Theo kênh CNBC, Israel, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đứng đầu danh sách số liều vaccine COVID-19 đã tiêm/100 dân hồi đầu năm.
Sáu tháng sau, cả ba quốc gia này vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, nhưng biểu đồ dịch bệnh cho thấy xu hướng ca nhiễm COVID-19 khác biệt nhau rõ rệt.
Tính tới 29/6, 57,8% dân số Bahrain đã được tiêm đầy đủ vaccine, 59,7% dân số Israel đã nhận đủ hai mũi vaccine. Còn tại UAE, theo số liệu cập nhật lần cuối ngày 20/4, tỷ lệ này là ,8%.
Israel: Ca mắc mới do biến thể Delta tăng vọt, ít ca bệnh nặng
Số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Israel giảm khi chương trình tiêm chủng tăng tốc. Số liệu cho thấy số ca lây nhiễm phần lớn ở mức hai con số trong hơn một tháng suốt từ cuối tháng 4. Tuy nhiên, tới cuối tháng 6, số ca mắc lại trỗi dậy, tăng vọt.
Dù số ca mắc mới chỉ bằng một phần nhỏ so với hồi đỉnh dịch nhưng đã tăng nhanh trong những ngày gần đây.
Biến thể Delta dễ lây lan hơn là thủ phạm gây ra khoảng một nửa số ca mắc mới tại Israel.
Ông Nadav Davidovitch, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Y tế Công cộng Israel, cho biết dù mô hình dự báo lây lan diện rộng nhưng sẽ chỉ có vài trăm ca nghiêm trọng, khác với hồi làn sóng thứ ba vào cuối năm 2020.
UAE: Ca mắc mới vẫn cao dù tiêm chủng nhiều
UAE xếp số 1 về tổng số liều vaccine/100 dân. Tuy nhiên, số ca mắc mới ở nước này vẫn trên mức 2.000 ca/ngày, cao hơn mức trung bình 1.200 ca/ngày trong quý 4/2020.
Số ca mắc mới ở UAE hiện nay chỉ thấp hơn so với mức kỷ lục hồi tháng 1.
Hồi tháng 5, Cơ quan Quản lý Thảm họa và Khủng hoảng Khẩn cấp Quốc gia UAE thông báo sẽ tiêm liều thứ ba bằng vaccine Sinopharm hoặc mũi tăng cường bằng vaccine Pfizer.
Bahrain: Số ca mắc mới giảm mạnh
Ca mắc mới ở Bahrain đạt mức kỷ lục hồi cuối tháng 5 cho dù chương trình tiêm chủng diễn ra tích cực. Ngày 29/5, số ca mắc ở Bahrain là 3.273.
Tại thời điểm đó, trên 911.000 người ở Bahrain đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Dân số Bahrain là 1,76 triệu người.
Từ đó tới nay, số ca mắc mới đã giảm xuống còn vài trăm ca.
Bahrain cũng tiêm liều thứ ba vaccine Sinpharm cho người dân hoặc tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của Pfizer cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Tử vong do COVID-19
Số ca mắc không phải là chỉ số duy nhất thể hiện diễn biến COVID-19 ở một quốc gia và tiêm chủng không phải là nhân tố duy nhất gây tác động tới ca tử vong.
Ngoài tiêm chủng, cơ cấu dân số và các biện pháp phòng chống COVID-19 cũng đóng vai trò trong quyết định mức độ nghiêm trọng của ca bệnh và tốc độ lây lan virus.
Số ca tử vong vì COVID-19 ở Israel và UAE đã giảm và ở mức thấp, trong khi số ca tử vong mới hàng ngày/1 triệu dân ở Bahrain lại lên tới 17 trong tháng 6.
Ông Paul Tambyah, Chủ tịch Hội Vi trùng học Lâm sàng và Lây nhiễm châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng đợt bùng phát dịch bệnh ở Trung Đông không đáng lo. Ông nói: “Chúng ta không nên quá lo lắng. Đa số, hoặc ít nhất là tỷ lệ lớn số ca mắc, đều thuộc nhóm chưa tiêm vaccine. Lo ngại chủ yếu là chúng ta không thể thoát khỏi dịch bệnh mà không tiêm chủng cho tỷ lệ lớn dân số”.
Ngày 9/6, Bộ Y tế Bahrain cho biết tỷ lệ người đã tiêm vaccine mà mắc COVID-19 là rất thấp, từ 1-2%.
Trái lại, tại Israel, 40-50% bệnh nhân COVID-19 mới đã tiêm vaccine.
Ông Davidovitch cho rằng cần tiêm chủng với tỷ lệ cao hơn để giảm tốc độ của biến thể dễ lây lan. Nghiên cứu cho thấy vaccine Pfizer hiệu quả 88% trong ngăn chặn ca bệnh có triệu chứng mắc biến thể Delta.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ tiêm chủng cao không có nghĩa là loại bỏ được các chùm ca bệnh trong tương lai. Ông Tambyah nói: “Chừng nào virus còn xuất hiện trên toàn cầu và biên giới còn mở, sẽ có các đợt bùng phát lẻ tẻ trong nhóm người đã tiêm chủng. Ổ dịch cục bộ trong nhóm trẻ em chưa tiêm chủng có thể sẽ xảy ra.