Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 4.335.788 ca, trong đó có 292.292 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.581.171 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 46.358 và 2.462.325 ca đang điều trị tích cực.
Nhìn chung, xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2.
Trong vòng 24 giờ tính tới sáng 13/5 theo giờ Việt Nam, có 4 quốc gia ghi nhận số ca tử vong ở mức trên 300 người/ngày, gồm: Mỹ, Anh, Brazil và Pháp. Nga và Mỹ là hai nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới trong 1 ngày qua.
Dịch diễn biến phức tạp tại Mỹ và Anh. Sau mấy ngày im ắng, số ca tử vong và mắc bệnh mới lại đột ngột tăng cao trở lại ở hai nước này. Nguy cơ bùng phát làn song lây nhiễm thứ hai là không thể loại trừ.
Brazil có nguy cơ trở thành tâm dịch mới khi quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục – 775 ca.
Tính trong 1 ngày qua, Brazil có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ, đồng thời cũng ghi nhận 8.446 ca dương tính, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 177.589 ca. Tổng số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 ở Brazil hiện là 12.400.
Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes trước đó cảnh báo trong vòng một tháng nước này có thể đối mặt với nguy cơ "sụp đổ kinh tế", do các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh, dẫn tới tình trạng thiếu thực phẩm và bất ổn xã hội.
Brazil hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Bộ trưởng Guedes cho rằng nước này có thể bắt đầu thiếu hàng hóa, mất kiểm soát sản xuất, dẫn tới sụp đổ hệ thống kinh tế.
Mỹ tiếp tục là ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới. Trong vòng 1 ngày qua, "xứ sở cờ hoa" ghi nhận 1.507 ca tử vong và 21.529 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số trường hợp thiệt mạng và mắc bệnh COVID-19 tại nước này lên lần lượt 83.302 và 1.407.363 ca.
Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) nhận định rằng số ca tử vong thực tế do mắc COVID-19 tại "tâm dịch" là thành phố New York cao hơn tới 5.300 ca so với thống kê chính thức.
Trong khoảng thời gian từ ngày 11/3-2/5, số ca tử vong ở thành phố New York tăng thêm 24.000 người so với mức tử vong trung bình ở đây trong cùng một khoảng thời gian. Theo các chuyên gia, số ca tử vong do COVID-19 có thể chưa được thống kê đầy đủ bởi có những người tử vong tại nhà và không được cơ quan y tế xét nghiệm xem mắc bệnh gì.
Sở Y tế New York cho biết thêm họ đang điều trị và tìm kiếm nguyên nhân khiến khoảng 100 trẻ em của bang miền Đông nước Mỹ này mắc một hội chứng viêm hiếm gặp, nhưng khá nguy hiểm được cho là có liên quan tới virus SARS-CoV-2.
Ngày 12/5, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã đề xuất một dự luật giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 trị giá hơn 3.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ các tiểu bang, doanh nghiệp, hỗ trợ thực phẩm, hộ gia đình. Dự luật còn phải vượt qua "ải" Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Dự luật đề xuất gần 1.000 tỷ USD hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Dự luật cũng đề xuất 75 tỷ USD để phục vụ hoạt động xét nghiệm, thanh toán trực tiếp lên tới 6.000 USD cho mỗi hộ gia đình ở Mỹ; 10 tỷ USD trợ cấp khẩn cấp cho doanh nghiệp nhỏ và 25 tỷ USD cho cơ quan Dịch vụ Bưu chính.
Dự luật cũng mở rộng thanh toán thất nghiệp liên bang đến tháng 1 tới.
Tại Pháp, tính đến sáng 13/5 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong do mắc bệnh COVID-19 là 26.991 người, tăng 348 ca trong 24 giờ qua. Hiện Pháp còn 21.595 bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện (giảm 9 ca so với hôm trước), trong đó 2.542 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 170 ca). Bên cạnh đó, 57.785 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Trong phiên điều trần trước Hạ viện chiều 12/5, ông Jean Castex, tác giả kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc, đã cảnh báo rằng chính phủ đã chuẩn bị cho khả năng phải thiết lập lại phong tỏa. Ông nhấn mạnh rằng nếu các chỉ số xấu đi, chính phủ sẽ không đợi đến ngày 2/6 - ngày bắt đầu giai đoạn 2 của kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa - mới phản ứng. Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa mới có thể chỉ áp dụng với các địa phương ghi nhận số lượng mắc bệnh cao bất thường.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết ít nhất 5.000 công dân Pháp đang mắc kẹt tại Maroc và 5.000 người khác tại Tunisia từ giữa tháng 3. Cho đến nay, chưa một chuyến bay thương mại nào được lên kế hoạch, vì biên giới ngoài khu vực Schengen tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 12/5 công bố nước này ghi nhận 1.402 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 221.216 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy tăng lên 30.911 trường hợp (tăng 172 ca) và số ca hồi phục là 109.039 (tăng 2.452 ca).
Cơ quan trên cũng cho biết Italy hiện có 12.865 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 952 ca, giảm 47 trường hợp.
Chính phủ Italy cho biết sẽ trao cho chính quyền các địa phương quyền quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan.
Tây Ban Nha thông báo sẽ hạn chế số người đến từ các nước Schengen (Khu vực đi lại tự do trong Liên minh châu Âu), đồng thời áp đặt cách ly 14 ngày đối với tất cả những người đến nước này nhằm tránh khả năng lây nhiễm mới virus SARS-CoV-2 từ những người nhập cảnh.
Theo thông báo của chính phủ, cả hai biện pháp trên đều có hiệu lực kể từ ngày 15/5 và sẽ được duy trì cho tới ngày 24/5, thời điểm hết hạn tình trạng khẩn cấp hết hạn hoặc lâu hơn. Theo lệnh trên, du khách đã tới Tây Ban Nha sẽ phải tiếp tục "ở trong nhà" và chỉ được ra ngoài để mua sắm nhu yếu phẩm, tới các trung tâm y tế hoặc "trong trường hợp cần thiết". Việc cách ly sẽ áp dụng bắt buộc đối với tất cả du khách đến Tây Ban Nha trong khoảng thời gian 10 ngày khi tình trạng khẩn cấp tại nước này dự kiến hết hiệu lực.
Theo số liệu của trang worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 13/5, quốc gia nằm trên bán đảo Iberia này đã ghi nhận tổng cộng 269.520 ca mắc bệnh (tăng 1.377 so với 1 ngày trước) và 26.920 ca tử vong (tăng 176 ca so với 1 ngày trước).
Anh đang chứng kiến dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Sau một vài ngày dịch có xu thế hạ nhiệt, trong vòng 24 giờ qua, nước này bất ngờ ghi nhận số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 tăng mạnh trở lại.
Theo số liệu của AFP, trong vòng 1 ngày qua, "xứ sở sương mù" ghi nhận 627 ca tử vong và 3.403 ca mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong và mắc bệnh ở Anh lên lần lượt 32.692 và 226.463 ca.
Như vậy, Anh hiện đứng thứ hai thế giới về tổng số ca tử vong vì đại dịch COVID-19, chỉ sau Mỹ.
Tại Nga, theo số liệu thống kê của Reuters, nước này đã trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha, về số ca mắc COVID-19, với 232.243 ca, tăng 10.899 ca trong vòng 24 giờ qua. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, ngày 12/5 xác nhận đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và phải nhập viện để điều trị.
Mặc dù vậy, giới chức nước này cho biết số ca nhiễm mới cao - trung bình hơn 10.000 ca/ngày, cho thấy chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn, với khoảng 5,8 triệu người được xét nghiệm tính đến nay. Trong khi số ca tử vong khá thấp, với chỉ 2.116 trường hợp, tăng 107 ca so với một ngày trước đó.
Moskva và khu vực lân cận vẫn là điểm nóng, khi chiếm tới hơn một nửa số ca nhiễm của cả nước. Các cơ quan chức năng nhận định Nga đã có thể rút kinh nghiệm từ các nước châu Âu, khi nhanh chóng cách ly những người nhập cảnh và có nguy cơ mắc bệnh, chuyển tới bệnh viện và xét nghiệm ngay những đối tượng nghi ngờ nhiễm.
Trong khi đó, các số liệu công bố tại Đức cho thấy dịch COVID-19 đang lây lan nhanh trở lại, buộc Thủ tướng Angela Merkel phải lên tiếng kêu gọi người dân tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.
Bà Merkel cảnh báo cần duy trì các biện pháp phòng dịch cơ bản như giữ khoảng cách và sử dụng khăn che mũi, miệng. Tính đến thời điểm hiện tại, Đức có 172.576 ca nhiễm, trong đó có 7.661 ca tử vong.
Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh, thông báo không ghi nhận thêm ca lây nhiễm mới nào trong nước. Ca mới duy nhất trong ngày là 1 ca “nhập khẩu” tại Khu tự trị Nội Mông. Tới nay, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 82.919 ca bệnh và 4.633 người tử vong vì COVID-19.
Hãng tin Pháp AFP dẫn truyền thông Trung Quốc cho biết chính quyền thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc đã lên kế hoạch xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho toàn bộ người dân sau khi xuất hiện những ca mới sau nhiều tuần dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Theo đó, chính quyền Vũ Hán đã yêu cầu các quận lập kế hoạch và tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ người dân thuộc địa bàn mình trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời điểm bắt đầu xét nghiệm.
