Hầu hết các nước trên thế giới đang phải đối phó với tỷ lệ lạm phát cao do các vấn đề chuỗi cung ứng kéo dài từ đại dịch COVID-19 và giá cả thực phẩm, năng lượng leo thang.
Theo đài Sputnik, lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng đến mức báo động, đạt 83% so với giá năm ngoái, bao gồm mức tăng 3,08% so với tháng trước.
Chỉ số giá sản xuất, là chi phí mà các nhà sản xuất và bán buôn phải trả để đưa sản phẩm ra thị trường, cũng tăng 4,78% so với tháng trước và 151,5% so với năm ngoái.
Mặc dù vậy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn công bố kế hoạch hạ lãi suất cơ bản. “Trận chiến lớn nhất của chúng ta là đối đầu với lãi suất. Kẻ thù lớn nhất của chúng ta là lãi suất. Chúng ta đã hạ lãi suất xuống 12%. Như thế vẫn chưa đủ. Tỷ lệ lãi suất cần giảm hơn nữa”, Tổng thống Erdogan phát biểu hồi tháng 9.
Trong 2 tháng qua, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ 200 điểm cơ bản, tương đương 2% lãi suất.
Trong khi đó, loạt ngân hàng trung ương tại các nước khác, bao gồm Mỹ và Anh, đã tăng lãi suất với hy vọng kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý ở đây là mức tăng lãi suất của phần lớn các ngân hàng trung ương phương Tây đều thấp hơn tỷ lệ 12% hiện giờ của Thổ Nhĩ Kỳ. Để so sánh, Anh vừa tăng lãi suất lên 2,25% - mức cao nhất kể từ năm 2008.
Nhiều nhà kinh tế nhận định quyết định hạ tỷ lệ lãi suất sẽ làm gia tăng lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ và gây tổn hại tới giá trị đồng lira của nước này. Trước đó, đồng tiền nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị mất 28% giá trị khi so với đồng USD của Mỹ trong năm nay.
Về phần mình, các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định động thái hạ lãi suất cuối cùng sẽ kéo theo lạm phát giảm trong một vài tháng tới. Các quan chức nước này chỉ ra giảm lãi suất sẽ kích thích nền kinh tế, thay vì tăng lãi suất sẽ làm chậm lạm phát những lại kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.