Hàng năm, hầu hết các doanh nghiệp tại Nhật Bản đều cho nhân viên nghỉ ít nhất 3 ngày đầu tiên của năm mới. Nhiều công ty còn đóng cửa lâu hơn, thậm chí nhiều nhân viên được nghỉ khoảng một tuần. Đối với nhiều người, những ngày nghỉ này là khoảng thời gian giúp họ nạp năng lượng trước khi quay trở lại với công việc. Tuy nhiên, với một số người khác, kỳ nghỉ kéo dài tạo cho họ cảm giác không muốn đi làm lại, họ đã đến Yasusaburo Takehara để tìm dịch vụ “xin nghỉ việc thuê”.
Takehara là luật sư của công ty luật Vogel có trụ sở tại Osaka. Công việc chính của anh là cung cấp “taishouku daiko” – dịch vụ "xin nghỉ việc thuê". Nếu khách hàng muốn nghỉ việc, Tekehara và các nhân viên của anh sẽ đứng ra giải quyết mọi thủ tục xin thôi việc và thông báo cho sếp của nhân viên đó rằng họ sẽ không quay lại làm việc sau kỳ nghỉ.
Năm 2020, người lao động Nhật Bản đã quay lại làm việc vào ngày 6/1, nhưng Takehara cho biết anh đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ khách hàng muốn gửi thông báo nghỉ việc cho sếp của họ. Trên thực tế, lượng khách hàng nhiều đến nỗi anh phải tuyển thêm nhân viên để đáp ứng được hết các yêu cầu.
Công ty luật Vogel tính phí 30.000 yên (khoảng 6,3 triệu đồng) cho mỗi dịch vụ xin nghỉ việc thuê. Theo đó, người lao động có thể thôi việc mà không phải trực tiếp đến gặp và xin phép sếp của mình. Họ có thể cắt đứt mối quan hệ với nơi làm việc mà không cần phải có một cuộc trao đổi đầy áp lực hay đối mặt với sự giận giữ của cấp trên.
Trong dịch vụ thông báo nghỉ việc hộ, công ty của Takehara đảm bảo người lao động sẽ nhận được các khoản lương và các khoản trợ cấp thôi việc hợp pháp mà họ có quyền được nhận. Dịch vụ cũng cho phép họ được sử dụng hoặc bồi thường bất kỳ thời gian nghỉ nào mà họ chưa dùng đến cùng nhiều quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
Theo trang Japan Today, chủ yếu khách hàng của Takehara là nhân viên văn phòng, nhưng gần đây anh cũng nhận được yêu cầu cung cấp dịch vụ từ nhiều người lao động trong các ngành như trợ lý chính trị gia, chuyên gia truyền thông giải trí, nữ tiếp viên, nhân viên mát xa, thậm chí là thành viên của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Một trong số những ngành nghề này đặc biệt cần người tư vấn và đại diện pháp lý. Takehara cho biết rất khó đòi lại khoản tiền lương cuối cùng chọ các nữ tiếp viên, còn việc làm của các nhân viên Lực lượng phòng vệ Nhật Bản lại bị chi phối bởi một bộ luật riêng biệt.
Nhưng dù bất kể bạn đang làm ngành nghề nào, đội ngũ của Takehara vẫn luôn sát cánh bên bạn. Trên trang web của mình, công ty luật Vogel cam kết chỉ 3 giờ sau khi khách hàng yêu cầu, nguyên vọng thôi việc sẽ được chuyển đến sếp của bạn.