Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi ngày 28/1, động thái trên được các nước Đông Phi đưa ra sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các nước có chung biên giới với CHDC Congo cần khẩn trương tăng cường hệ thống giám sát và cảnh báo để phát hiện sớm cũng như ứng phó kịp thời, hiệu quả với virus nguy hiểm này. WHO đưa ra cảnh báo cao về lây lan Ebola đối với 9 quốc gia láng giềng của CHDC Congo theo mức độ từ cao xuống thấp, trong đó nhóm 1 gồm 4 nước Rwanda, Uganda, Nam Sudan và Burundi và nhóm 2 gồm 5 nước Angola, Congo, CH Trung Phi, Tanzania và Zambia.
Các nước Đông Phi đã và đang áp dụng hệ thống kiểm tra thường xuyên đối với tất cả khách du lịch tại các cửa khẩu và cảnh báo công dân cần cảnh giác trước diễn biến của dịch do virus Ebola gây ra. Ngoài ra, các nước này cũng đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng virus Ebola cho các nhân viên y tế và những người làm việc ở khu vực giáp biên giới với CHDC Congo, cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để kịp thời ứng phó với dịch bệnh.
Theo Phó Tổng giám đốc về phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp WHO Peter Salama, mỗi ngày có khoảng 30.000 thương nhân và người dân thường xuyên qua lại giữa biên giới Uganda và CHDC Congo. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ cho biết số người qua lại giữa CHDC Congo với Rwanda khoảng 60.000/ngày, với Burundi hơn 24.000 người/tháng, với Nam Sudan khoảng 3.000 người/tháng. Số lượng lớn người dân thường xuyên qua lại giữa CHDC Congo và các quốc gia láng giềng gây rất nhiều khó khăn đối với công tác phòng chống dịch Ebola tại Đông Phi.
Theo WHO, tính đến ngày 15/1, đã có 663 trường hợp mắc Ebola (614 ca được xác nhận và 49 trường hợp đang nghi nhiễm), trong đó có 407 ca tử vong (chiếm 61% số trường hợp nhiễm bệnh) và 237 người được xuất viện.
Kể từ khi được phát hiện vào năm 1976, dịch Ebola gây hậu quả lớn nhất vào năm 2014 khi bùng phát Tây Phi, cướp đi sinh mạng của hơn 11.300 người và lây nhiễm khoảng 28.600 người khi dịch bệnh quét qua Liberia, Guinea và Sierra Leone.