Giống như nhiều người Nam Á có hoàn cảnh khó khăn khác, ông Khan không còn cách nào khác là phải ra ngoài làm việc bất chấp dịch bệnh đang lây lan. Nhưng ngay cả khi dịch bệnh không ảnh hưởng đến thu nhập, ông Khan khó có thể mua được khẩu trang để dùng trong khi chính quyền Afghanistan khuyến cáo nên đeo khẩu trang để phòng bệnh COVID-19. Ông Khan cho biết: “Hôm nay, tôi chỉ kiếm được chưa đến 100 afghani (1,32 USD). Tôi sẽ làm gì đây? Tôi nên mua khẩu trang hay thực phẩm cho gia đình tôi?”.
Giữa lúc dịch bệnh lây lan, chính quyền các nước Afghanistan và Bangladesh khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, trong khi quy định này hiện đang là bắt buộc ở các nước Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka. Điều này dẫn đến nhu cầu và giá khẩu trang tăng vọt. Loại khẩu trang cơ bản dùng một lần hiện có một số nơi bán với giá tới 7 USD.
Tại Sri Lanka, nhà chức trách quy định mức giá bán 15 rupee (0,2 USD) cho một chiếc khẩu trang phẫu thuật và 150 rupee cho một chiếc mặt nạ thở. Tuy nhiên, những người dân địa phương cho biết rất khó để tìm được nơi nào bán khẩu trang y tế hay mặt nạ với mức giá như vậy do các cửa hàng tự ấn định giá. Ông Hashan, một người dân sinh sống tại khu nhà ổ chuột ở thủ đô Colombo cho biết: “Trước đây chúng tôi mua được khẩu trang y tế với giá 15 rupee, nhưng nay không còn giá đó nữa và một số nơi bán cùng loại khẩu trang này với giá 75 rupee”. Ông Hashan cho biết đa số người dân trong vùng đang dùng khẩu trang “tự chế”.
Nhiều người dân tại các nước Nam Á đã tìm ra nhiều biện pháp che mặt để thay khẩu trang như dùng khăn quàng cổ, khăn tay, khăn mặt… Trong khi đó, nhiều tổ chức từ thiện và hội phụ nữ sản xuất hàng triệu khẩu trang vải có thể giặt và tái sử dụng để phát miễn phí hoặc bán với giá thấp cho những người dân vùng nông thôn và người nghèo.
Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thành phố Mumbai (Ấn Độ) - Saral Design Solutions, vốn chuyên sản xuất băng vệ sinh, đã chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế 3 lớp với công suất 70 chiếc/phút và bán với giá chưa đến 6 cent/chiếc. Mặc dù vậy, nhiều người có thu nhập thấp vẫn phải mua khẩu trang kém chất lượng với giá đắt hơn bình thường.
Nam Á bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ít hơn so với những khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, người phát ngôn tổ chức viện trợ quốc tế Oxfam tại châu Á, Nipuna Kumbalathara nhấn mạnh những người dân đang vật lộn mưu sinh không thể trang trải các chi phí để được chăm sóc hay xét nghiệm cũng như sử dụng những đồ bảo hộ an toàn. Ông Kumbalathara hối thúc chính phủ các nước này cung cấp đồ bảo hộ cho người nghèo và người dễ bị tổn thương trong thời điểm khó khăn này.