Thông thường, một vaccine trước khi được đưa vào sử dụng phải mất hàng năm trời và liên quan tới một tiến trình kéo dài như thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm lâm sàng ở người và phải được sự thông qua của cơ quan quản lý dược phẩm.
Hiện một số nhóm khoa học đang chạy đua với thời gian để phát triển nhanh hơn vaccine phòng chống virus 2019-nCoV với sự hỗ trợ của Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI). Các nhà khoa học Australia hy vọng vaccine của họ có thể sẵn sàng cho sử dụng trong vòng 6 tháng tới. Tuy nhiên, khung thời gian này của các nhà khoa học Australia vẫn bị coi là tiến độ chậm trong bối cảnh virus 2019-nCoV mỗi ngày làm gần 100 người thiệt mạng tại Trung Quốc đại lục.
Hiện CEPI đang dẫn đầu nỗ lực quốc tế điều chế vaccine phòng chống virus 2019-nCoV. Được thành lập vào năm 2017, CEPI đã tài trợ cho các công trình nghiên cứu công nghệ sinh học sau khi xảy ra dịch bệnh Ebola ở Tây Phi khiến hơn 11.000 người thiệt mạng. Với nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ điều chế vaccine phòng chống virus 2019-nCoV, CEPI đang đầu tư hàng triệu USD vào 4 dự án trên thế giới.
Các dự án này được cho là sử dụng công nghệ mới trong điều chế vaccine để có thể đem ra thử nghiệm trong tương lai gần. Giám đốc điều hành CEPI Richard Hatchett cho biết mục tiêu của tổ chức này là bắt đầu đưa vaccine vào thử nghiệm lâm sàng ở người chỉ trong vòng 16 tuần.
Trong khi đó, hãng dược sinh học CureVac của Đức và hãng Moderna Therapeutics của Mỹ đang phát triển các vaccine dựa trên trình tự DNA đặc hiệu hoặc "RNA đưa tin" của virus. Trình tự DNA được chọn mã hoá cho protein của virus, có khả năng kích hoạt hệ miễn dịch trong cơ thể người mà không gây bệnh cho người được tiêm vaccine. Trong khi đó, hãng Inovio của Mỹ đang sử dụng công nghệ dựa trên DNA.
Các nhà nghiên cứu Australia đang sử dụng công nghệ gọi là "kìm giữ phân tử", cho phép họ điều chế nhanh các vaccine mới chỉ dựa trên chuỗi DNA của virus, trong khi các nhà khoa học Pháp tại Viện Pasteru đang điều chỉnh vaccine phòng sởi để chống lại virus corona chủng mới. Pháp dự kiến phải mất hơn 20 tháng vaccine mới này mới sẵn sàng được đưa vào sử dụng. Trung tâm phòng và kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc cũng bắt đầu tham gia cuộc đua điều chế vaccine phòng chống virus 2019-nCoV..
Theo Phó giám đốc Chương trình bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Duke-NUS tại Singapore, Ooi Eng Eong, nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, thì tiến trình để đưa vaccine vào sử dụng có thể rút ngắn lại. Song nếu tình hình dịch bệnh có sự cải thiện thì tiến trình điều chế vaccine sẽ kéo dài hơn.
Trong khi hiện vẫn chưa có vaccine phòng chống virus 2019-nCoV, một số bác sỹ đang áp dụng phương pháp điều trị kết hợp giữa thuốc ARV (có tác dụng ức chế sự phát triển của virus HIV trong cơ thể) và thuốc cúm. Tuy nhiên, khoa học chưa xác định rõ liệu phương thức điều trị này có mang lại hiệu quả hay không.
Sau cùng, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus 2019-nCoV có thể tự kết thúc giống như đại dịch SARS năm 2002-2003 trước khi một vaccine có thể được phát triển hoàn toàn. Tuy nhiên, Giám đốc Phòng nghiên cứu Acumen, một công ty công nghệ sinh học ở Singapore, Ong Siew Hwa cho rằng các nước nên tiếp tục nỗ lực điều chế vaccine phòng chống virus 2019-nCoV ngay cả khi dịch bệnh kết thúc. Bà nói: "Tôi nghĩ rằng một vaccine chắn chắn sẽ rất quan trọng, nếu không quan trọng vào thời điểm này thì sẽ quan trọng vào lần tới".