Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 26/6: Indonesia, Philippines 'nóng' với trên 1.000 ca nhiễm mới

Trong 24 giờ qua các nước ASEAN ghi nhận 2.474 ca mắc bệnh COVID-19 và 63 ca tử vong. Tình hình dịch tại Indonesia chưa hết "nóng" khi có tới trên 1.200 ca nhiễm mới trong ngày. Số ca nhiễm tại Philippines cũng vọt lên ngưỡng 4 con số.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một nhà hàng ở Manila, Philippines, ngày 18/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu từ trang thống kê worldometers.info, tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tại khu vực Đông Nam Á đến hết ngày 26/6 là 141.183 ca, trong đó có 4.121 ca tử vong và 79.302 bệnh nhân đã hồi phục. 

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong. Đây cũng là hai quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở ngưỡng trên 1.000 ca. Trong khi đó, dịch tiếp tục xu hướng dịu đi ở Singapore và không còn ca lây nhiễm cộng đồng nào ở tất cả các quốc gia còn lại.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 26 /6
Quốc gia Tổng ca mắc Ca mắc mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca hồi phục
Indonesia 54.427 1.240 2.3 63 21.333
Singapore 42.955 219 26 0 36.604
Philippines 34.073 1.004 1.224 12 9.182
Malaysia 8.606 6 121 0 8.294
Thái Lan 3.162 4 58 0 3.040
Việt Nam 353 1 0 0 330
Myanmar 293 - 6 0 211
Brunei 141 0 0 0 1
Campuchia 130 0 0 0 127
Timor Leste 24 0 0 0 24
Lào 19 0 0 0 19

 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Medan, Indonesia, ngày 24/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch COVID-19 là chủ đề trọng tâm tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36

Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, được tổ chức trực tuyến, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên sau 23 năm, kinh tế ASEAN bị sụt giảm do đại dịch. Tuy nhiên, các nước ASEAN cùng các nước đối tác đối thoại đã có nhiều động thái nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội của đại dịch. Tổng thư ký ASEAN đánh giá rằng các nước ASEAN đã thành công trong việc đưa ra các hành động nhanh chóng và quyết đoán nhằm ứng phó với đại dịch, phối hợp nhanh chóng và chặt chẽ, đồng thời hợp tác với các đối tác tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3.

Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định sự kiện này phản ánh năng lực lãnh đạo ASEAN của Việt Nam bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Ông bày tỏ sự đánh giá cao về vai trò nổi bật của Việt Nam trong năm giữ ghế Chủ tịch điều hành ASEAN 2020. Về phương hướng tương lai, Thủ tướng Hun Sen cho rằng ASEAN cần có kế hoạch hồi phục kinh tế rõ ràng và thận trọng, trong đó vạch ra nhiều kịch bản cho việc tái mở cửa từng bước việc đi lại qua biên giới trong khu vực, thương mại nội khối và phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Chiều 26/6/2020, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (ICC) Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, đã chủ trì buổi Họp báo thông tin về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã đẩy Thái Lan và cộng đồng toàn cầu vào cách sống “bình thường mới”, trong khi thế giới cũng đang tiến tới giai đoạn địa chính trị không ổn định, tác động tới an ninh và ổn định quốc tế. ASEAN nên hợp tác để đối phó với những xu hướng đó bằng cách tăng cường chủ nghĩa khu vực, cũng như tinh thần chia sẻ, đồng thời bảo tồn tính trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Thủ tướng Prayut đã đề xuất ba đường hướng hành động nhằm thúc đẩy ASEAN thời hậu COVID-19, đó là ASEAN kết nối hơn, ASEAN mạnh mẽ hơn và ASEAN miễn dịch tốt hơn. 

Singapore xét nghiệm cho tất cả người nghi nhiễm từ 13 tuổi 

Bộ Y tế Singapore thông báo bắt đầu từ ngày 1/7 tới, tất cả các đối tượng từ 13 tuổi trở lên đến khám bệnh tại các phòng khám có dấu hiệu bệnh về hô hấp sẽ được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Đây là một phần trong những biện pháp của Chính phủ Singapore nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khi nước này bước vào giai đoạn 2 mở cửa trở lại nền kinh tế. 

Trẻ em dưới 13 tuổi có những biểu hiện bệnh về hô hấp sẽ được đánh giá xem có cần làm xét nghiệm hay không, đồng thời có thể có những cân nhắc khác về y tế. Singapore cũng đang tăng tiêu chuẩn xét nghiệm trong nỗ lực đạt được mục tiêu của Bộ Y tế là tiến hành xét nghiệm cho tất cả những ai có biểu hiện bệnh về đường hô hấp. 

Singapore cũng có kế hoạch xét nghiệm cho tất cả các nhóm đối tượng như những người làm việc ở tuyến đầu, tiếp xúc với du khách khi Singapore mở cửa biên giới trở lại hoặc những người sống trong các cơ sở cư trú cộng đồng. Nhiều trung tâm tầm soát mang tính khu vực hơn sẽ được thiết lập trong vài tuần tới để tăng cường việc xét nghiệm.

Chú thích ảnh
Công nhân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Singapore ngày 10/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ Y tế Singapore cho biết hiện tại mỗi ngày nước này tiến hành 11.000-12.000 xét nghiệm. Tất cả những người từ 45 tuổi trở lên có triệu chứng bệnh về hô hấp đều được xét nghiệm SARS-CoV-2 khi đi khám bệnh. Tuy nhiên, Chính phủ không có kế hoạch xét nghiệm hàng loạt đối với tất cả người dân. Những người không bị nghi nhiễm hay không đủ tiêu chuẩn sẽ không được làm xét nghiệm. 

Ngày 26/6, Singapore ghi nhận 219 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 42.955 người, trong đó 36.604 ca đã hồi phục và 26 ca tử vong.

Thái Lan: Thủ đô Bangkok bỏ giãn cách trên xe buýt

Tại Thái Lan, Cơ quan Vận tải công cộng Bangkok (BMTA) thông báo bỏ tất cả các quy định giãn cách xã hội trên xe buýt, trong bối cảnh nước này ngày 26/6 chỉ ghi nhận 4 ca nhiễm mới và đã bước sang ngày 32 liên tiếp không có thêm ca COVID-19 trong cộng đồng. 

Theo người đứng đầu BMTA Surachai Iamwachirakul, BMTA nới lỏng biện pháp phòng dịch cũng nhằm phục vụ hành khách khi kỳ học mới bắt đầu từ ngày 1/7 tới và sẽ có thêm nhiều học sinh, sinh viên đi xe buýt. Theo đó, BMTA sẽ nối lại hoạt động của nhiều tuyến xe buýt. Các hành khách có thể ngồi gần nhau trên xe buýt.

Tuy nhiên, ông Surachai khuyến cáo hành khách ngồi cách xa nhau để phòng dịch nếu xe buýt vắng khách. Bên cạnh đó, các xe buýt sẽ được khử trùng mỗi ngày trước khi hoạt động, và có sẵn dung dịch sát khuẩn cho hành khách trên xe. Các lái xe và phụ xe được yêu cầu đeo khẩu trang và găng tay khi ở trên xe buýt.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia lưu ý tình trạng tử vong ở trẻ em 

Tại Indonesia, đã có hơn 200 trẻ em, trong đó có trẻ dưới 5 tuổi, được cho là đã tử vong vì COVID-19, theo thông tin từ Hiệp hội Nhi khoa Indonesia (IDAI).

Theo IDAI, ít nhất 1.543 trẻ em ở Indonesia đã mắc COVID-19, trong đó có 36 em tử vong kể từ khi Indonesia công bố ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 3/2020. Trong khi đó, 6.123 trẻ em trong diện có triệu chứng mắc COVID-19 (PDP) nhưng chưa được xét nhiệm và đã có 204 trẻ tử vong trong số này.

Cho đến nay các nước Malaysia, Việt Nam, Singapore và Thái Lan báo cáo không ghi nhận trẻ tử vong do COVID-19. Trong khi đó, châu Âu và Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng đột biến của chứng rối loạn miễn dịch nghiêm trọng ở trẻ em liên quan đến COVID-19. 

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi chờ lên xe buýt tại Manila, Philippines, ngày 18/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thông báo mới đây của Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia, nước này sẽ cho phép mở lại các trường học nằm trong khu vực màu xanh (có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thấp) từ tháng 7 tới. Tuy nhiên, IDAI và Ủy ban Bảo vệ Trẻ em Indonesia (KPAI) cho rằng chính phủ không nên mở lại các trường học lúc này vì không phải tất cả học sinh học tại các trường ở khu vực màu xanh đều đến tư các khu vực màu xanh mà có thể đến từ các khu vực khác có nguy cơ lây nhiễm cao.

Trong khi đó, ngày 26/6 Indonesia ghi nhận 1.240 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 51.427, trong đó có 2.3 trường hợp tử vong, tăng 63 ca so với một ngày trước đó.

Thu Hằng/Báo Tin tức
ASEAN 2020: Singapore đề xuất các biện pháp phục hồi sau đại dịch COVID-19
ASEAN 2020: Singapore đề xuất các biện pháp phục hồi sau đại dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 26/6, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam đối phó thành công với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN