Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, dự thảo nghị quyết do Tanzania, Zimbabwe và 5 quốc gia khác đệ trình. Nghị quyết được cho là biện pháp cần thiết nhằm thúc đẩy chủ quyền quốc gia, xóa đói giảm nghèo, ngăn ngừa xung đột và loại bỏ khỏi thương mại hợp pháp các yếu tố liên quan đến xung đột, vốn là mục tiêu hàng đầu của Quy trình Kimberley.
Quy trình Kimberley được thông qua năm 2003 nhằm tăng cường tính minh bạch, giám sát hiệu quả trong ngành công nghiệp kim cương, theo đó loại bỏ hoạt động giao thương “kim cương máu” và ngăn chặn việc buôn bán kim cương để tài trợ cho các xung đột chính trị. Có 82 chính phủ đã đưa chương trình Chứng nhận Quy trình Kimberley thành luật.
“Kim cương máu” hay “kim cương xung đột” - theo cách gọi của Liên hợp quốc, là những loại đá quý do các tổ chức phạm pháp khai thác bằng cách bóc lột sức lao động và dùng vào mục đích quân sự hoặc vận chuyển trái phép. Trước khi Quy trình Kimberley ra đời, “kim cương máu” chiếm tới 15% thị trường kim cương toàn cầu. Ngày nay, 99,8% kim cương trên thế giới đến từ các nguồn không liên quan tới các cuộc xung đột.