Tàu khu trục DDG 110 vừa có chuyến tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý sát đá Chữ Thập ở Trường Sa ngày 10/5/2016. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tàu khu trục USS William P. Lawrence được trang bị tên lửa dẫn đường đã tiến vào khu vực 12 hải lý gần Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện do Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Đây là chuyến tuần tra của hải quân Mỹ trong khuôn khổ hoạt động tự do hàng hải theo thông lệ quốc tế, thể hiện sự phản đối của Washington đối với đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh và hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tân Hoa xã cho hay Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã huy động 2 chiến đấu cơ J-11 và máy bay tuần tra Y-8 đến vùng biển có tàu khu trục USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ đang tuần tra ở Biển Đông.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn tăng cường thêm 3 tàu chiến, gồm tàu khu trục “Quảng Châu” lớp 052 B mang tên lửa dẫn đường, tàu hộ vệ tên lửa “Miên Dương” lớp 053H3 và tàu hộ vệ tên lửa “Lâm Phần” lớp 053H1 nhằm "đe dọa và xua đuổi tàu Mỹ”.
Trong 3 chuyến tuần tra áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông của hải quân Mỹ, đây là lần huy động lực lượng đông đảo nhất của quân đội Trung Quốc, khiến cái tên “đá Chữ Thập” càng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trên thực tế, sau thông tin phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long thị sát đảo, cái tên “đá Chữ Thập đã trở thành tâm điểm chú ý.
Vì vậy, chuyến tuần tra áp sát đá Chữ Thập của tàu khu trục USS William P. Lawrence mang tính đối chọi rất rõ và nhiều chuyên gia quân sự nhận định đá Chữ Thập sẽ trở thành trung tâm hành động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông trong tương lai.
Hiện nay, chiến trường đấu tranh chính giữa Trung Quốc và Mỹ đang chuyển tới khu vực Biển Đông và việc đá Chữ Thập có giống bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham/Panatag) trở thành nơi “ngửa bài” trong tranh chấp Biển Đông hay không cũng trở thành tiêu điểm quan tâm mới.