Theo kết quả khảo sát do Inmarsat tiến hành trên 10.000 người thường xuyên sử dụng dịch vụ hàng không phục để đi du lịch, công tác, có đến 83% hành khách trên toàn cầu chưa muốn quay trở lại thói quen cũ trong đi lại bằng tàu bay, khoảng 31% cho biết sẽ giảm tần suất di chuyển bằng dịch vụ này. Lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh khiến chỉ có chưa đầy 25% dân cư tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đủ tự tin để bay tới các nước trong vòng 6 tháng tới.
COVID-19 bùng phát kéo theo tình cảnh đóng cửa biên giới, đóng cửa kinh tế tại nhiều nước đã làm phát lộ một thực tế: Nhiều công ty buộc phải điều chỉnh, cho nhân viên làm việc tại nhà và họ nhận thấy năng suất lao động thậm chí còn tăng lên. Điều này dẫn đến việc nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi liệu có cần thiết phải làm việc, giao dịch tại văn phòng nữa hay không. Đây có thể tin buồn với các công ty hàng không.
Hành khách là giới doanh nhân, chuyên gia kĩ thuật, chuyên viên cấp cao chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng khách bay thường xuyên, nhưng số này có thể mang lại tới 55%-75% lợi nhuận của các hãng hàng không. Lý do là số đối tượng này thường sử dụng hạng vé doanh nhân, vé VIP, vé giá cao có thể hoàn vé.
“Chúng tôi từng ngồi nhà làm việc trong thời gian dài và giờ đã quen với lịch trình làm việc trực tuyến. Di chuyển hàng không với giới doanh nhân sẽ giảm, bởi nhiều người đã quen với hoàn cảnh mới theo hướng sử dụng nhiều hơn ứng dụng kĩ thuật số. Các hãng hàng không sẽ phải thích ứng với điều này”, ông Chris Rogerson, Phó Chủ tịch Inmarsat phụ trách mảng bán hàng toàn cầu nhận định.
Nghiên cứu của Inmmarsat cho thấy, tính chất khó đoán định trong đóng cửa biên giới cũng như quy trình bảo đảm an toàn rắc rối ở từng nước khác nhau để phòng ngừa COVID-19 cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người không hào hứng đi lại bằng hàng không. Theo ông Rogerson, để hàng không khôi phục lại ngưỡng như thời điểm đầu năm 2019, có rất nhiều việc cần làm. Chính phủ các nước sẽ phải chủ động, rõ ràng hơn trong quyết định lượng khách qua lại lớn ở mức nào thì nằm trong khả năng quản lý được.