Lãnh đạo các nước EU vẫn đang bất đồng về một quỹ phục hồi quy mô lớn để vực dậy nền kinh tế EU khỏi đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Những khác biệt lớn vẫn tồn tại đã khiến Hội nghị thượng đỉnh EU khai mạc từ ngày 17/7 và kéo dài hơn dự kiến. Tuy nhiên, sau khi hội nghị được thông báo tạm dừng phiên họp toàn thể trong ngày 20/7 cho tới 21h cùng ngày (theo giờ Việt Nam) để tổ chức các cuộc họp nhóm nhỏ, Thủ tướng Áo Sebestian Kurz và Thủ tướng Hà Lan Rutte nhận định các cuộc đàm phán đã đạt được tiến triển.
Trao đổi với báo giới, Thủ tướng Kurz nêu rõ: "Các cuộc đàm phán khó khăn vừa mới kết thúc và chúng tôi có thể rất hài lòng với kết quả ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục (thảo luận) vào buổi chiều". Trong khi đó, Thủ tướng Rutte cho biết: "Vào một vài thời điểm tối qua, mọi việc không được khả quan, song tôi cảm thấy về tổng thể chúng tôi đang đạt được tiến triển". Lưu ý Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hiện đang xúc tiến về một đề xuất mới, Thủ tướng Rutte cảnh báo mọi thứ "vẫn có thể thất bại, song dường như có một chút hy vọng hơn so thời điểm tối qua khi tôi nghĩ rằng mọi thứ đã kết thúc".
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã lên tiếng hối thúc 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU hoàn thành "nhiệm vụ bất khả thi" và đạt được một thỏa thuận. Ông lưu ý rằng đã có hơn 600.000 người tử vong do dịch COVID-19 trên thế giới, nhấn mạnh việc cùng nhau đoàn kết để giải quyết cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này là tùy thuộc vào lãnh đạo các nước EU. Ông chia sẻ: "Hy vọng của tôi là chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận và sáng mai các dòng tít trên các tờ báo sẽ nói rằng EU đã hoàn thành một nhiệm vụ bất khả thi. Đó là mong ước chân thành của tôi...sau 3 ngày làm việc không ngừng nghỉ".
Đề xuất đầu tiên về gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro (856 tỷ USD) với mục tiêu khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng COVID-19, cải tổ nền kinh tế và định hình lại xã hội trên tinh thần đồng nhất, thích ứng và chuyển đổi đã vấp phải sự phản đối của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Trước tình hình này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã đưa ra đề xuất giữ nguyên khoản ngân sách phục hồi ở mức 750 tỷ euro, song hạ ngân sách của khoản hỗ trợ từ 500 tỷ euro xuống 400 tỷ euro, trong khi nâng mức cho vay từ 250 tỷ euro lên 350 tỷ euro. Tuy nhiên, kế hoạch này tiếp tục bị Hà Lan và một số nước khác phản đối. Trợ lí cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết, nhóm "Frugals", gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan, hiện chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro, thậm chí là có điều kiện.
Nhằm phá vỡ thế bế tắc để tránh các cuộc đàm phán đổ vỡ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong sáng 20/7 lại đưa ra một đề xuất mới, được các nhà ngoại giao đánh giá là "con đường hướng tới một thỏa thuận". Theo đó, ông Michel đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ USD đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm "Frugals". Đề xuất mới này sau đó đã nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo Áo và Hà Lan song vẫn cần nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên.