Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 3.302.128, trong đó có 233.745 người tử vong.
Với việc có thêm Tajikistan và Comoros công bố các ca mắc COVID-19 đầu tiên, dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.0.160 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, trong khi còn 50.962 người trong tình trạng nguy kịch và 2.030.223 đang phải điều trị tích cực.
Trong vòng 1 ngày qua, Mỹ và Anh là hai quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì COVID-19 nhất thế giới. Trong khi tình hình dịch tại các nước khác như Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Anh hay Đức dường như đã qua đỉnh dịch và đang có xu hướng giảm đều, thì Mỹ liên tục chứng kiến số ca dương tính và tử vong vì virus SARS-CoV-2 ở mức rất cao.
Cụ thể, Mỹ ghi nhận 2.146 người tử vong và 29.530 ca mắc bệnh trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp tử vong và mắc bệnh dịch COVID-19 tại nước này lên lần lượt 63.801 và 1.093.724 ca.
Bang New York vẫn là tâm dịch của Mỹ, song các số liệu mới nhất cho thấy số ca mắc bệnh mới và tử vong đang có chiều hướng chững lại. New York đã ghi nhận 306 ca tử vong trong ngày - mức thấp nhất tại bang này trong vòng 1 tháng qua, trong khi số bệnh nhân nhập viện cũng tiếp tục giảm xuống sau khi tăng nhẹ vào hôm trước đó. Tổng số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện ở New York hiện ở mức dưới 12.000 người, giảm khoảng 40% so với khoảng 19.000 bệnh nhân hồi giữa tháng 4.
Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo ngày 30/4 cho biết bang này ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 thấp nhất trong 1 tháng. Chính quyền đã quyết định toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm của thành phố New York phải được khử trùng mỗi 24 giờ sau khi hoạt động nhằm kiểm soát tình trạng lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo quy định trên, kể từ ngày 6/5, hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố New York sẽ ngừng phục vụ vào ban đêm (từ 1h-5h sáng) để đảm bảo thực hiện công tác khử trùng.
Thống đốc Cuomo cho biết thêm bang New York trong thời gian tới sẽ cần một “đội quân” khoảng 6.400 -17.000 người để tham gia công tác truy xuất lịch sử tiếp xúc của những người đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 nhằm hạn chế các đợt bùng phát dịch bệnh mới.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính quyền liên bang sẽ không gia hạn các hướng dẫn về giãn cách xã hội sau khi các quy định này hết hạn vào ngày 30/4/2020, bất chấp việc một số chuyên gia cảnh báo giãn cách xã hội trên diện rộng vẫn là biện pháp có hiệu quả để chòng chống dịch COVID-19 cho đến khi có vaccine.
Trong một tuyên bố ngày 29/4, ông Trump bày tỏ mong muốn mở cửa lại toàn bộ kinh tế nước này dù có hay không có vắc-xin. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ phải đợi cho đến khi virus corona chủng mới này biến mất và ông tin tưởng điều đó sẽ xảy ra.
Vương quốc Anh sau một thời gian ngắn duy trì số ca tử vong thấp, ngày 30/4, đã ghi nhận 674 trường hợp tử vong, nhiều thứ 2 thế giới trong vòng 1 ngày qua. Tới 6 giờ sáng 1/5, Anh đã có tổng cộng 26.771 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 và 171.253 ca mắc COVID-19, tăng 6.032 trường hợp so với một ngày trước đó. Như vậy, số người thiệt mạng vì dịch COVID-19 ở "xứ sở sương mù" hiện nhiều thứ hai châu Âu, chỉ sau Italy.
Tuy nhiên, Thủ tướng Boris Johnson cho rằng nước Anh đã “đi qua đỉnh” dịch COVID-19. Xuất hiện lần đầu tiên tại cuộc họp báo thường nhật của Chính phủ Anh sau thời gian cách ly điều trị bệnh COVID-19, ông Johnson nói: "Chúng ta đã đi qua đỉnh của dịch bệnh này… và chúng ta xuống sườn dốc bên kia… Điều sống còn là chúng ta giờ đây không được mất quyền kiểm soát và va vào ngọn núi thứ hai và thậm chí còn lớn hơn”.
Cũng theo Thủ tướng Johnson, người đang chịu sức ép ngày càng tăng của việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa xã hội được áp đặt cuối tháng 3 vừa qua, lộ trình sẽ được công bố vào tuần tới về kế hoạch của Chính phủ Anh nhằm nới lỏng các hạn chế sau khi xuất hiện các quan ngại về những tác động kinh tế từ các biện pháp giãn cách xã hội.
Cố vấn khoa học trưởng của Chính phủ Anh, ông Patrick Vallance, cho hay tỷ lệ lây nhiễm ở nước này hiện ở dưới mức 1, với số lượng bệnh nhân phải nhập viện và thuộc diện điều trị đặc biệt thấp hơn. Điều này đã tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với tổng số ca tử vong. Ông Vallance nêu rõ: “R (tỷ lệ lây nhiễm) ở dưới mức 1. Chúng tôi cho là nằm trong khoảng 0,6 đến 0,9 trên toàn quốc”.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò dư luận do Ipsos Mori tiến hành và công bố kết quả ngày 30/4 cho thấy có tới 66% số người được hỏi cho rằng Chính phủ Anh đã quá chậm chạp trong việc đưa ra các biện pháp hạn chế.
Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 30/4 đã ghi nhận 1.872 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này lên 205.463 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng 285 trường hợp lên 27.967 người, tổng số ca hồi phục là 75.945 người - tăng 4.693 trường hợp.
Vùng tâm dịch Lombardy tiếp tục cho thấy dấu hiệu tích cực khi số ca mắc mới COVID-19 đang có chiều hướng giảm dần. Tổng số ca mắc COVID-19 trong vùng hiện là 75.732 người - tăng 598 trường hợp, số ca hồi phục là 51.166 người - tăng 819 trường hợp và số bệnh nhân tử vong là 13.772 người - tăng 93 ca. Trong tổng số 6.834 bệnh nhân COVID-19 nhập viện (giảm 286 trường hợp), chỉ còn 605 người phải điều trị đặc biệt (giảm 29 trường hợp)
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 30/4 thông báo đã ghi nhận 2 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 30/4, mức thấp nhất kể từ ngày 20/3 vừa qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 24.543 ca.
Tây Ban Nha hiện có số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 cao thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Italy và Anh. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này trong 24 giờ qua tăng 2.740 ca, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 239.639 trường hợp.
Tính đến rạng sáng 1/5, số ca tử vong vì bệnh COVID-19 tại Pháp đã tăng 289 trường hợp, lên tổng cộng 24.376 người. Trong vòng 24 giờ qua, Pháp ghi nhận 758 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 167.178 người.
Pháp hiện có 26.283 bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện - giảm 551 ca so với hôm 29/4, trong đó có 4.019 bệnh nhân thuộc diện chăm sóc đặc biệt (giảm 188 trường hợp). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần được hồi sức tích cực ở Pháp đã giảm liên tiếp suốt 22 ngày qua.
Cùng ngày, Bộ Giao thông Vận tải Pháp cho biết nước này đã nhập khẩu 500 triệu khẩu trang y tế từ Trung Quốc. Từ giữa tháng 5 sẽ có thêm 2 máy bay chở hàng bổ sung nhằm nâng công suất vận chuyển lên 150 triệu khẩu trang/tuần.
Chính phủ Pháp đang xem xét sử dụng một ứng dụng định vị trên điện thoại thông minh với tên gọi “Stop Covid”, cho phép theo dõi những người mắc bệnh COVID-19. Theo tập đoàn viễn thông Orange - một thành phần chủ chốt trong dự án, ứng dụng này sẽ sẵn sàng ra mắt vào nửa cuối tháng 5.
Nga đang có nguy cơ trở thành một điểm nóng dịch COVID-19 mới ở châu Âu. Trong vòng 24 giờ qua, Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 2 thế giới với 7.099 ca, chỉ đứng sau Mỹ.
Tính tới sáng 1/5, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Nga đã lên tới 106.498 trường hợp, trong đó có 1.073 người tử vong, tăng 101 ca so với một ngày trước đó.
Trong khi đó, Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin, cho rằng thủ đô của nước Nga đã bước qua giai đoạn đỉnh dịch COVID-19, nhưng khuyến cáo người dân không được chủ quan. Theo ông, không phải mọi người dân Moskva đều hiểu rõ về sự cần thiết của công tác giám sát chế độ tự cách ly, cũng như các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, đồng thời cảnh báo Moskva "mới chỉ đi được 1/4 chặng đường" trên hành trình đẩy lui dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê mới nhất, thủ đô Moskva đã có hơn 53.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2, chiếm hơn một nửa số ca mắc COVID-19 ở LB Nga. Trong số này, có 611 bệnh nhân tử vong, 5.135 người đã khỏi bệnh.
Truyền thông nhà nước Nga ngày 30/4 (nửa đêm 30/4 theo giờ Việt Nam) đưa tin Thủ tướng nước này Mikhail Mishustin đã mắc bệnh COVID-19.
Theo hãng thông tấn TASS, qua cuộc gọi video, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông dương tính với virus SARS-CoV-2. Kênh RT cho hay Tổng thống Putin đã đồng ý với đề xuất của Thủ tướng Mishustin về việc chỉ định Phó Thủ tướng thứ nhất Andrey Belousov làm Thủ tướng tạm quyền và thay ông Mishustin xử lý các công việc trong thời gian cách ly, điều trị.
Ngay sau đó cùng ngày, Tổng thống Putin đã ký sách lệnh hành chính chỉ định Phó Thủ tướng thứ nhất Belousov giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền trong thời gian Thủ tướng Mishustin chữa bệnh. Nhà lãnh đạo Nga cũng chúc Thủ tướng Mishustin nhanh phục hồi sức khỏe.
Ở Thụy Sĩ, tính đến sáng 1/5 (theo giờ Việt Nam), nước này ghi nhận tổng cộng 29.586 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.737 trường hợp tử vong (tăng 21 ca so với một ngày trước), 23.100 ca bình phục và 167 người trong tình trạng nguy kịch.
Thụy Sĩ đã điều chỉnh các hướng dẫn về sức khỏe để chống lại sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi nước này dần trở lại làm việc và học tập bình thường. Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang (FOPH) Thụy Sĩ ngày 30/4 đã khuyến nghị sử dụng khẩu trang trong những tình huống không thể duy trì khoảng cách xã hội, bên cạnh các khuyến cáo như thường xuyên rửa kỹ tay, không bắt tay và chỉ ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc khuỷu tay.
Chính phủ Thụy Sĩ cũng khuyến cáo tiếp tục làm việc tại nhà khi có thể. Một số cửa hàng và doanh nghiệp đã mở lại vào ngày 27/4 trong giai đoạn đầu tiên nới lỏng các biện pháp khẩn cấp để kiềm chế dịch bệnh.
Ở châu Á, trong ngày 30/4, việc Hàn Quốc không ghi nhận ca nhiễm nào và bước đột phá triển vọng trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị tốt hơn cho bệnh COVID-19 đã góp phần mang đến diễn biến tích cực cho tình hình dịch bệnh toàn cầu.
Tới sáng 1/5, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 10.765 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 247 trường hợp tử vong, tăng 1 ca so với ngày trước đó.
Hàn Quốc cũng thông báo sẽ cho phép sử dụng thuốc Remdesivir trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nếu thuốc này chứng minh được hiệu quả và an toàn trong một loạt cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Phát biểu họp báo thường kỳ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc Kwon Jun-wook cho hay: "Đúng là Remdesivir có một số tác động tích cực. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chỉ có thể được cấp phép sau khi xem xét kết quả thử nghiệm lâm sàng đầy đủ".
Ngày 30/4, Bộ Y tế Iran thông báo nước này đã ghi nhận 71 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong tại nước Cộng hòa Hồi giáo này lên 6.028 ca. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết cũng trong 24 giờ qua, nước này đã xác nhận 983 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 94.640 ca. Trong số những người đang điều trị, có 2.976 người đang trong tình trạng nguy kịch. Hơn 75.100 người đã phục hồi và xuất viện.
