Theo hãng tin Reuters, Indonesia – trở thành tâm dịch COVID-19 của châu Á từ tháng trước – vẫn duy trì biện pháp hạn chế đi lại nhưng vừa cho phép các trung tâm thương mại và nhà hàng ở một số khu vực được hoạt động 25% công suất.
Báo cáo tình hình dịch bệnh mới nhất của WHO nhấn mạnh mật độ người dân ra đường mua sắm và giải trí đã tăng đáng kể tại các tỉnh Banten, Tây Java và Trung Java - các khu vực có tổng cộng 97 triệu dân. Các khu vực bán lẻ và giải trí tại đây gồm có nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, thư viện, bảo tàng và công viên giải trí.
Dựa trên dữ liệu Google từ tuần thứ 2 của tháng 8, WHO khẳng định mức độ di chuyển của người dân Indonesia đã đạt đến ngưỡng chưa từng thấy kể từ tháng 2/2020.
Cơ quan y tế này cảnh báo rằng việc xây dựng một kế hoạch cụ thể và hành động khẩn cấp là rất quan trọng để giảm thiểu tác động từ tình trạng gia tăng hoạt động đi lại đối với nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và hệ thống y tế.
Với sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, các ca nhiễm hàng ngày ở Indonesia đã lên tới trên 56.000 ca vào tháng trước. Các bệnh viện trên đảo Java đông dân nhất quá tải, không còn giường và ôxy cho bệnh nhân.
Số ca mắc mới hàng ngày đã giảm đáng kể còn gần 15.000 người vào ngày 18/8. Tuy nhiên, tỷ lệ xét nghiệm toàn dân đã giảm, trong khi tỷ lệ dương tính và tử vong do virus SARS-CoV-2 vẫn còn ở mức cao.
Các chuyên gia y tế cộng đồng cũng bày tỏ lo ngại về biến thể Delta lan rộng tại những khu vực xa xôi hẻo lánh mà năng lực chăm sóc y tế còn hạn chế.
Ông Wiku Adisasmito, phát ngôn viên của lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Indonesia, cho biết cần thận trọng khi mức độ di chuyển trở lại như thời trước dịch.
Ông nói: “Điều này có nghĩa là đang có một quá trình phục hồi kinh tế nhanh chóng nhưng cũng báo hiệu rằng chúng ta cần phải cẩn thận hơn đối với số ca mắc gia tăng, đặc biệt là trong tuần tới”.
Ngoài ra, WHO còn cảnh báo tình trạng bất bình đẳng trong tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Indonesia. Bà Diah Saminarsih, cố vấn cấp cao của Tổng iám đốc WHO, cho rằng dù Indonesia nhận được vaccine từ các chương trình hợp tác song phương và đa phương, nhưng việc phân phối vaccine đến các vùng, miền chậm chạp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh kéo dài và tâm điểm của dịch bệnh luân phiên dịch chuyển giữa các đảo.
Theo biểu đồ tiêm chủng, khu vực thủ đô Jakarta đứng đầu tỷ lệ tiêm chủng, đạt 103,91% mục tiêu đề ra, trong khi một số nơi thì tỷ lệ này rất thấp, như Lampung chỉ đạt 9,91%. Do đó, bà Diah khuyến nghị chính quyền trung ương cần huy động mọi nguồn lực để phân phối và thực hiện tiêm chủng ở các vùng miền trên khắp đất nước, nhằm nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng.
Chính phủ Indonesia đã cấp phép sử dụng 5 loại vaccine gồm của Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Novavax cho chương trình tiêm chủng quốc gia.