Nhắc tới những cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, nhiều người lại chép miệng: “Ôi dào, đàm phán rồi cũng lại chỉ để tiếp tục đàm phán mà thôi”. Cộng đồng quốc tế đã quá quen thuộc và tỏ ra mệt mỏi với những cuộc đàm phán kéo dài và chưa bao giờ có kết quả giữa các cường quốc phương Tây và Iran nhằm giải quyết những tranh cãi xung quanh chương trình làm giàu urani của nước cộng hòa Hồi giáo này bởi quá nhiều sự bất đồng.
Đoàn Iran tham gia cuộc đàm phán với Nhóm P5+1 ở Bátđa ngày 23/5/2012. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, vòng đàm phán mới vào ngày 18 và 19/6 tại Mátxcơva (Nga) giữa Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Mỹ, cùng với Đức) và Iran được kỳ vọng đem lại “điều gì đó” cho vấn đề ngày càng đi vào ngõ cụt này khi hai cuộc đàm phán trước đó (vào tháng 4 vừa qua tại Ixtanbun và Bátđa) không đạt kết quả nào, phương Tây cảnh báo chuẩn bị siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt và Ixraen chưa một lần rút lại lời đe dọa tấn công quân sự chống Iran. Ngoài ra, chỉ còn 2 tuần nữa, từ ngày 1/7, lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực đầy đủ.
Nỗ lực từ mọi phía
Vài ngày trước khi bước vào vòng đàm phán mới, EU thông báo đã thỏa thuận được với Iran về nội dung đàm phán tại Mátxcơva, động thái được cho là giúp hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng giữa hai bên. Theo đó, Têhêran nhất trí thảo luận đề xuất của Nhóm P5+1 nhằm kiểm soát hoạt động sản xuất urani được làm giàu ở cấp độ cao của Têhêran, qua đó giải tỏa những quan ngại về bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân của Iran.
Phát biểu với giới truyền thông trong nước, Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi đã bày tỏ tin tưởng rằng cuộc đàm phán hạt nhân ở Mátxcơva sẽ là “một bước tiến” trong việc thu hẹp bất đồng còn tồn đọng giữa Iran và phương Tây. Têhêran sẵn sàng giải tỏa các mối quan ngại về chương trình hạt nhân của mình để chứng tỏ với thế giới rằng các hoạt động của Iran chỉ phục vụ cho mục đích hòa bình, không có cáo buộc nào (cho rằng Iran tìm cách chế tạo bom) là đúng sự thật, song Iran cần thời gian, sự kiên nhẫn và một môi trường đàm phán bình tĩnh.
Trong khi đó, nước chủ nhà Nga, có chủ trương tìm kiếm giải pháp chính trị -ngoại giao cho vấn đề này, khẳng định sẽ nỗ lực tối đa nhằm đạt được đối thoại xây dựng tại vòng đàm phán này và hy vọng cuộc gặp sẽ mang lại những kết quả tích cực theo hướng các bên khắc phục được những bất đồng hiện nay và xích lại gần nhau hơn trong quan điểm của mình. Trong nỗ lực cho mục tiêu này, ngày 13/6, Ngoại trưởng Nga đã đến Têhêran để thảo luận trước với giới lãnh đạo Iran về cuộc đàm phán quan trọng này.
Mỹ cũng đã bắn đi thông tin về kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới để buộc Iran phải thể hiện sự linh hoạt trong cuộc đàm phán ở Mátxcơva. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết trong cuộc đàm phán này, các cường quốc sẽ giới thiệu khái quát với Iran một "đường hướng hết sức rõ ràng" và thống nhất có thể kiểm chứng được và sẽ gắn với cơ chế hành động đổi lấy hành động để giải quyết bế tắc hiện nay.
Những biện pháp trừng phạt mới
Iran luôn kịch liệt phủ nhận ý kiến cho rằng nước này muốn phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi hoạt động nguyên tử đều nằm trong quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Điều này có nghĩa là toàn bộ các hoạt động hạt nhân của Iran chỉ phục vụ cho việc cung cấp điện và nghiên cứu y học. Tuy nhiên, nước cộng hòa Hồi giáo này lại liên tục từ chối ngừng làm giàu urani đến cấp độ có thể được sử dụng cho việc sản xuất các đầu đạn hạt nhân, ngay cả trong bối cảnh nguồn cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân đều từ nước ngoài và các biện pháp trừng phạt quốc tế ngày càng khắc nghiệt hơn. Têhêran cũng thường xuyên từ chối đề nghị thanh sát của IAEA, cũng như bác bỏ các thông tin tình báo của Mỹ và các nước đồng minh. Mỹ, Ixraen và các nước phương Tây đều nghi ngờ rằng Iran đang hướng tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân và mục tiêu chính là nhằm vào Ixraen. Cả Mỹ và Ixraen đã tỏ rõ thái độ sẵn sàng tấn công Iran nếu các biện pháp ngoại giao và trừng phạt không hạn chế được chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của nước này.
Têhêran vừa qua tuyên bố nếu thế giới công nhận “quyền hạt nhân” (quyền sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích hòa bình) của Iran thì các cuộc đàm phán tháo gỡ bế tắc với phương Tây vào ngày 18-19/6 có thể đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, Oasinhtơn lại cho rằng Iran cần hành động trước, làm sao để các hoạt động hạt nhân của nước này phù hợp với luật pháp quốc tế và cho phép các thanh sát viên quốc tế tới kiểm tra những cơ sở bị nghi ngờ.
Khi mà cứ bên này đòi thế này, bên kia lại đòi thế kia, vòng đàm phán ở Mátxcơva phần nhiều sẽ lại lệch kênh và một lần nữa rơi vào bế tắc, các biện pháp mới chắc chắn sẽ được áp dụng. Trước mắt là vào ngày 1/7 tới, EU sẽ khởi động lệnh cấm vận được thông qua từ mấy tháng trước đối với các ngân hàng và hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Còn chính quyền Mỹ sẽ đưa ra những “vũ khí kinh tế” uy lực nhất của mình. Đó là lệnh cấm vận đối với máy bay và tàu bè tới các cảng của Iran. Theo đó, bất kỳ hãng hàng không quốc gia hay hàng không quốc tế nào hạ cánh xuống Iran sẽ bị cấm đến các sân bay của Mỹ và Tây Âu. Luật tương tự sẽ được áp dụng đối các tàu bè tư nhân và thuộc sở hữu chính phủ, trong đó có các tàu chở dầu. Biện pháp này được Mỹ cho là siết chặt bao vây đường không và đường biển đối với nước cộng hòa Hồi giáo này mà “không mất một viên đạn”.
Sự tồn tại những quan điểm khác nhau, nói đúng hơn là trái nhau, giữa Iran và phương Tây về chương trình hạt nhân của Têhêran luôn khiến người ta có thể đoán trước được kết quả của những vòng đàm phán, song cộng đồng thế giới vẫn không thôi hy vọng rằng đàm phán đến một ngày sẽ hết lệch kênh để ít nhất người dân ở đất nước Trung Đông này đỡ khổ do những biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang dần siết chặt quanh nước này hay thoát khỏi mối lo chiến tranh đang lơ lửng trên đầu họ.
Khánh Linh