Đào tạo biệt đội bác sĩ thú y 'lên dây cót' cho dịch bệnh tiếp theo

Các nhà khoa học Australia sẽ hướng dẫn 200 bác sĩ thú y tại Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương làm thế nào để phát hiện bệnh truyền nhiễm trước khi virus lây truyền từ động vật sang người – tương tự như cách mà virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) xuất hiện.

Chú thích ảnh
Gia cầm được bày bán tại chợ ở Bali, Indonesia. Ảnh: SCMP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), đây là một phần dự án do Chính phủ Australia tài trợ nhằm mở ra phương thức tiếp cận chủ động hơn trong việc ngăn chặn đại dịch tiếp theo.

Tính đến chiều 6/5, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt quá 258.000 người và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là trên 3,7 triệu người.

Sau hàng chục năm nghiên cứu mối liên hệ giữa động vật và sức khỏe loài người, trên 40 nhà khoa học sẽ tham gia vào một chương trình do Chính phủ Australia tài trợ. Họ có nhiệm vụ đào tạo các bác sĩ thú y ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương cách phát hiện bệnh truyền nhiễm ở động vật trước khi virus lây sang người.

Sinh sống trong một quốc gia sở hữu môi trường thiên nhiên đặc biệt và đa dạng nhất thế giới với các loài động vật hoang dã độc đáo cùng với ngành nông nghiệp phát triển, các nhà khoa học Australia cho biết họ đang ở vị trí có thể truyền đạt những kiến thức chưa từng được biết đến cho các khu vực kém phát triển hơn. Để thực hiện dự án kéo dài 3 năm cho 11 quốc gia trong khu vực, Chính phủ Australia cam kết tài trợ 2,8 triệu USD. 

Navneet Dhand - Phó Giáo sư về sinh học thú y và dịch tễ học tại Đại học Sydney - cho hay: “Phần lớn các bệnh truyền nhiễm ở người là bệnh zoonotic, có nghĩa là bệnh lây truyền từ động vật. Phát hiện bệnh sớm trong quần thể động vật sẽ giúp ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh đối với con người trong tương lai”.

Cụ thể, đội ngũ của chuyên gia Dhand sẽ đào tạo cho trên 200 bác sĩ thú y ở Đông Nam Á cách thu thập mẫu xét nghiệm và theo dõi dữ liệu từ các con vật bị bệnh, cả ở ngoài tự nhiên và trong những trang trại. 

Các bác sĩ sẽ được dạy các kỹ năng như phân loại động vật có mắc bệnh phổ biến hay không, hoặc kiểm tra dấu hiệu lây nhiễm bệnh giữa các con vật. Họ cũng sẽ học cách thu thập các mẫu xét nghiệm để xây dựng cơ sở dữ liệu. Theo thời gian, thư viện dữ liệu đó có thể cung cấp xu hướng sinh thái và mô hình hành vi cụ thể của động vật. Chúng có thể chỉ ra nơi dịch bệnh có nhiều khả năng xảy ra và phương thức dịch bệnh lây lan, cung cấp cho các nhà khoa học manh mối về cách truyền bệnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên thú y phun thuốc khử trùng tại trang trại lợn nhằm ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nguy cơ để các bệnh truyền nhiễm lây lan từ động vật sang người đang tăng dần do tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số. “Loài người đang ngày càng sống gần và tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống hoang dã”, chuyên gia Dhand nhận xét.

Trong 4 thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến ít nhất 6 bệnh dịch zoonotic bùng phát quy mô lớn, trong đó có cúm H1N1, Hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS 2003 và HIV. Tuy nhiên, sau mỗi lần dịch được dập tắt, có rất ít nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh tiếp theo.

“Chúng ta nhấn mạnh về cách phản ứng đối với khủng hoảng y tế trong trường hợp khẩn cấp song lại ít quan tâm đến việc ngăn chặn những tình huống khẩn cấp đó. Bệnh dịch lây từ động vật sang người xảy ra một cách thường xuyên”, Mark Schipp – Chủ tịch Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới – bày tỏ.

Các mầm bệnh lây nhiễm từ động vật sang cho con người chỉ là một phần của mối đe dọa. Ngay cả khi virus không lây sang người, dịch bệnh bùng phát trong quần thể động vật cũng sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực và thương mại quốc tế.

Ví dụ điển hình nhất cho mối đe dọa này là sự bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Trong năm 2018, dịch tả lợn đã ảnh hưởng đến bữa ăn của hàng triệu người Trung Quốc – quốc gia coi thịt lợn là nguồn cung cấp protein chính. Không chỉ vậy, dịch bệnh này còn giáng một đòn đau kinh tế vào ngành nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến những người nông dân chăn nuôi lợn.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Viện Virus học Vũ Hán nghiên cứu virus Corona lạ trên dơi từ năm 2018
Viện Virus học Vũ Hán nghiên cứu virus Corona lạ trên dơi từ năm 2018

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) từ năm 2018 đã thực hiện phóng sự về các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán nghiên cứu virus Corona mới trên dơi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN