Báo cáo của UNU-WIDER đã đặt ra một số trường hợp, trong đó xem xét những giới hạn đói nghèo khác nhau của Ngân hàng Thế giới (WB), từ đói nghèo cùng cực, được định nghĩa là sống với dưới 1,9 USD/ngày, đến ngưỡng nghèo cao hơn là sống với chưa đến 5,5 USD/ngày.
Trong trường hợp xấu nhất, khi tiêu dùng hay thu nhập bình quân đầu người giảm 20%, số người sống trong cảnh đói nghèo cùng cực có thể tăng lên 1,12 tỷ người. Khi xét đến ngưỡng nghèo 5,5 USD/ngày, con số này có thể lên đến hơn 3,7 tỷ người, tức hơn 50% dân số thế giới.
Ông Andy Sumner, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết triển vọng đối với những người nghèo nhất thế giới đang rất ảm đạm, trừ khi chính phủ các nước hành động nhiều hơn và nhanh chóng hơn để bù đắp sự sụt giảm thu nhập hàng ngày cho người nghèo. Ông cho biết tình hình nói trên có thể khiến tiến trình giảm nghèo bị đẩy lùi 20-30 năm và mục tiêu xóa nghèo của Liên hợp quốc (LHQ) trở nên bất khả thi.
Khu vực được dự đoán sẽ có số người có nguy cơ rơi vào đói nghèo cùng cực nhiều nhất là Nam Á, chủ yếu là từ nước đông dân như Ấn Độ. Tiếp sau đó là khu vực châu Phi hạ Sahara, nơi chiếm khoảng 1/3 mức tăng số người nghèo đói. Trước đó, WB vừa dự đoán sẽ có thêm 70-100 triệu người bị đẩy vào cảnh đói nghèo cùng cực do dịch COVID-19.