Tuy nhiên, trong câu trả lời của bà Psaki, tên của Thái tử Mohammed bin Salman - người sẽ kế thừa ngôi vương của Saudi Arabia trong tương lai - không được đề cập.
“Một phần trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia là quay trở lại quan hệ đối tác-đối tác. Người đồng cấp với Tổng thống Biden là Quốc vương Salman, và trong thời gian thích hợp, Tổng thống sẽ hội thoại với ngài ấy. Nhưng tôi chưa thể đưa ra thời điểm dự đoán”, hãng tin CNN dẫn lời nữ Thư ký Psaki phát biểu ngày 16/2.
Cho dù đó là nghi thức ngoại giao nghiêm ngặt hay thực sự mang ý định “phớt lờ” vị trí của Thái tử Mohammed bin Salman, động thái mới của chính quyền Tổng thống Biden đã phần nào thể hiện sự không ủng hộ công khai của ông chủ Nhà Trắng đối với Thái tử Salman – người mà Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) kết luận biết rõ vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post hồi tháng 10/2018, cũng như chấm dứt thời kỳ ngoại giao "ấm cúng" giữa Washington và Riyadh dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Biden từng nói ông sẽ coi Saudi Arabia như một “kẻ ngoại đạo”. Trong khi đó, ứng viên mà ông Biden bổ nhiệm cho vị trí giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NSA), bà Avril Haines tuyên bố bà sẽ công khai bản báo cáo về vụ giết hại nhà báo Khashoggi của các đặc vụ Saudi Arabia bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Mặc dù không được nhắc đến song không có nghĩa là Thái tử Mohammed bin Salman hoàn toàn vắng bóng trong cuộc điện đàm tương lai giữa Tổng thống Biden và Vua Salman.
Thái tử Mohammed bin Salman hiện nắm giữ một vị trí quyền lực và mang tầm nhìn định hình tương lai của Saudi Arabia. Một ví dụ rõ ràng gần đây về quyền lực của Thái tử Mohammed bin Salman đằng sau ngai vàng là câu chuyện diễn ra vào cuối tháng 11/2020. Các nguồn tin từ Israel tiết lộ Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã gặp Thái tử Mohammed bin Salman, đánh dấu một sự thay đổi ngoại giao lớn giữa hai nước.
Tuy nhiên, điều mà Tổng thống Biden quan tâm hiện nay không phải là tác động của cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và Saudi Arabia đối với vương quốc dầu mỏ ra sao, mà là nó sẽ gây được tiếng vang như thế nào trên toàn thế giới.
Một trong những trọng điểm trong bài phát biểu chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden vào đầu tháng 2 là đề cao nhân quyền và sức mạnh có được từ đó. Tuyên bố với Saudi Arabia rằng ông không ủng hộ cuộc chiến của họ tại Yemen và ngừng bán bom dẫn đường hỗ trợ cho chiến dịch quân sự nước này là một trong những chính sách đối ngoại đầu tiên gây chấn động của nhà lãnh đạo Mỹ trong một tháng nắm giữ cương vị. Tổng thống Biden khẳng định ông chỉ ủng hộ Saudi Arabia về mặt ngoại giao.
Trên thực tế, một số nguồn tin Saudi Arabia gần đây vẫn khẳng định mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp đối với mối quan hệ lâu năm giữa Mỹ và Saudi Arabia. Dường như Thái tử Mohammed bin Salman cũng đã có những động thái tương ứng với lời kêu gọi bảo vệ nhân quyền của Tổng thống Biden.
Người được cho là sẽ kế thừa ngai vàng của vua cha Salman đã ra lệnh cải cách tư pháp nhằm bảo vệ nhân quyền và loại bỏ sự bất bình đẳng trong việc thực thi luật pháp. Các chuyên gia cho hay vẫn cần phải chờ những hành động tiếp theo của Thái tử Mohammed bin Salman, vì điều đó sẽ thể hiện Saudi Arabia sẵn sàng nhún nhường Mỹ cũng như chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục gây sức ép lên chính phủ Saudi Arabia tới đâu trong tương lai.