Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Thủ tướng Trudeau kêu gọi người dân đảo ngược diễn biến của dịch bệnh bằng cách ở nhà và hạn chế tối đa các cuộc tiếp xúc. Ông nhấn mạnh nếu người dân không hành động ngay lập tức, nhiều thế hệ sau này có thể vẫn phải hứng chịu hậu quả. Thủ tướng Trudeau cho rằng tác động kinh tế dài hạn khi mức độ lây nhiễm của dịch bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát vượt xa chi phí ngắn hạn của việc đóng cửa các cửa hàng. Ông nhấn mạnh "bảo vệ sức khỏe của người dân là cách tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế".
Phát biểu với báo giới cùng ngày, bà Theresa Tam, người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada, nhấn mạnh để kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực chung, từ giới chức lãnh đạo tới người dân, đòi hỏi ý thức tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội và giữ gìn vệ sinh của mỗi công dân.
Theo mô hình dịch bệnh mới nhất vừa được các cơ quan y tế công cộng công bố, số ca mắc COVID-19 tại Canada hiện vượt xa mức trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất. Nếu người dân Canada tăng tiếp xúc xã hội trong kỳ nghỉ lễ, số ca nhiễm có thể tăng vọt lên 60.000 ca/ngày vào cuối năm – cao gấp 12 lần so với mức hiện tại là khoảng 5.000 ca/ngày, vốn đã gây áp lực lên hệ thống chăm sóc y tế ở một số khu vực. Còn nếu với cường độ tiếp xúc như hiện nay, giới chức y tế cảnh báo số ca mắc COVID-19 tại Canada có thể tăng lên mức trên 20.000 ca/ngày vào thời điểm cuối tháng 12 tới.
Lo ngại dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, Thủ hiến bang Ontario, ông Doug Ford cho biết thành phố Toronto lớn nhất Canada và nhiều khu vực ngoại ô sẽ áp đặt lệnh phong tỏa từ ngày 23/11 tới. Theo lệnh phong tỏa kéo dài 28 ngày này, người dân không được tổ chức các cuộc tụ tập cá nhân trong không gian kín, các sự kiện tập trung đông người ở ngoài trời hạn chế ở mức dưới 10 người. Các tiệm làm tóc, phòng tập gym và sòng bạc sẽ phải đóng cửa. Các trường học vẫn mở cửa, trong khi các nhà hàng và cửa hàng kinh doanh không thiết yếu sẽ chỉ được phục vụ theo hình thức giao hàng hoặc mua mang về. Nếu vi phạm các quy định trên sẽ bị phạt đến 750 CAN (570 USD).
Hiện trung bình mỗi ngày Canada ghi nhận thêm 4.800 ca mắc COVID-19 mới, tăng khoảng 15% so với tuần trước. Nước này đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng và quy mô các ổ dịch trong các cộng đồng và môi trường có nguy cơ cao như các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và cộng đồng thổ dân. Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, nước này hiện có 320.719 ca mắc, trong đó 11.334 ca tử vong.
Tại Mexico, ngày 20/11, giới chức thủ đô Mexico City thông báo hạn chế bán rượu nhằm ngăn chặn việc tổ chức các bữa tiệc và cảnh báo chính quyền có thể phải áp đặt một lệnh phong tỏa khác sau khi số ca tử vong do COVID-19 trên toàn quốc vượt quá 100.000 ca.
Thị trưởng Claudia Sheinbaum cho biết hiện nay Mexico City đang ban hành mức cảnh báo dịch bệnh màu cam. Nếu cảnh báo nâng lên màu đỏ, các hoạt động không thiết yếu tại thành phố có 9 triệu dân này sẽ phải tạm ngừng. Do đó, bà Sheinbaum kêu gọi người dân hợp tác để khống chế dịch bệnh lây lan.
Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Mexico đã tăng lên 100.104 ca, cao thứ 4 trên thế giới. Chính phủ Mexico đã áp đặt các biện pháp phong tỏa từ cuối tháng 3 và bắt đầu nới lỏng dần dần để mở cửa trở lại nền kinh tế từ tháng 6 vừa qua.
Trong khi đó, nhằm hỗ trợ Nicaragua ứng phó với đại dịch COVID-19, ngày 20/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt khoản hỗ trợ tài chính 185 triệu USD cho quốc gia Trung Mỹ này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, Ngân hàng Trung ương Nicaragua cho biết 130 triệu USD trong khoản hỗ trợ tài chính trên là từ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), tương đương với 50% hạn ngạch của Nicaragua trong IMF. Khoản hỗ trợ này sẽ dành cho hoạt động chăm sóc sức khỏe và an toàn thực phẩm của người dân, cũng như tăng cường hệ thống tài chính.
Nicaragua đang gồng mình khắc phục hậu quả của hai cơn bão mạnh là Eta và Iota. Cảnh báo về một cuộc khủng hoảng y tế do thiếu nước sạch tại nước, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) lo ngại về nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm cũng như gia tăng các ca mắc COVID-19. Bộ Y tế Nicaragua thông báo đã ghi nhận 5.661 ca mắc COVID-19, trong đó 158 ca tử vong.