Hàn Quốc thông báo tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng ở mức hai con số từ ổ dịch mới Itaewon. Với 27 ca nhiễm mới được phát hiện, tổng số ca tại Hàn Quốc đã tăng lên 10.936 ca. Số bệnh nhân được điều trị khỏi tăng thêm người, nâng tổng số lên 9.670 người, chiếm 88,4%. Số ca tử vong tăng 2 ca lên 258 người.
Kế hoạch trở lại trường vào ngày 13/5 của học sinh Hàn Quốc khối 12 đã bị hoãn lại sau khi xuất hiện ổ dịch tại Itaewon hồi đầu tháng.
Theo lịch trình mới, học sinh lớp 12 dự kiến sẽ trở lại trường từ ngày 20/5; học sinh lớp 1, 2, 9, 11 ngày 27/5; học sinh lớp 3, 4, 8 và 10 ngày 3/6; học sinh lớp 5, 6, 7 sẽ trở lại trường vào ngày 8/6.
Giới chức Iran cho biết, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.481 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 110.767 người, trong đó 6.733 ca tử vong, tăng 48 ca. Số bệnh nhân bình phục ở quốc gia Trung Đông này hiện là 88.357 người, trong khi có 2.713 bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Iran tuyên bố sẽ mở cửa các thánh đường của nước này trong 3 đêm vào tuần tới nhằm phục vụ các tín đồ đến hành lễ trong tháng thánh lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo. Động thái trên chủ yếu tạo điều kiện cho các tín đồ hành lễ trong Laylat al-Qadr (Đêm Quyền lực), một điểm nhấn chính của tháng Ramadan.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Saeed Namaki tỏ ra thận trọng khi phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước: "Thật sai lầm khi nghĩ rằng dịch bệnh đã chấm dứt. Nếu chúng ta lơ là, bất cẩn, dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào". Ông Namaki nhấn mạnh mọi hoạt động tập trung đông người cần triệt để tuân thủ các quy định về vệ sinh ở mức tối đa.
Tại Ấn Độ, theo số liệu của trang worldometers.info, đến 6 giờ sáng 13/5, quốc gia Nam Á này đã ghi nhận 73.981 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, với 2.408 người tử vong (tăng 121 ca so với một ngày trước).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 12/5 đã công bố gói kích thích trị giá 20 nghìn tỷ rupi (khoảng 275 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế chống chọi tác động của đại dịch COVID-19 cũng như từ biện pháp phong tỏa toàn quốc kéo dài suốt 50 ngày qua.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng thông báo sẽ tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi giai đoạn phong tỏa hiện nay kết thúc vào ngày 18/5 tới. Theo Thủ tướng Modi, giai đoạn phong tỏa lần 4 sẽ áp dụng những hướng dẫn và quy định mới và những quy tắc này sẽ được ban hành trước ngày 18/5.
Tới sáng 13/5, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 61.300 ca mắc bệnh COVID-19 và trên 1.950 người tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực vẫn chỉ có hai nước Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì bệnh dịch, trong đó số người thiệt mạng tại Indonesia đã vượt quá 1.000 ca.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 61.303 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.650 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.951 người dân ở khu vực này, tăng 41 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng ghi nhận số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 17.656 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Singapore là quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 884 ca; Philippines ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 25 trường hợp.
Ngày 12/5, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này ghi nhận tổng cộng 11.350 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, sau khi phát hiện 698 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Đây cũng là ngày có ca nhiễm cao nhất kể từ khi quốc gia này thông báo ca nhiễm đầu tiên hôm 5/3.
Theo Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize, tỉnh Western Cape, nơi có thành phố Cape Town mang tính biểu tượng của du lịch toàn cầu, hiện là ổ dịch lớn nhất tại Nam Phi với 6.105 ca mắc COVID-19, chiếm 53,8% tổng số ca trên cả nước. Đứng thứ hai là tỉnh Gauteng, nơi đặt thủ đô hành chính Pretoria và thủ phủ kinh tế Johannesburg, với 2.014 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, chiếm 17,7% tổng số ca.
Đến thời điểm hiện tại, Nam Phi ghi nhận 206 ca tử vong do COVID-19, nhưng 4.357 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Nam Phi đã khỏi bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/5 cho rằng một số phương pháp điều trị dường như đang giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng hay thời gian nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hiện tổ chức này đang nghiên cứu sâu thêm 4-5 phương pháp có kết quả khả quan nhất.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, người phát ngôn của WHO Margaret Harris khẳng định đã có một số phương pháp điều trị COVID-19 ở giai đoạn đầu nghiên cứu có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng hoặc thời gian nhiễm bệnh song cho đến nay vẫn chưa tìm ra cách thức có thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
Hiện WHO vẫn cần nghiên cứu thêm để có thể khẳng định phương pháp điều trị nào ưu việt nhất. Cũng theo bà Harris, virus SARS-CoV-2 rất "biến đổi", do đó rất khó có thể sản xuất vaccine phòng loại virus này.