Hãng tin Nga RT dẫn nguồn tin Chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra con số thống kê trên.
Trong khi đó, cùng ngày, giới chức Iran thông báo số ca tử vong tại nước này do COVID-19 trong 24 giờ qua tăng thêm 143. Như vậy, tính tới nay, quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận 2.077 trường hợp tử vong do mắc COVID-19.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour, Iran cũng đã ghi nhận thêm 2.206 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 tại tỉnh miền Trung Qom hôm 19/2, đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 27.017 trường hợp mắc bệnh. Đã có 9.625 trường hợp hồi phục.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 và tử vong trong nước ngày một tăng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định sẽ áp đặt các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có việc cấm đi lại, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Ông cho biết chính phủ có thể sẽ thông qua kế hoạch do Bộ Y tế nước này đề xuất nhằm khống chế dịch bệnh. Điều này có thể gây ra xáo trộn và bất tiện đối với các kế hoạch đi lại của người dân, song chính phủ không còn lựa chọn nào khác để bảo vệ tính mạng của người dân.
Theo Tổng thống Rouhani, các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 15 ngày và có thể được tiến hành ngay từ đêm 25/3.
Cho đến nay, Iran vẫn chưa áp dụng biện pháp cấm đi lại, chỉ vận động người dân nên ở nhà. Tuy nhiên, đa số người dân phớt lờ khuyến cáo này. Bất chấp tình hình dịch bệnh, cuối tuần qua, hằng trăm người dân Iran vẫn đổ ra các đường phố để tận hưởng kỳ nghỉ Năm mới Ba Tư kéo dài 2 tuần.
Trong khi đó, giới chức Saudi Arabia thông báo cũng sẽ siết chặt biện pháp giới nghiêm từng phần. Theo đó, quốc gia này sẽ phong tỏa thủ đô Riyadh, Mecca, Medina, đồng thời cấm di chuyển giữa tất cả các tỉnh, bắt đầu từ ngày 25/3.
Sắc lệnh của chính phủ, đã được Quốc vương Salman thông qua, còn đẩy sớm giờ giới nghiêm tại 3 thành phố trên. Theo đó, từ ngày 25/3, giờ giới nghiêm sẽ bắt đầu từ ngày 15 giờ thay vì 19 giờ. Trước đó, ngày 23/3, Saudi Arabia đã áp đặt giới nghiêm trong 21 ngày tại 3 thành phố gồm Riyadh, Mecca, Medina.