Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin người đứng đầu Lầu Năm Góc có lịch trình đến thăm Gruzia, Romania và Ukraine trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh bộ trưởng quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels ngày 21-22/10.
Cả 3 quốc gia này đều “nằm trong quỹ đạo” của NATO với Romania là thành viên của khối quân sự này, còn Gruzia và Ukraine là các quốc gia đối tác.
Một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc chia sẻ với các phóng viên trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Austin: “Chúng tôi tái cam kết và tái củng cố chủ quyền của các quốc gia đứng ở tiền tuyến với Nga”.
Quan chức Lầu Năm Góc bổ sung với AFP: “Chúng tôi sẽ bày tỏ ghi nhận và trân trọng với những hy sinh và cam kết của các đối tác cùng đồng minh”.
Bộ trưởng Austin dự kiến sẽ cảm ơn các đối tác về đóng góp của họ đối với nhiệm vụ tại Afghanistan trong 2 thập niên trước khi Mỹ rút quân và Taliban kiểm soát quốc gia này. Một ví dụ là trên 20.000 binh sĩ Gruzia đã tham gia vào liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu trong giai đoạn 2004-2021 tại Afghanistan và đã có 32 quân nhân nước này thiệt mạng.
Quan chức Lầu Năm Góc chia sẻ với AFP: “Chúng tôi sẽ bày tỏ ghi nhận và trân trọng với những hy sinh và cam kết của các đối tác cùng đồng minh”.
Tại Gruzia, Bộ trưởng Austin có lịch trình gặp gỡ Thủ tướng Irakli Garibashvili và người đồng cấp Juansher Burchuladze với mục đích duy trì hợp tác quốc phòng khi chương trình đào tạo 3 năm của quân đội Mỹ sẽ hết hạn trong năm nay.
Về phần Gruzia, nước này hy vọng chuyến thăm của ông Austin sẽ giúp Gruzia trở thành thành viên của NATO.
Ngoại trưởng Gruzia David Zalkaliani nhận định đây là “thông điệp rõ ràng từ Mỹ trong ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phát triển ổn định của Gruzia và vì mục tiêu châu Âu-Đại Tây Dương. Ông bổ sung: “Chúng tôi kỳ vọng rằng cuộc gặp sẽ tập trung vào tăng cường hợp tác, các vấn đề an ninh khu vực và quá trình Gruzia gia nhập NATO”.
Ông David Kramer tại Đại học Quốc tế Florida phân tích rằng chính quyền Tổng thống Biden cần chú ý hơn tới Gruzia cho mục tiêu đối trọng với Nga. Ông nói: “Có lo ngại rằng chính phủ Gruzia đã quá mềm dẻo với Moskva. Một phần bắt nguồn từ sự thất vọng của họ đối với việc gia nhập NATO”.
Sau khi rời Gruzia, ông Austin khi đến Ukraine và Romania cũng có thông điệp tương tự về việc ủng hộ chống lại Nga. Lầu Năm Góc coi Biển Đen là khu vực “nóng”, đặc biệt kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Ngoài ra, đã xảy ra nhiều lần thách thức giữa chiến hạm Nga và NATO tại khu vực Biển Đen.
Tại Ukraine, Bộ trưởng Austin có lịch trình hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng Bộ trưởng Quốc phòng Andriy Taran. Cả 2 chính khách này đều đã đến thăm Mỹ vào đầu tháng 9 và đề cập với Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc Ukraine trở thành thành viên NATO.
Trong khi đó, ở Romania, Bộ trưởng Austin sẽ gặp Tổng thống nước chủ nhà Klaus Iohannis và người đồng cấp Nicolae-Ionel Ciuca.
Như vậy, tại cả 3 quốc gia thuộc khu vực Biển Đen, Mỹ đều muốn mở rộng hỗ trợ quốc phòng. Tuy nhiên, Washington cũng quan tâm tới những vấn đề về tham nhũng và phát triển dân sự tại những nước này.
Các quan chức Mỹ nói rằng khi đến Brussels, Bộ trưởng Austin sẽ tăng cường cam kết của Mỹ với NATO và nhấn mạnh sự thích nghi về mặt quân sự trước các mối đe dọa tương lai.