Ngày 6/12, Tổng thống Trump đã tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đồng thời cho biết Mỹ sẽ chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem. Trước đó, không có bất cứ quốc gia nào đặt đại sứ quán tại thành phố Jerusalem, nơi cả Israel và Palestine đều nhận là thủ đô.
Cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 21/12. Ảnh: AP |
Trước khi cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra, Tổng thống Trump đã nói rõ với các phóng viên: “Họ nhận hàng trăm triệu và thậm chí hàng tỉ USD rồi bỏ phiếu chống lại chúng ta. Vậy thì chúng ta sẽ theo dõi những lá phiếu đó”.
Trong ngày 21/12, có 35 quốc gia đã bỏ phiếu trắng, bao gồm Canada, Mexico, Rwanda và Uganda. Trong khi đó, Guatemala, Honduras, quần đảo Marshall, Micronesia, Nauru, Palau và Togo cùng đồng lòng với Mỹ và Israel bỏ phiếu chống. Có 21 quốc gia không tham gia bỏ phiếu.
Giáo sư lịch sử Juan Cole tại Đại học Michigan đã đặt câu hỏi liệu lời cảnh cáo từ Tổng thống Trump có thực sự tác động. “Mỹ không viện trợ quá nhiều tiền do vậy không thể trách móc những quốc gia khác”, ông Cole nhận định. Ngoài ra, trong trường hợp Mỹ cắt bỏ viện trợ nước ngoài, ông Cole cho rằng điều này sẽ tạo cơ hội để Trung Quốc và Nga ra mặt.
Trong năm 2016, Mỹ vẫn giữ vai trò “nhà tài trợ” lớn nhất đối với Liên hợp quốc, đóng góp hơn 10 tỉ USD. |
Kênh CNN (Mỹ) đánh giá một trong những quốc gia “dễ tổn thương” nhất trước áp lực tài chính của Mỹ đã bỏ phiếu chống vào ngày 21/12 và đó là Israel. Theo cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID), Năm 2016, Israel nhận 3,1 tỉ USD tài trợ quân sự từ Washington. Israel chỉ đứng sau Afghanistan và Iraq trong danh sách những quốc gia nhận tiền từ Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD).
Mỹ dự kiến trong năm 2018 viện trợ cho Israel 3,1 tỉ USD, đây sẽ là quốc gia đứng đầu trong danh sách, tiếp đó là Ai Cập (1, tỉ USD) và Jordan (1 tỉ USD).
Về phần Ai Cập, quốc gia này vốn đứng thứ 4 về khoản viện trợ quân sự từ Mỹ. Nguồn ngân sách Mỹ “rót” vào Ai Cập đã tăng đáng kể sau khi Cairo ký hiệp ước hòa bình với Israel năm 1979. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại Anh cho biết số tiền viện trợ từ Mỹ chiếm khoảng 20-25% tổng ngân sách quốc phòng Ai Cập trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, chính Ai Cập đã thúc giục Liên hợp quốc chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump. Và đến ngày 21/12, Ai Cập nằm trong số 128 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ.
Kể cả khi Ai Cập đi ngược lại mong muốn của Mỹ, việc cắt viện trợ là khó xảy ra. Ai Cập vẫn luôn giữ vai trò trọng yếu về an ninh trong khu vực đối với Mỹ. Ngoài ra, Ai Cập còn sử dụng tiền viện trợ của Mỹ để mua vũ khí của quốc gia này do vậy việc cắt viện trợ sẽ chỉ gây tổn hại tới các tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ.
CNN cho rằng những chương trình viện trợ cho nước ngoài dễ trở thành mục tiêu bị Tổng thống Trump cắt giảm, bất chấp việc này có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp và công dân Mỹ phụ thuộc vào các dự án này. Trong tháng 3, chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đã công bố kế hoạch giảm 28% viện trợ nước ngoài trong năm 2018.
Tổng thống Trump nhiều lần nghi ngờ về việc viện trợ nước ngoài và khẳng định rằng Mỹ đang bị lợi dụng. Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đề xuất cắt giảm viện trợ nước ngoài vốn chiếm 43 tỉ USD- tương đương 1-2% ngân sách liên bang Mỹ.
Theo Al Jazeera, trong năm 2015, viện trợ của Mỹ cho nước ngoài là vào khoảng 58,6 tỉ USD, tương đương 1,3% ngân sách quốc gia. Gần một nửa trong số này được dành cho các chương trình phát triển kinh tế song phương, 16% đưa về chương trình nhân đạo và 6% nhằm hỗ trợ các cơ quan đa phương.
Trong 10 quốc gia được USAID hỗ trợ kinh phí nhiều nhất trong năm 2016, phần lớn nằm tại châu Phi như Ethiopia, Nam Sudan, Kenya, Nigeria và Cộng hòa Congo. Nhưng không giống như các quốc gia Trung Đông, những quốc gia châu Phi này dường như ít lên tiếng ủng hộ Palestine. Đơn cử là Nam Sudan đã bỏ phiếu trắng vào ngày 21/12.