Nghiên cứu do Đại học quốc gia Australia thực hiện với sự tham gia của gần 1.300 công dân nước này trong thời gian Australia siết chặt các biện pháp phòng dịch từ tháng 3/2020 đến giữa tháng 6/2021, với tần suất 2 tuần/lần.
Nghiên cứu chỉ rõ nhóm đối tượng có độ tuổi trẻ hơn, là nữ giới, gặp phải biến động do COVID-19 như công việc, tài chính bị cắt giảm, dễ chịu tổn thương về tâm thần hơn cả.
Philip Batterham, tác giả chính của nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Tâm thần của ANU, cho biết những phát hiện này đã chứng minh sự cần thiết xây dựng các chiến lược sức khỏe cộng đồng để giảm thiểu tác động đến sức khỏe tâm thần trong đại dịch.
Ông khẳng định tâm lý lo âu trong đại dịch chỉ thoáng qua đối với hầu hết mọi người và không có khả năng dẫn đến gia tăng tỷ lệ trầm cảm hoặc rối loạn lo âu, đúng với những nghiên cứu trước đây về các thảm họa y tế công cộng. Tuy nhiên, ông cho rằng những thay đổi về kinh tế và xã hội có thể gây tác động đến sức khỏe tâm thần, song ở tốc độ chậm rãi hơn.
Ông khẳng định nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của nhu cầu hỗ trợ nhiều hơn cũng như các chiến lược thực tế để giảm thiểu những rủi ro này, bởi việc nhận biết và ứng phó sớm với tình trạng lo âu có thể hỗ trợ cải thiện diễn tiến xấu đi của sức khỏe tâm thần.