Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier cho biết 3 tuần trước, dịch bệnh có chiều hướng giảm với số ca mắc mới hàng tuần còn khoảng 25, giảm một nửa so với đầu năm và WHO khá lạc quan về triển vọng có thể chấm dứt dịch vào tháng 9 tới.
Tuy nhiên, trong 2 tuần gần đây, số ca nhiễm mới tăng nhanh, ở mức lần lượt 57 và 72 ca trong các tuần tiếp theo. Thời điểm ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đột biến trước đó (khoảng 50 trường hợp/tuần) là vào giữa tháng 11/2018 và cuối tháng 1 năm nay.
Bộ Y tế Congo cho biết đáng báo động là hơn một nửa số ca tử vong do Ebola tuần trước xảy ra bên ngoài các trung tâm điều trị, nghĩa là có nhiều khả năng virus từ các bệnh nhân này đã lây lan sang những người xung quanh.
Đợt dịch Ebola hiện nay đã khiến 676 người tử vong, 406 người khác đang nhiễm bệnh và khoảng 331 trường hợp đã hồi phục.
Số ca nhiễm mới Ebola đã gia tăng kỷ lục trong hai tuần qua, với nguyên nhân chủ yếu do xung đột vũ trang, cũng như thiếu sự tin tưởng và hợp tác của các cộng đồng dân cư tại khu vực nhiễm dịch. Trong 2 tháng qua, 5 trung tâm điều trị Ebola đã bị các nhóm vũ trang tấn công, khiến Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) của Pháp phải đình chỉ hoạt động tại hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đây là đợt dịch thứ 9 tại CHDC Congo kể từ khi dịch Ebola bùng phát lần đầu tiên tại nước Trung Phi này năm 1976. Giai đoạn 2013-2016, tại Tây Phi đã có trên 11.000 người thiệt mạng vì Ebola. Kể từ đó, các cơ quan y tế đã nỗ lực chuẩn bị cho các tình huống dịch bệnh bùng phát và triển khai tiêm thử nghiệm vaccine rVSV-ZEBOV phòng ngừa chủng virus Zaire.
Theo WHO, Ebola là căn bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như: sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài. Căn bệnh này lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm bệnh.
Tiếp đó, virus sẽ lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng nhiễm bệnh, hay lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và rất khó để chẩn đoán bệnh.