Điểm lại cuộc khủng hoảng tại Ukraine

Làn sóng biểu tình dâng cao ở Ukraine đã dẫn tới sự ra đi của Tổng thống hợp pháp Viktor Yanukovych. Chính quyền lâm thời đã được lập ra nhưng gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Nga. Việc Nga cam kết mạnh mẽ bảo vệ lợi ích và công dân của mình tại bán đảo Crưm (Crimea) khiến cho Mỹ và phương Tây vô cùng lo ngại. Mỹ ngay lập tức đưa ra chỉ trích cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa nghiêm khắc. Dưới đây là một số diễn biến chính tình hình bất ổn tại Ukraine trong thời gian qua:

18/2: Bạo lực nổ ra khi 20.000 người biểu tình ủng hộ phe thân châu Âu tập trung ở Kiev để yêu cầu Tổng thống Viktor Yanukovych từ bỏ quyền lực.

- Những người biểu tình xung đột với cảnh sát chống bạo động tại Quảng trường Độc lập. Đây là nơi người biểu tình chiếm đóng suốt 3 tháng để phản đối quyết định của ông Yanukovych từ chối ký một thỏa thuận thương mại với EU, nhằm ủng hộ cho quan hệ thân thiết hơn với Nga.

20/2: Cảnh sát nổ súng. Con số chính thức về số người bị sát hại trong 3 ngày là 82 người, trong đó có 15 cảnh sát.

21/2: Tổng thống Yanukovych và phe biểu tình đạt thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng qua vai trò trung gian của EU. Theo đó, Hiến pháp năm 2014 sẽ được khôi phục trong vòng 48 giờ và một chính phủ liên kết sẽ được thành lập trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, thỏa thuận này nhanh chóng bị phá vỡ sau đó.

22/2: Quốc hội kết tội ông Yanukovych khi ông rời khỏi Kiev vì lý do bị “đảo chính”.

- Bầu cử Tổng thống được ấn định vào ngày 25/5.

- Lãnh đạo phe đối lập Yulia Tymoshenko, người bị kết án 7 năm tù giam vào năm 2011 do lạm quyền, được phóng thích.

Lực lượng vũ trang dưới sự yểm trợ của xe bọc thép phong tỏa căn cứ của lực lượng phòng vệ bờ biển Ukraine, gần thủ phủ Simferopol thuộc bán đảo Crưm ngày 2/3. Ảnh: AFP/TTXVN


23/2: Quốc hội bỏ phiếu chọn người đồng minh với bà Tymoshenko là Oleksandr Turchynov (Alexander Turchinov) làm Tổng thống lâm thời.

26/2: Nga thể hiện sự nghi vấn về tính hợp pháp của ban lãnh đạo mới ở Ukraine, đặt lực lượng quân sự trong khu vực ở mức báo động cao.

- Xung đột xảy ra giữa những người biểu tình ủng hộ Nga với những người ủng hộ chính quyền Ukraine lâm thời tại Simferopol, thủ phủ của Crưm, nơi đa phần là người Nga đang sinh sống.

27/2: Những tay súng chưa rõ thuộc lực lượng chính quy nào chiếm các tòa nhà quốc hội và chính phủ tại Simferopol, giương cao cờ Nga.

- Quốc hội Ukraine bổ nhiệm đồng minh của bà Tymoshenko là ông Arseniy Yatsenyuk làm thủ tướng để thành lập nội các tạm quyền.

28/2. Chính quyền tại Ukraine cho biết đã tái kiểm soát 2 sân bay tại Crưm, mà họ cho rằng trước đó đã bị chiếm giữ bởi lực lượng Nga.

-    Ông Yanukovych tái xuất hiện trong một cuộc họp báo ở Nga, khẳng định vẫn là tổng thống hợp pháp của Ukraine.

1/3: Quốc hội Nga cho phép Tổng thống Putin triển khai quân tới Ukraine trong trường hợp cần thiết. Quân đội Ukraine tuyên bố tình trạng báo động.

- Chính quyền Crưm tuyên bố sẽ trưng cầu ý dân về việc mở rộng quyền tự trị.

- Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Tổng thống Nga Putin đã vi phạm luật quốc tế và cảnh báo sẽ trả đũa. Ông Putin cương quyết khẳng định Nga có quyền “bảo vệ lợi ích và cộng đồng người nói tiếng Nga”.

2/3: Ông Yatsenyuk buộc tội Nga tuyên bố chiến tranh.

- Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đe dọa tẩy chay Nga khỏi nhóm G-8.

- Mỹ nói rằng lực lượng Nga đã “kiểm soát hoàn toàn bán đảo Crưm”.

- Tư lệnh hải quân Ukraine chuyển sang ủng hộ chính quyền Crưm, sau một ngày sau khi ông được bổ nhiệm.

3/3: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích những lời đe dọa về “lệnh cấm vận và tẩy chay”, rằng cảnh cáo của ông Kerry là “không thể chấp nhận”.

- Ukraine buộc tội Nga đổ thêm quân vào Crưm.

- Lầu năm góc cho biết Mỹ sẽ tạm dừng hợp tác quân sự với Nga. Phụ tá của ông Putin cho biết hệ thống tài chính Mỹ đối mặt với nguy cơ “đổ vỡ” nếu Washington đồng ý lệnh cấm vận với Moscow.

4/3: Ông Putin bác bỏ tin lực lượng Nga đang mở chiến dịch tại Crưm, nhưng cảnh báo rằng Nga có thể gửi quân để bảo vệ công dân của mình. Ông cho biết chỉ có “lực lượng phòng vệ địa phương” đang bao vây các căn cứ quân sự Ukraine ở khu vực.

- Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho biết sẽ ngừng bán khí đốt giá rẻ cho Ukraine từ tháng 4 tới, nhưng đưa ra đề nghị khoản cho vay tới 3 tỷ USD (2,2 tỷ euro) để trả nợ.

- Ông Kerry bay tới Kiev để đàm phán với chính phủ lâm thời Ukraine. Mỹ chuẩn bị khoản vay 1 tỷ USD dành cho Ukraine.


Đức Trung
(Theo AFP)

Khủng hoảng Ukraine: Mỹ là ‘con hổ giấy’?
Khủng hoảng Ukraine: Mỹ là ‘con hổ giấy’?

Những gì đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine cho thấy, Mỹ và phương Tây dường như đã đánh giá quá thấp sự quả quyết tiềm ẩn trong con người của Tổng thống Nga Vladimir Putin đầy quyền lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN