Trên sông Sai Buri (Thái Lan), Sunisa Srisuwanno nhấc máng gỗ từ dưới nước lên. Lớp bùn đất bẩn bị cuốn đi, để lại giữa máng là những hạt vàng kích thước lớn nhỏ lấp lánh. “Chỗ này được 100 baht”, Sunisa – bà mẹ hai con 37 tuổi - chỉ tay vào chỗ kim loại quý ít ỏi sau hơn 15 phút đãi vàng cùng chồng là Boonsom Aeamprasert.
“Ngành đãi vàng vẫn làm ăn tốt, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19. Giờ đãi vàng trở thành nguồn kiếm thu nhập chính của chúng tôi. Hôm nay chúng tôi đi bán vàng, chúng tôi có thể mua đồ ăn cho gia đình”, Sunisa chia sẻ với hãng tin Reuters.
Khu vực Sunisa sinh sống có tên gọi là Núi Vàng thuộc huyện Sukhirin, nằm bên biên giới phía nam Thái Lan với Malaysia. Nơi đây cũng là một điểm đến thu hút khách du lịch ưa thích mạo hiểm và cuộc sống thiên nhiên hoang dã. Tuy nhiên, khi đại dịch ập đến, lượng du khách sụt giảm hẳn.
“Khi cộng đồng buộc phải đóng cửa các điểm du lịch, chúng tôi buộc phải chuyển từ làm du lịch sang đi đào và đãi vàng”, Wari Bantakit (40 tuổi), người trước đây làm việc cho một tổ chức du lịch cộng đồng, cho biết. Mặc dù vẫn có đàn ông trong lực lượng đãi vàng, song công việc này đặc biệt thu hút những bà nội trợ. Nam giới trong gia đình thường lên rừng đốn củi và lo chăn nuôi gia súc.
Theo dự báo kinh tế của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm 7,8% trong năm 2020 do ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này sẽ mất 2 năm để phục hồi, nhưng lĩnh vực du lịch sẽ phải đợi đến ít nhất là năm 2024.