Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Toàn cầu được tổ chức ngày 28/3 ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ông Barkindo đánh giá dầu khí vẫn đóng một vai trò nhất định trong tương lai gần. Ông Barkindo nêu rõ: "Điều cần thiết vào thời điểm hiện nay là xem lại cách chúng ta thăm dò, sản xuất, tinh chế, phân phối và tiêu thụ hydrocacbon, cũng như điều chỉnh các hoạt động này cho phù hợp với thực tế hiện tại, đặc biệt là về tính bền vững". Theo Tổng thư ký OPEC, nhu cầu năng lượng sẽ tăng khi dân số thế giới tăng 20% vào năm 2045 và việc đáp ứng nhu cầu năng lượng phải được thực hiện "nghiêm túc" song song với việc theo đuổi các mục tiêu liên quan chuyển đổi năng lượng.
Ông Barkindo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu. Đầu tư vào ngành dầu khí đã giảm 50% do sự sụt giảm giá dầu trong các năm 2015-2016, trước khi giảm 30% năm 2020 và đi ngang trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo ông Barkindo, triển vọng ngành dầu khí thế giới đến năm 2045 cho thấy ngành này sẽ cần nguồn vốn đầu tư khoảng 11.800 tỷ USD cho các hoạt động thăm dò, khai thác, sản xuất và tinh chế.
Báo cáo mới nhất của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) và hãng phân trích IHS Markit cho thấy tổng vốn đầu tư cho riêng hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí toàn cầu đã giảm 23% so với các mức trước đại dịch COVID-19, xuống còn 341 tỷ USD trong năm 2021, trong khi nhu cầu dầu mỏ liên tục gia tăng trên toàn cầu.
Còn Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Tiên tiến UAE, ông Sultan Al Jaber, cho rằng ngành dầu khí cần khoản đầu tư trị giá 600 tỷ USD trong giai đoạn từ này đến năm 2030 để bắt kịp với nhu cầu đang gia tăng.