Đảo chính tại Niger gây lo ngại về nguồn cung uranium cho châu Âu

Cuộc đảo chính quân sự ở Niger thời gian qua đã làm dấy lên lo lắng về sự phụ thuộc của châu Âu vào uranium khai thác ở quốc gia Tây Phi này.

Niger- nhà cung cấp uranium tự nhiên

Chú thích ảnh
Công ty nhiên liệu hạt nhân Pháp Qrano vận hành một mỏ khai thác uranium tại miền Bắc Niger. Ảnh: AFP

Cơ quan Cung ứng Euratom của EU (ESA), đơn vị đảm bảo nguồn cung nguyên liệu hạt nhân cho châu Âu, chia sẻ với hãng thông tấn AFP (Pháp) rằng trong năm 2022, Niger là nhà cung cấp uranium tự nhiên lớn thứ hai cho EU với 25,%. Theo ESA, Kazakhstan, Niger và Canada là 3 quốc gia xuất khẩu uranium tự nhiên lớn nhất cho EU với tổng 74,19%.

Quan ngại về nguồn cung uranium từ Niger cũng hiện hữu tại Pháp bởi nước này vận hành 56 lò phản ứng cung cấp hơn 2/3 sản lượng điện quốc gia. Uranium là nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân của Pháp. Công ty nhiên liệu hạt nhân Orano của Pháp hiện vận hành một mỏ uranium ở phía Bắc Niger với khoảng 900 nhân viên chủ yếu là người Niger.

Trong 10 năm qua, 88.200 tấn uranium tự nhiên Pháp nhập khẩu chủ yếu đến từ ba quốc gia: Kazakhstan (27%), Niger (20%) và Uzbekistan (19%).

Tờ Lemonde dẫn lời giảng viên Đại học Haute-Alsace (Pháp) Teva Meyer cho biết trên quy mô toàn cầu "Niger đã trở thành nhà sản xuất thứ cấp trong những năm qua". Ông Meyer trích lẫn lý do từ chi phí sản xuất cao và giá uranium giảm cho đến năm 2016, sau sự cố hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản). Năm 2022, Niger chỉ chiếm 4% sản lượng toàn cầu, xếp sau Kazakhstan (43%), Canada (15%), Namibia (11%) và Australia (8%).

Pháp, EU tự tin không chịu ảnh hưởng

Chú thích ảnh
Một nhà máy điện hạt nhân của EDF tại Flamanville, miền Bắc nước Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vào tháng 7, Orano cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại Niger nhưng việc quân đội nắm quyền không ảnh hưởng đến việc cung cấp uranium vào lúc này. Ông Alain Antil tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) cho biết: “Đối với uranium, Niger không còn là đối tác chiến lược của Paris như những năm 1960 hay 1970”.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/8 cũng lên tiếng khẳng định khối này không có nguy cơ gặp vấn đề về nguồn cung do cuộc đảo chính tại Niger.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu - ông Adalbert Jahnz cho biết: “Các cơ sở của EU có đủ lượng uranium tự nhiên dự trữ để giảm thiểu mọi rủi ro về nguồn cung trong ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, có đủ tiền gửi trên thị trường thế giới để đáp ứng nhu cầu của EU”.

Bộ chuyển đổi năng lượng của Pháp cho biết tình hình ở Niger không gây ra bất kỳ rủi ro nào đối với nguồn cung cấp uranium tự nhiên vì EDF, nhà điều hành khu lò phản ứng hạt nhân của Pháp, đã nỗ lực đa dạng hóa các nhà cung cấp. EDF đã áp dụng chính sách dự trữ nguồn cung đủ sử dụng cho vài năm đồng thời phát triển tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Bộ Ngoại giao Pháp cũng cho biết các nhà cung cấp của nước này "cực kỳ đa dạng".

Theo ông Teva Meyer, một chuyên gia về lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự tại Đại học Upper Alsace (Pháp), EDF đã nỗ lực đa dạng hóa các nhà cung cấp của mình trong thập niên qua, chuyển hướng sang Australia và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan và Uzbekistan.

Ông Meyer nhận định từ thời điểm uranium tự nhiên được khai thác đến khi nó được đốt cháy trong lò phản ứng, có thể mất vài năm bởi có nhiều giai đoạn xử lý. Uranium tự nhiên cần được tinh chế, biến đổi và sau đó được làm giàu rồi mới đưa vào sử dụng trong các lò phản ứng hạt nahan. "Pháp, giống như châu Âu, có kho dự trữ uranium chiến lược ở tất cả các giai đoạn chuyển đổi tương đương với hai năm tiêu thụ", ông Meyer nói.

Cơ quan Cung ứng Euratom của EU (ESA) từ lâu cũng khuyến khích đa dạng cơ sở cung cấp. Trong bản báo cáo thường niên của ESA vào năm ngoái, người đứng đầu cơ quan này, bà Agnieszka Ewa Kazmierczak nhấn mạnh: "Các sự kiện kinh tế và chính trị năm 2021 và đầu năm 2022 đã tác động nghiêm trọng đến thị trường hạt nhân toàn cầu và phản ánh sự phù hợp, cấp bách từ các khuyến nghị của ESA. Nhìn chung, việc cung cấp uranium tự nhiên cho các cơ sở của EU rất đa dạng, nhưng một số cơ sở chỉ mua uranium tự nhiên của họ từ một nhà cung cấp”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Lemonde, AFP)
Nigeria áp lệnh trừng phạt tài chính mới đối với Niger
Nigeria áp lệnh trừng phạt tài chính mới đối với Niger

Ngày 8/8, Nigeria đã áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Niger, nhắm vào các tổ chức và cá nhân liên quan đến cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước ở quốc gia Tây Phi này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN