Điểm cân bằng trong vấn đề Ukraine

Kết quả bỏ phiếu tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga của người dân Crimea (Crưm) dù chưa công bố, nhưng dư luận cơ bản cho rằng đa số sẽ đồng ý với việc “trở về mái nhà Nga”. Vậy tại sao trong những ngày qua, phương Tây vẫn không ngừng gây sức ép đối với Nga trong vấn đề Ukraine?

Hôm nay (16/3), người dân Crimea đã đi bỏ phiếu về việc tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga. Do chính quyền ở đây ủng hộ Nga, quân đội Nga hoàn toàn kiểm soát nơi này và đặc biệt là có gần 60% người dân Crimea gốc Nga, cho nên, việc Crimea “trở về mái nhà Nga” về cơ bản không còn là vấn đề cần phải nghi ngờ nữa.

Người dân bỏ phiếu tại địa điểm ở Simferopol ngày 16/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Chuyện đã được an bài, nhưng tại sao trước ngày Crimea trưng cầu dân ý, những chuyến ngoại giao con thoi liên tục diễn ra, những biện pháp chế tài về kinh tế, ngoại giao lại được cả Nga và Mỹ-Liên minh châu Âu (EU) đặt lên bàn cân và sẵn sàng cho việc thực thi?

Nhưng có lẽ sức nóng nhất là các cuộc tập trận quy mô lớn do Nga và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành sát biên giới Ukraine.

Tất cả đã khiến phần còn lại của thế giới có cảm giác mối đe dọa xung đột đang bao trùm bầu trời Ukraine. Tuy nhiên, phải thấy rằng không một cường quốc nào tỏ ra sẵn sàng đối đầu trực diện với Nga về vấn đề Crimea.

Thực tế từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II tới nay cũng cho thấy chiến tranh không phải là lựa chọn giữa các cường quốc hạt nhân. Ngay cả khi hưng thịnh, Mỹ cũng không bao giờ đối đầu trực diện với Liên Xô hay Trung Quốc.

Ngày nay, thế giới đã phát triển thành đa cực, một cuộc đối đầu trực diện giữa Mỹ và Nga càng khó xảy ra. Bên cạnh đó, trong nhiều vấn đề quốc tế như khủng hoảng Trung Đông, chương trình hạt nhân Iran, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố…, Mỹ rất cần tới sự hợp tác của Nga.

Hơn nữa, một cuộc đấu toàn diện giữa “đại bàng” Mỹ và “gấu” Nga chỉ có lợi để “rồng” Trung Quốc rút ngắn thời gian trỗi dậy, trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Liệu Mỹ có mong muốn điều đó xảy ra?

Nguy cơ xung đột càng thấp khi biết rằng giữa Nga và EU tồn tại liên kết chặt chẽ về kinh tế thương mại. Nga hiện là bạn hàng lớn thứ 3 của EU và khối này lại là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Đặc biệt, không ít quốc gia EU đang phải lệ thuộc cao độ vào nguồn dầu khí từ Nga, ví dụ như Đức, nước đầu tàu kinh tế của châu Âu, hàng năm nhập khẩu gần 40% khí đốt từ Nga.

Mỹ tuy biểu thị có thể tăng cường xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, nhưng dù Mỹ có làm thì cũng chỉ giúp làm dịu một phần căng thẳng năng lượng của EU. Trong bối cảnh như vậy, liệu EU có muốn chọc tức “gấu Nga”, ép “gấu Nga” và chân tường, buộc “gấu Nga” phải đóng lại chiếc van năng lượng.

Đối với Nga, bằng thực lực hiện nay, nhiều khả năng Moscow đặt mục đích chính vào việc bảo vệ lợi ích quan trọng từ việc giữ lấy cánh cửa đi ra Biển Đen của hải quân thông qua duy trì đóng quân ở Sevastopol trên bán đảo Crimea. Xuất phát từ những tính toán thiệt hơn, Nga sẽ không dại gì gây ra thách thức nghiêm trọng nêu trên đối với Mỹ-Âu.

Sau khi sáp nhập Crimea, nhiều khả năng Nga sẽ để cho đại bộ phận lãnh thổ Ukraine duy trì hiện trạng. Như vậy, cả Mỹ, EU và Nga ai cũng đạt được điều mong muốn, căng thẳng sẽ lắng dịu. Đây chính là điểm cân bằng trong khủng khoảng Ukraine và cũng là điểm tựa để các bên xuống thang.

Nhưng trước khi tìm đến điểm cân bằng, câu chuyện Crimea “trở về với mái nhà Nga” với phương thức như thế nào cũng sẽ trở thành tâm điểm quan tâm chú ý của dư luận trong thời gian tới.


Huyền Linh


Nga tái khẳng định trưng cầu ý dân ở Crimea là hợp pháp
Nga tái khẳng định trưng cầu ý dân ở Crimea là hợp pháp

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhắc lại với người đồng cấp Mỹ John Kerry rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là tuân thủ luật pháp quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN