Ông Bill Rodger (91 tuổi) luôn dành phần lớn thời gian trong ngày ngồi trên chiếc ghế sofa in hoa đã cũ tại phòng khách ngắm nhìn bức tường treo kín những bức ảnh tái hiện cuộc đời mình. Đó là khoảnh khắc ông giành chiến thắng tại các cuộc thi đấu, khi thì là những giờ phút bên cạnh con cháu.
“Đã từ rất lâu rồi tôi không bận bịu nữa. Tôi nghĩ việc đi bác sĩ khám bệnh là việc duy nhất tôi phải làm”, ông chia sẻ với báo New York Times.
Người thanh niên trẻ ngồi cạnh ông vỗ vai, nở nụ cười ấm áp. Ricardo Figueroa (31 tuổi) không phải là người thân hay hàng xóm của ông Bill. Anh được trả tiền để làm bạn với ông Bill qua lời giới thiệu của công ty công nghệ về sức khỏe Papa. Công ty này hiện cung cấp dịch vụ “bạn đồng hành theo nhu cầu”.
Trước khi dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) bùng phát, mỗi tuần, hai người đàn ông này dành thời gian ở cạnh nhau, lúc thì cùng đi tới bệnh viện chạy thận, lúc thì ngồi cạnh xem phim. Diễn biến COVID-19 phức tạp đã khiến mối quan hệ của họ chỉ gói gọn qua những cú điện thoại song tình bạn vẫn rất khăng khít.
“Tình hình trở nên đáng sợ. Nói chuyện với ông Rodger khiến tâm trạng tôi tốt hơn”, anh Figuera cho biết. Ngược lại, ông Rodger cũng thấy rất vui khi liên lạc với Figuera.
Thành lập từ năm 2018, công ty Papa kết đôi những người lớn tuổi với sinh viên đại học hoặc thanh niên trẻ có cùng sở thích, thói quen. Cả ông Rodger và Figueroa đều từng phục vụ trong quân ngũ, thích phim tài liệu, thể thao và thưởng thức bia. Bên cạnh đó, họ chỉ sống cách nhau có vài tòa nhà.
Những người như Figueroa sẽ được trả từ 11 đến 14 USD cho một giờ làm việc, bao gồm chạy việc vặt, đi chợ hay mua thuốc cho những khách hàng lớn tuổi. Hiện công ty Papa thuê khoảng 5.000 nhân viên như Figueroa.
Mặc dù lương thấp, song những người được Papa thuê cho biết họ thấy đây là công việc cần thiết. Theo một cuộc khảo sát của Quỹ AAPR vào năm 2018, khoảng 1/3 người cao tuổi nước Mỹ phải sống trong cảnh cô độc, dễ có nguy cơ mắc các bệnh lý như bệnh tim, ung thư, trầm cảm, tiểu đường…
Bác sĩ Vivek Murthy miêu tả sự đơn độc tác động tới tốc độ giảm tuổi thọ của một người tương đương như hút 15 điếu thuốc một ngày. Không chỉ vậy, vấn đề này còn ảnh hưởng tới hệ thống chăm sóc sức khỏe. Năm ngoái, thành phố Dallas tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân sống một mình được đưa vào phòng bệnh cấp cứu.
Gia đình ông Rodger tìm đến Papa vì họ gặp khó khăn khi phải tự chăm sóc ông. Cô Tanya Martin - cháu gái ông Rodger – trước đây là người chăm ông chính trong hơn 4 năm. Nhưng khi ông Rodger phải chạy thận hàng tuần, cô không thể đưa ông đi. Việc thuê một người chăm sóc riêng cũng vượt quá khả năng tài chính của gia đình, khi chi phí đó rơi vào khoảng 300 USD/ngày tại Los Angeles.
“Ông không cần chăm sóc y tế. Cái ông cần là một người như tôi”, cô Martin nay đã 40 tuổi tìm thấy Papa qua công cụ tìm kiếm Google.
Để tìm được người vào vị trí “bạn đồng hành”, Papa và các công ty cùng dịch vụ khác phải kiểm tra các ứng viên qua phỏng vấn, cũng như xem sơ yếu lý lịch và phương tiện họ sở hữu. Phần lớn người ứng tuyển đều có ít nhiều kinh nghiệm liên quan đến chăm sóc người khác như y tá, nhân viên xã hội hoặc sinh viên trường y. Đây được cho là một công việc phù hợp với sinh viên – những người có thời khóa biểu linh hoạt và có thời gian đến chăm sóc người lớn tuổi.
Theo thống kê từ Cục Điều tra Dân số Mỹ, mỗi ngày lại có 10.000 người bước sang tuổi 65. Đến năm 2030, số người Mỹ trên 65 tuổi sẽ chiếm gần 20% tổng số dân.
“Thực tế cho thấy xã hội của chúng ta đang già đi nhanh chóng hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, chúng ta cần mọi giải pháp hỗ trợ”, Madeline Dangerfield-Cha – người đồng sáng lập công ty Mon Ami cung cấp bạn đồng hành cho người cao tuổi – nhận xét.