Lúc này, việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa là cần thiết hơn bao giờ hết để kiểm soát tốc độ và diện lây lan của virus SARS-CoV-2 tại "Lục địa Già".
Tại Italy - tâm dịch của châu Âu - số ca tử vong đã nâng lên 148 ca sau khi nước này ghi nhận 41 ca tử vong trong ngày 5/3, mức tử vong cao nhất trong một ngày. Trong khi đó, số ca nhiễm mới là 769 người, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.858 chỉ trong hai tuần qua.
Các số liệu trên khiến Italy trở thành quốc gia có số ca tử vong cao nhất ngoài tâm dịch COVID-19 Trung Quốc. Tổng cộng 22 vùng tại "đất nước hình chiếc ủng" này đã có các ca nhiễm. Toàn bộ các trường học các cấp đều đóng cửa đến ngày 15/3. Các trận đấu bóng đá và các sự kiện thể thao khác cũng diễn ra mà không có khán giả trong một tháng. Trong khi đó, 11 ngôi làng với 50.000 dân vẫn đang trong thời gian cách ly hai tuần.
Tại Pháp, trong một tuyên bố ngày 5/3, Hạ viện cho biết một nghị sĩ nước này đã phải nhập viện để được chăm sóc đặc biệt sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Mặc dù không nêu rõ danh tính của nghị sĩ trên, song Hạ viện cho biết tất cả các nghị sĩ và nhân viên làm việc tại cơ quan này đã được thông báo về sự việc. Tính đến tối 5/3, Pháp đã ghi nhận 423 trường hợp nhiễm bệnh COVID-19, tăng 1 ca chỉ trong 1 ngày.
Giám đốc cơ quan y tế Pháp Jerome Salomon cho biết, đã có thêm 3 người ở nước này tử vong trong ngày 5/3 do SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên 7 trường hợp. Phát biểu tại cuộc họp báo hằng ngày, ông Salomon cũng cho biết 23 bệnh nhân hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Trong một đoạn video được đăng tải trên trang mạng của Điện Elysee, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng tình trạng bùng phát COVID-19 hiện nay sẽ phát triển thành dịch bệnh ở Pháp dường như là "không thể tránh khỏi”.
Trong khi đó, Thụy Điển xác nhận thêm 30 ca nhiễm mới. Theo Cơ quan Y tế công cộng, với 30 ca mới có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong ngày 5/3, số bệnh nhân nhiễm ở quốc gia Bắc Âu này hiện là 94 trường hợp. Hiện phần lớn bệnh nhân đang được điều trị ở thủ đô Stockholm.
Cùng ngày, cơ quan y tế Ireland thông báo về trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng, không liên quan đến hoạt động du lịch tới khu vực chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 ở Italy. Tổng số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này hiện là 13 người.
Tây Ban Nha cũng ghi nhận 11 ca nhiễm SARS-CoV-2 ở viện dưỡng lão. Cơ quan phụ trách công tác xã hội ở thủ đô Madrid ngày 5/3 cho biết, 10 người sinh sống tại trại cứu tế La Paz và một nhân viên y tế ở thành phố này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Mọi hoạt động theo kế hoạch đã bị đình chỉ nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm. Các biện pháp phòng ngừa, như thiết lập các khu vực cách ly và ngăn chặn những người có triệu chứng xuất hiện ở những nơi công cộng, sẽ được triển khai trong toàn hệ thống các viện dưỡng lão của thành phố. Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, Madrid đã trở thành ổ dịch COVID-19 ở nước này, với 90 ca nhiễm trong tổng số 234 trường hợp trên toàn quốc. Đến nay, quốc gia Nam Âu này cũng ghi nhận 3 ca tử vong vì căn bệnh này.
Trong khi đó, giới chức y tế Áo ghi nhận thêm 13 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 42 trường hợp. Trong số các địa phương ở Áo, thủ đô Vienna có nhiều trường hợp nhất với 16 ca, tiếp đến là Niederösterreich với 13 ca, Salzburg 4 ca, Steiermark 4 ca và 3 ca ở Tyrol. Hiện hai bang Vorarlberg và Kärnten đã ghi nhận mỗi bang có thêm 1 trường hợp nhiễm bệnh. Hầu hết các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Áo đều trong tình trạng sức khỏe ổn định, ngoại trừ trường hợp một người đàn ông 72 tuổi phải điều trị tích cực tại một bệnh viện ở Vienna nhiều ngày qua.
Phần Lan xác nhận thêm 5 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 5/3, nâng tổng số bệnh nhân ở quốc gia Bắc Âu này lên 12 trường hợp. Cùng ngày, Estonia và Hungary cũng xác nhận ca nhiễm thứ 3 ở nước mình.