Trong một thông báo ngày 4/3, nước chủ tịch luân phiên G-20 năm nay Saudi Arabia cho biết: "Nước chủ tịch G-20 đã có trong tay một kế hoạch bất ngờ về việc tổ chức hội nghị trực tuyến giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G-20 với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)".
Tuyên bố nêu rõ G-20 sẽ "thảo luận kinh tế toàn cầu, trong đó có các diễn biến mới đây liên quan đến dịch COVID-19" như tác động của dịch đối với tăng trưởng toàn cầu và sự ổn định thị trường tài chính. Chính phủ Saudi Arabia bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về các diễn biến nhanh chóng liên quan đến các ca nhiễm, bao gồm các thách thức kinh tế và nhân đạo, đồng thời cho biết đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên G-20 và các tổ chức quốc tế liên quan về việc này.
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF cũng cho biết đã quyết định tiến hành các hội nghị mùa Xuân của mình thông qua cầu truyền hình, thay vì gặp mặt trực tiếp tại Washington như mọi năm, do lo ngại virus đang lây lan rộng trên thế giới.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Magdalena Andersson ngày 4/3 dự báo dịch COVID-19 sẽ làm giảm khoảng 0,3% tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay, đồng thời cảnh báo tác động có thể sẽ lớn hơn nếu dịch bệnh kéo dài hoặc lan rộng hơn dự báo hiện nay.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Andersson cho biết: "Nếu tình hình dịch không giảm tại Trung Quốc như dự báo, hoặc nếu dịch lây lan rộng hơn tại Mỹ và châu Âu, thì tác động kinh tế sẽ lớn hơn".
Tháng 1 vừa qua, Chính phủ Thụy Điển đưa ra dự báo tăng trưởng ở mức 1,1% trong năm nay. Theo ông Andersson, tăng trưởng toàn cầu sẽ có thể giảm 0,5% so với dự báo khi không xảy ra dịch. Trong một nỗ lực nhằm hạn chế tác động của dịch lên nền kinh tế, Bộ trưởng Andersson cho biết chính phủ sẽ áp dụng một cơ chế để các công ty cho nhân viên làm việc ít thời gian hơn nhằm không dẫn tới trường hợp thừa lao động. Chi phí cho cơ chế này ước tính lên tới 350 triệu crown Thụy Điển (37 triệu USD) mỗi năm.
Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Rome, Liên đoàn Du lịch Italy (Confturismo) ước tính do tác động của dịch COVID-19, lượng khách du lịch tới quốc gia Nam Âu này trong quý II sẽ giảm khoảng 31,6 triệu lượt khách, gây thiệt hại cho ngành du lịch khoảng 7,4 tỷ euro. Chủ tịch Liên đoàn Du lịch Italy, Luca Patanè cho biết toàn bộ ngành du lịch Italy đang phải đối mặt với tình trạng tồi tệ. Cũng theo ông Patanè, Italy cần có ngay các biện pháp hỗ trợ cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đồng thời cần có những can thiệp của chính phủ đối với những quốc gia cấm nhập cảnh đối với du khách Italy và hạn chế công dân tới Italy.