Nhiều món đồ da cao cấp bán trên khắp thế giới đã “khai sinh” từ một khu ổ chuột ở thủ đô của Bangladesh (Bănglađét), nơi những người công nhân, bao gồm cả trẻ con, phải tiếp xúc với hóa chất độc hại và thường bị thương trong những vụ tai nạn khủng khiếp.
Theo báo cáo mới công bố của Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW), không một xưởng thuộc da nào ở khu Hazaribagh của Đắcca được xử lý nước thải, trong đó bao gồm cả xác động vật, axit sulphuric, crôm và chì. Nước thải từ những xưởng thuộc da này được xả thẳng vào những cống mở rồi chảy vào con sông chính của thành phố.
Một em bé chơi đùa trên những đống phế thải tại một xưởng thuộc da ở Hazaribagh, Đắcca. Ảnh: Internet |
"Những xưởng thuộc da ở khu vực Hazaribagh đã thải ra môi trường xung quanh đầy hóa chất độc hại", Richard Pearshouse, tác giả của bản báo cáo trên, cho biết. Tình trạng này vẫn diễn ra "trong lúc chính phủ tìm cách xử lý, người dân địa phương đổ bệnh và công nhân hàng ngày phải chịu đựng những hóa chất thuộc da độc hại".
Trước ngày bản báo cáo được công bố, ông Pearshouse cho biết, ít nhất 90% sản phẩm da và thuộc da được sản xuất ở Bangladesh có xuất xứ từ Hazaribagh, một khu vực hôi hám nhưng có tới 15.000 người đang làm việc trong các xưởng thuộc da. Đó là một nguồn thu nhập lớn đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh.
Quốc gia Nam Á này xuất khẩu cả da thô và các sản phẩm thuộc da, trong đó chủ yếu là giày dép, bao gồm cả giày thời trang cao cấp. Thu nhập từ xuất khẩu giày da của Bangladesh đã tăng mạnh, trong năm tài chính 2011/2012 đạt 663 triệu USD, với các khách hàng chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Đức, Tây Ban Nha và Mỹ.
Trong báo cáo của mình, ông Pearshouse kêu gọi, “các công ty nước ngoài nhập khẩu da được sản xuất từ Hazaribagh cần bảo đảm rằng, nhà cung cấp của họ không vi phạm các quy định về an toàn và sức khỏe, hoặc thải độc ra môi trường”.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Bangladesh Dilip Baura từng cho biết, chính phủ đã ý thức được vấn nạn môi trường và sức khỏe ở Hazaribagh, nhưng vấn nạn này chỉ được giải quyết theo một kế hoạch di chuyển các xưởng thuộc da ra ngoài Đắcca vào giữa năm 2013.
Trong khi đó, HRW cho rằng, việc di chuyển các xưởng thuộc da này tới một khu vực khác ở ngoại ô Đắcca ban đầu dự kiến thực hiện trong năm 2005, nhưng sau đó đã bị trì hoãn do nạn quan liêu. Chính phủ cũng từng gia hạn lệnh của Tòa án Tối cao hồi năm 2009 về việc di chuyển các xưởng thuộc da ra ngoài Đắcca, rồi phớt lờ luôn lệnh này khi thời gian gia hạn hết hiệu lực.
“Hazaribag là một bằng chứng rõ ràng cho thấy chính phủ đã thiếu quan tâm tới người dân như thế nào”, Syeda Rizwana Hasan, Giám đốc điều hành Hội Luật sư môi trường Bangladesh, cho biết. “Chúng tôi đã nhiều lần đưa vấn đề này lên các nhà chức trách, tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối điều kiện làm việc tồi tệ ở đó, nhưng chính phủ không có bất cứ bước đi tích cực nào để giải quyết”.
Ông Pearshouse đã tiến hành 134 cuộc phỏng vấn trong suốt 5 tháng nghiên cứu ở thủ đô Bangladesh. Ông cho biết, không khí và đất ở Hazaribagh đã bị ô nhiễm khủng khiếp. Pearshouse cũng đã chứng kiến nhiều người dân sống trong các khu ổ chuột tại đây phải tắm rửa trong những ao nước đen ngòm.
Nhiều trẻ em, cả những em mới 11 tuổi, đã được các xưởng này thuê làm việc với mức lương khoảng 1.000 taka (12,3 USD)/tháng. Những đứa trẻ này phải làm những công việc nguy hiểm, như ngâm da sống vào hóa chất, cắt da đã thuộc bằng những lưỡi dao sắc hoặc vận hành những cỗ máy nguy hiểm.
Thu Hằng (Theo Reuters)