Trong báo cáo tài chính công bố ngày 8/11, một người phát ngôn của Virgin Galatic cho biết để có một suất trên tàu bay vào vũ trụ, hành khách sẽ phải chi 450.000 USD, cao hơn nhiều so với mức 200.000-250.000 USD mà khoảng 600 khách hàng phải trả trong giai đoạn 2005-2014. Tính đến nay, công ty này đã bán được tổng cộng 700 vé.
Giám đốc điều hành (CEO) Michael Colglazier nêu rõ Virgin Galatic đang bước vào giai đoạn nâng cấp đội tàu bay với một lộ trình rõ ràng về tăng độ bền, tính chính xác và cải thiện khả năng dự báo của các phương tiện bay sẽ phục vụ khai thác thương mại vào năm 2022. Ông cho biết thêm nhu cầu du hành vũ trụ hiện rất lớn và Virgin Galatic đã nhanh chóng bán hết các vé.
Được thành lập năm 2004, Virgin Galactic đang tìm cách tối đa hóa lợi nhuận sau cuộc thử nghiệm thành công vào tháng 7 vừa qua khi tỷ phú Branson đã "vượt mặt" công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos trong cuộc đua du hành không gian đầy tiềm năng. Tuy nhiên, từ thời điểm đó, Virgin Galactic đã phải đối mặt với một số vấn đề. Đầu tháng 9 vừa qua, Cơ quan Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) thông báo tạm thời đình chỉ các chuyến bay vào vũ trụ của Virgin Galactic để phục vụ cuộc điều tra nguyên nhân chuyến bay thử hai tháng trước đó đã đi chệch quỹ đạo dự kiến. Lệnh này đã được dỡ bỏ ngay trong tháng đó. Đến tháng 10, công ty đã phải lùi thời hạn thực hiện một sứ mệnh với các thành viên của Lực lượng Không quân Italy sau khi phát hiện vấn đề liên quan tới vật liệu trong các tàu vũ trụ của mình. Ngoài ra, Virgin Galatic cũng nhận được yêu cầu đảm bảo minh bạch hơn nữa các vấn đề tài chính riêng.
Không giống như Blue Origin và SpaceX - các đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực du lịch không gian còn khá mới mẻ, Virgin Galactic đã triển khai một tàu vũ trụ khổng lồ có thể cất cánh theo chiều ngang, khi lên đến một độ cao nhất định, một tàu không gian sẽ tách khỏi tàu trên để bay vào vũ trụ.