Bộ trưởng Y tế Saeed Namaki nhấn mạnh dù Iran đã đạt được kết quả tốt trong việc kiểm soát dịch COVID-19 khi số ca tử vong hàng ngày giảm xuống mức hai con số và số người nhập viện giảm xuống mức thấp nhất, song điều này không đồng nghĩa rằng dịch bệnh đã chấm dứt. Ông kêu gọi người dân cần chuẩn bị cho xu hướng COVID-19 bùng phát trở lại và dịch cúm trong mùa Thu và mùa Đông tới.
Tại Israel, người dân bắt buộc phải cài đặt ứng dụng theo dõi COVID-19 mới được vào các trung tâm mua sắm và chợ. Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel Moshe Bar Siman Tov cho biết các trung tâm mua sắm và các khu chợ sẽ chỉ được mở cửa trở lại sau khi các cơ quan chức năng triển khai hệ thống theo dõi giám sát tất cả khách hàng ra vào khu vực này.
Tới thời điểm này, Iran ghi nhận 15.946 ca mắc COVID-19, trong đó 222 người đã tử vong.
Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ nới lỏng các hạn chế tại những khu vực “màu cam” và “màu xanh” trên bản đồ phân vùng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc giai đoạn 2 kết thúc vào ngày 3/5 tới.
Tới sáng 1/5, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34.862 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.800 ca so với 1 ngày trước. Hiện số trường hợp tử vong vì COVID-19 ở quốc gia Nam Á này là 1.154 người, tăng 75 ca so với 24 giờ trước.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/4, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 44.454 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.215 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.5 người dân ở khu vực này, tăng 21 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 11.257 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Singapore ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất khu vực với 528 người, qua đó tiếp tục là nước thành viên ASEAN có tổng số ca COVID-19 cao nhất và bỏ xa các quốc gia khác. Ngoài Singapore, Philippines và Indonesia cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh.
Nhìn chung, ở Đông Nam Á, đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại tại nhóm 5 quốc gia gồm Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong khi các nước thành viên ASEAN còn lại đã khống chế và ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một điểm sáng về phòng chống đại dịch COVID-19 khi chặn đứng số ca mắc bệnh ở mức 270 trong hai tuần liên tiếp và số ca khỏi bệnh đã tăng lên 219.
Trước diễn biến dịch có phần hạ nhiệt, một số nước trong khu vực đang bắt đầu xem xét từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và nối lại hoạt động kinh tế.
Ngày 30/4, Bộ Chăm sóc sức khỏe của Tajikistan thông báo nước này đã ghi nhận 15 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên.
Theo bộ trên, trong tổng số 15 ca nhiễm tại quốc gia Trung Á này, có 5 ca tại thủ đô Dushanbe và 10 ca tại tỉnh Sughd (Xút) giáp biên giới Uzbekistan và Kyrgyzstan.
Cùng ngày, truyền thông châu Phi đưa tin, Comoros đã trở thành quốc gia châu Phi tiếp theo thông báo trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2. Như vậy, trên bình diện châu lục, chỉ còn Lesotho là quốc gia châu Phi chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo Tổng thống Comoros - ông Azali Assoumani, bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở nước này là một người đàn ông, có tiếp xúc với một người từng tới Pháp trong thời gian gần đây. Bệnh nhân hiện ở trong tình trạng sức khỏe ổn định và chính quyền Comoros đang tầm soát các trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh đầu tiên này.
Tại Algeria, Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến của đại dịch COVID-19 cho biết, tính đến chiều 30/4 (theo giờ địa phương), Algeria đã ghi nhận 158 ca mắc COVID-19 và 6 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Bắc Phi này lên 4.006 người, trong đó có 450 ca tử vong.
Theo người phát ngôn của ủy ban trên - ông Djamel Fourar, hiện dịch bệnh COVID-19 đã lây lan đến 47/48 tỉnh, thành phố của Algeria. Các địa phương có tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất gồm Blida, Algiers, Oran, Sétif, Constantine, Ain Defla, Tipaza. Phần lớn bệnh nhân mắc COVID-19 ở Algeria nằm trong độ tuổi từ 25 đến 60 (chiếm 56%) và 65% ca tử vong nằm trong độ tuổi từ 65 trở lên.
Algeria hiện đứng thứ 4 ở châu Phi về số người mắc COVID-19, sau Ai Cập, Nam Phi và Maroc, nhưng lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục, với tỷ lệ trên 10%.