉ 17% số người được hỏi ý kiến tin rằng những người tham gia các cuộc biểu tình ngồi nói trên không sở hữu vũ khí. Mặt khác, có tới 67% số người có suy nghĩ ngược lại và 16% không có ý kiến gì.
Đặc biệt, chỉ có 24% số ý kiến cho rằng chính quyền Ai Cập đáng lẽ nên dành thêm thời gian cho các cuộc đàm phán và 70% số ý kiến khẳng định thời gian được dành cho tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đã quá đủ và không nên trao thêm cơ hội cho phong trào này.
Tuy 65% số người được hỏi nhận định rằng chiến dịch nói trên của cảnh sát không mang tính chất quá bạo lực, song có tới 56% số ý kiến lại lưu ý rằng số người thiệt mạng quá cao, trong đó nguyên nhân xuất phát từ người biểu tình (62% số ý kiến) và cảnh sát (13%). Ngoài ra, có tới 78% số người được hỏi nói rằng cộng đồng quốc tế "không có quyền" phản đối động thái đàn áp người biểu tình của cảnh sát. Cuộc điều tra này được tiến hành qua điện thoại từ ngày 19-21/8 với tổng cộng 1.395 người trên 18 tuổi tham gia.
TTXVN/Tin tức