Theo hãng tin Reuters (Anh), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Trung Quốc đã báo cáo 21 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N6 ở người vào năm 2021, tăng gấp 4 lần so với năm ngoái, với chỉ 5 trường hợp.
Mặc dù con số này thấp hơn nhiều so với hàng trăm trường hợp nhiễm virus H7N9 hồi năm 2017, nhưng các ca nhiễm H5N6 hiện đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người đã trở bệnh nặng và ít nhất 6 người đã tử vong.
Gần đây nhất, vào ngày 13/10, một phụ nữ 60 tuổi ở tỉnh Hồ Nam, đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch do nhiễm cúm H5N6. Trong khi kể từ tháng 2/2020, chưa có báo cáo về bất kỳ đợt bùng phát dịch H5N6 nào ở gia cầm tại Trung Quốc.
Giáo sư Thijs Kuiken tại Trung tâm Y tế Đại học Erasmus ở Rotterdam (Hà Lan), cho biết: “Sự gia tăng các trường hợp H5N6 ở người trong năm nay là điều đáng lo ngại. Đây là một loại virus gây tử vong cao”.
Hầu hết trường hợp nhiễm virus H5N6 đều do tiếp xúc với gia cầm, chưa có trường hợp nào lây từ người sang người. Vì vậy, số ca mắc H5N6 ở Trung Quốc tăng vọt khiến giới chuyên gia lo ngại biến chủng virus này dường như đã biến đổi và có thể lây nhiễm nhiều hơn cho con người. Họ cho biết cần phải điều tra thêm để hiểu rõ rủi ro và nguyên nhân của sự gia tăng các ca nhiễm trong cộng đồng.
Trung Quốc được biết đến là quốc gia sản xuất gia cầm lớn nhất thế giới. Do đó, các chuyên gia lo ngại rất có khả năng nước này sẽ trở thành “ổ chứa virus cúm”.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc không bình luận về sự gia tăng số ca mắc H5N6 ở người. Tuy nhiên, một nghiên cứu được xuất bản trên trang web của cơ quan này hồi tháng trước thừa nhận “sự đa dạng về mặt di truyền và phân bổ địa lý của virus H5N6 gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp gia cầm và sức khỏe của con người”.
Virus H5N6 lưu hành trong nhiều loài gia cầm tại Trung Quốc, nhưng hiếm khi lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, sự biến đổi ngày càng nhanh chóng của chủng virus này và quần thể gia cầm ngày càng gia tăng, đã trở thành mối lo ngại. Các chuyên gia cho rằng điều này khiến virus biến đổi, trở thành một loại virus lây lan dễ dàng giữa con người và gây ra đại dịch.
Khu vực phía tây nam Tứ Xuyên là nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm H5N6 nhất ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, các tỉnh lân cận như Trùng Khánh. Quảng Tây, Quảng Đông, An Huy và Hồ Nam, cũng phát hiện một số ca nhiễm.
Ít nhất 10 trường hợp mắc cúm gia cầm do virus - về mặt di truyền rất giống với virus H5N8 - được ghi nhận tại các trang trại gia cầm trên khắp châu Âu vào mùa đông năm ngoái. Virus này cũng đã giết chết nhiều loài chim hoang dã ở Trung Quốc. Điều này cho thấy số ca nhiễm H5N6 mới nhất ở nước này có thể là do một biến chủng mới.
Giáo sư Kuiken cho biết: “Có thể biến thể này dễ lây nhiễm hơn ở người hoặc có thể đã có nhiều loại virus cúm gia cầm hơn. Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều người bị nhiễm bệnh hơn”.
Một báo cáo hồi tháng 9 của CDC Trung Quốc cho biết 4 trong số các trường hợp nhiễm cúm H5N6 ở Tứ Xuyên đều nuôi gia cầm trong các trang trại tại nhà và tiếp xúc với những con gia cầm đã chết. Một người khác đã mua một con vịt từ chợ gia cầm sống một tuần trước khi phát hiện các triệu chứng.
Trung Quốc đã tiêm vaccine phòng bệnh cho gia cầm. Tuy nhiên, vaccine chỉ có thể bảo vệ một phần trước các loại virus mới xuất hiện, giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát lớn. Tại Trung Quốc, các trang trại gia cầm rất phổ biến và người dân thường có thói quen mua gia cầm sống ở chợ về chế biến thành thực phẩm.
Thành phố Quế Lâm ở Quảng Tây, nơi ghi nhận 2 người nhiễm cúm H5N6 vào tháng 8, cho biết tháng trước họ đã đình chỉ buôn bán gia cầm sống tại 13 khu chợ và sẽ cấm hoạt động buôn bán này trong vòng một năm.