Diễn biến tình hình dịch COVID-19 ngày 5/3

Tính đến 21h30 ngày 5/3, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 96.336 người nhiễm và 3.303 người tử vong trên toàn thế giới, trong đó chủ yếu ở Trung Quốc đại lục (80.409 ca). Trong ngày 5/3, Trung Quốc đại lục ghi nhận 32 trường hợp tử vong và 160 ca nhiễm mới.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm dịch COVID-19 tại Iran tới bệnh viện để điều trị. Ảnh: IRNA/TTXVN

Iran hiện là nước có số tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới với 107 ca tử vong và 3.513 ca nhiễm. Italy cho đến nay cũng đã ghi nhận 107 ca tử vong do COVID-19 và 3.089 ca nhiễm. 

Hàn Quốc - điểm dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc - ngày 5/3 có thêm 5 ca tử vong và 467 ca nhiễm mới. Như vậy, hiện Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 40 ca tử vong và 6.088 ca nhiễm. Chính phủ Hàn Quốc đã xác định thành phố Gyeongsan ở Đông Nam nước này là khu vực quan tâm đặc biệt trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Trước đó, hai địa phương khác đã được xác định là khu vực quan tâm đặc biệt là Daegu và Cheongdo. Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các nhà trẻ, trường mẫu giáo thêm 2 tuần, đến ngày 22/3 tới, để phòng chống dịch bệnh. Hiện đã có tổng cộng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh hoặc quy định cách ly đối với du khách tới từ Hàn Quốc.

Trong ngày 5/3, Nhật Bản công bố thêm 30 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh COVID-19 lên 361 ca, chưa kể 706 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trên tàu Diamond Princess.

Do nguy cơ leo thang của dịch COVID-19, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thông báo chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản sẽ được chuyển đến một thời điểm tốt hơn cho cả hai nước, sau khi Tokyo xác nhận chuyến thăm dự kiến đầu tháng 4 này sẽ phải hoãn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo Tân Hoa Xã, các bác sĩ Trung Quốc đã lần đầu tiên chứng minh rằng virus SARS-CoV-2 có thể làm tổn thương hệ thần kinh trung ương của bệnh nhân. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng COVID-19 có thể tấn công các nội tạng như gan, thận và tim nhưng chưa có báo cáo nào về những tổn thương hệ thần kinh trung ương do virus gây ra. Các nhà nghiên cứu cũng từng phát hiện ra rằng virus SARS và MERS có thể xâm nhập hệ thống thần kinh của bệnh nhân.

Cũng trong ngày 5/3, Trung Quốc đã phê chuẩn việc sử dụng thuốc kháng viêm Actemra của hãng dược phẩm Thụy Sĩ Roche để điều trị cho các bệnh nhân nặng do nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi đang nỗ lực tìm cách mới chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus này gây ra.

Actemra là một loại thuốc sinh học, đã được Mỹ phê chuẩn năm 2010 để trị bệnh viêm khớp, thấp khớp (RA), có khả năng ngăn chặn tình trạng protein Interleukin 6 (IL6) tăng cao, vốn gây các bệnh viêm nhiễm. 

Trong hướng dẫn điều trị công bố trên mạng ngày 4/3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết thuốc Actemra giờ đây có thể được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 có biểu hiện suy phổi nghiêm trọng và IL-6 ở mức cao. Trong một diễn biến khác, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đang thử nghiệm thuốc Actemra trong một thử nghiệm lâm sàng đối với 188 bệnh nhân COVID-19. Thử nghiệm kéo dài tới ngày 10/5.

Trong ngày 5/3, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới khi nhiều nước tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên và những ca nhiễm mới. Cụ thể, Nam Phi đã ghi nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Bệnh nhân là một công dân Nam Phi, tuổi, đã từng cùng vợ tới Italy. Họ là thành viên trong một nhóm du lịch gồm 10 người, trở về Nam Phi vào ngày 1/3/2020.

Hy Lạp ghi nhận thêm 21 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một nhóm người vừa trở về từ Israel, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus này lên 31 người. Trong khi đó, Bộ Y tế Ai Cập thông báo nước này đã có thêm một trường hợp mắc COVID-19. Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận là một công dân Ai Cập và là ca nhiễm thứ ba cho đến nay.

Hai trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở Ai Cập trước đó được xác định là người nước ngoài, trong đó một ca đã hồi phục. Trường hợp thứ ba mới nhất là một công dân Ai Cập 44 tuổi trở về nước từ Serbia và sau 12 giờ quá cảnh tại Pháp. Người này đã có biểu hiện nhiễm chủng virus nguy hiểm này sau vài ngày về nước. Maroc cũng đã xác nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai - bệnh nhân là một phụ nữ vừa trở về từ Italy. 

Số người nhiễm COVID-19 đã tăng mạnh tại Bỉ những ngày gần đây. Theo thông báo của Bộ Y tế cộng đồng Bỉ, tính đến ngày 5/3, nước này đã có 50 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Riêng trong 24 giờ qua, có thêm 27 trường hợp, tức tăng hơn gấp đôi. Hiện tại tất cả các trường hợp xác định bị nhiễm bệnh đều là người đi du lịch từ Italy về hoặc có tiếp xúc với người đi từ Italy về. Các ca nhiễm bệnh được ghi nhận tại tất cả các vùng của Bỉ: vùng thủ đô Brussels, vùng nói tiếng Hà Lan và vùng nói tiếng Pháp. Nước Đức cũng ghi nhận thêm 109 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chỉ trong vòng một ngày. Bang chịu ảnh hưởng lớn nhất tại Đức là North Rhine-Westphalen ở miền Tây nước này, vùng có dân số cao nhất tại Đức, với 175 ca nhiễm COVID-19. Trong khi đó, Thụy Sĩ đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19, bệnh nhân là một phụ nữ 74 tuổi sống tại miền Tây nước này. 

Trong ngày 5/3, giới chức y tế Pháp xác nhận thêm 2 trường hợp tử vong do COVID-19 ở nước này, đưa tổng số người tử vong do SARS-CoV-2 lên 6 trường hợp, trong khi số ca nhiễm là 92 trường hợp. Số các ca nhiễm ở Hà Lan cũng tăng hơn 2 lần, lên 82 trường hợp nhiễm COVID-19. Bosnia và Herzegovina đã ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là hai bố con sống ở khu vực Banja Luka, Tây Bắc nước này. Người bố từ Italy về nước hồi cuối tháng 2, hiện đang được cách ly, điều trị và trong tình trạng ổn định. Các thành viên trong gia đình cũng đã được xét nghiệm và một người con có kết quả dương tính ngày 4/3. Bosnia và Herzegovina là nước thứ 3 trong khu vực Balkan ghi nhận dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Tại Mỹ, bang Hawaii đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế nhằm tăng cường các nỗ lực ngăn chặn mối đe dọa từ COVID-19. Chính quyền bang này nhấn mạnh: "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sức khỏe và an toàn của cộng đồng toàn bang. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp chúng tôi có thể hành động nhanh và hiệu quả hơn trong nỗ lực bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh và cung cấp viện trợ khẩn cấp khi cần thiết". Lệnh này sẽ có hiệu lực ngay sau khi công bố và kéo dài đến hết ngày 29/4 tới.

Trước đó, giới chức bang California cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi bang này ghi nhận số ca nhiễm bệnh ngày một tăng, đặc biệt là ca tử vong đầu tiên. Hiện Mỹ có 164 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 11 trường hợp tử vong.

Thanh Phương (TTXVN)
Italy cam kết cung cấp thông tin minh bạch về dịch COVID-19
Italy cam kết cung cấp thông tin minh bạch về dịch COVID-19

Ngày 5/3, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio khẳng định Chính phủ Italy luôn cung cấp thông tin minh bạch tối đa về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới người dân và giới truyền thông, đồng thời cho rằng nước này đang trải qua một giai đoạn nhạy cảm, song sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN