Nhân Ngày Nước thế giới (22/3), ông Abbas nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa giải của Bộ tứ quốc tế bao gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Liên minh châu Phi (AU) để dung hòa các quan điểm, đồng thời lấy làm tiếc về việc Ethiopia đã từ chối việc trung gian hòa giải của bộ tứ này.
Vào tháng 2 vừa qua, Khartoum đề xuất mô hình hòa giải này được phía Ai Cập (một bên tranh chấp) hoan nghênh nhưng bị phía Addis Ababa từ chối. Vào thứ Năm tuần trước, Trưởng đoàn đàm phán Sudan, Mostafa al-Zubeir tuyên bố rằng đề xuất của Sudan đã được Bộ tứ chấp thuận. Bộ tứ đang tìm cách để đạt được sự đồng thuận giữa ba quốc gia, ông Zubeir nói.
Đập Đại Phục hưng Ethiopia (GERD), dự kiến trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất ở châu Phi, được khởi công vào năm 2011, đã tạo ra một nguồn căng thẳng giữa ba nước gồm Sudan, Ai Cập và Ethiopia. Ai Cập, quốc gia phụ thuộc vào sông Nile với khoảng 97% lượng nước tưới và nước uống, xem con đập này là mối đe dọa đối với nguồn cung cấp nước của mình. Trong khi đó, Sudan lo ngại rằng các con đập của nước này có thể bị thiệt hại nếu Ethiopia hoàn thành đập GERD mà không đạt được một thỏa thuận chung.
Phía Ethiopia tuyên bố rằng năng lượng thủy điện do đập GERD tạo ra sẽ rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu năng lượng của 110 triệu dân của nước này. Tháng 7/2020, phía Addis Ababa tuyên bố đập này đã đạt được mục tiêu hoàn thành của giai đoạn đầu tiên và sẽ tiến tới giai đoạn hai vào tháng 7/2021, cho dù có đạt được thỏa thuận hay không.