Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 28/11 cho biết cái gọi là “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ với Trung Quốc đã kết thúc, đồng thời cho rằng thách thức mang tính hệ thống của Bắc Kinh đối với các lợi ích và giá trị của Anh ngày càng gay gắt hơn.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại quan trọng đầu tiên của mình, ông Sunak cho biết cách tiếp cận của Anh đối với Trung Quốc cần phải phát triển và Bắc Kinh đang "cạnh tranh để giành ảnh hưởng toàn cầu thông qua sử dụng tất cả các đòn bẩy của quyền lực nhà nước".
Ông Sunak đã sử dụng ngôn từ cứng rắn để chỉ trích cách tiếp cận của các Chính phủ Anh trước đây đối với Trung Quốc, nói rằng ông sẽ bác bỏ “chủ nghĩa ngắn hạn hoặc suy nghĩ viển vông”.
"Cái gọi là 'kỷ nguyên vàng' đã qua, cùng với ý tưởng ngây thơ rằng thương mại sẽ dẫn đến cải cách xã hội và chính trị", ông Sunak nói tại khu tài chính của London. Mối quan hệ của Anh với Trung Quốc trở nên nồng ấm hơn nhiều trong nhiệm kỳ của Thủ tướng David Cameron, với việc London đặt ra cụm từ "kỷ nguyên vàng" và khuyến khích thương mại và đầu tư song phương.
Mặc dù vậy, ông Sunak không gọi Trung Quốc là "mối đe dọa", thừa nhận các nước phương Tây không thể bỏ qua ảnh hưởng của nước này đối với các vấn đề thế giới và khả năng giúp giải quyết những thách thức chung như ổn định kinh tế và biến đổi khí hậu.
"Tất nhiên, chúng ta không thể bỏ qua tầm quan trọng của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới - đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu hoặc các vấn đề như biến đổi khí hậu. Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản và nhiều nước khác cũng hiểu điều này", nhà lãnh đạo Anh lưu ý.
Ông Sunak lập luận rằng các quốc gia như Nga và Trung Quốc có kế hoạch dài hạn và Anh cũng cần phải làm điều tương tự khi tìm cách đưa ra tầm nhìn của mình về vị thế của London trên trường toàn cầu.
Thủ tướng Sunak, người đã gặp gỡ các đối tác quốc tế bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong tháng đầu tiên nhậm chức cũng như công du Ukraine, thường bị người trong nước coi là "thiếu tầm nhìn về chính sách đối ngoại".
Một số người trong Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Sunak đã chỉ trích ông "ít diều hâu" hơn đối với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Liz Truss. Năm ngoái, khi còn là Bộ trưởng tài chính, ông Sunak đã kêu gọi một chiến lược cân bằng các mối quan tâm về nhân quyền trong khi mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc gặp dự kiến giữa ông Sunak và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng này ở Bali đã thất bại và tuần trước, London đã cấm các camera an ninh do Trung Quốc sản xuất tại các tòa nhà chính phủ nhạy cảm.
Về Ukraine, ông Sunak cho biết London sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev vào năm tới, duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ như các cựu thủ tướng Boris Johnson và Liz Truss.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine trong thời gian dài nhất có thể. Chúng tôi sẽ duy trì hoặc tăng viện trợ quân sự vào năm tới. Và chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ mới cho lực lượng phòng không", ông Sunak nói.
Vào tháng 9, Anh cho biết họ là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, cung cấp khoản viện trợ 2,3 tỷ bảng Anh (2,8 tỷ USD) trong năm nay.
Theo tờ The Guardian (Anh), Chính phủ Anh hiện đang sửa đổi bản đánh giá tích hợp về chính sách đối ngoại và an ninh năm 2021 để cập nhật những thay đổi địa chính trị kể từ lần đầu tiên được xuất bản. Tài liệu này sẽ đề cập đến tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ bền chặt ở châu Âu sau khi Anh rời khỏi EU.
Tài liệu cũng sẽ đề cập về việc tăng cường quan hệ đối tác ở các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và chuẩn bị cho sự cạnh tranh ngày càng gay gắt do hành động của các nước như Nga, Trung Quốc và Iran.