Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với tổng số trên 5,7 triệu ca mắc bệnh và trên 177.000 ca tử vong. Mỗi ngày quốc gia này vẫn ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm và trên 1.000 ca tử vong vì dịch bệnh. Tiếp theo là Brazil, với trên 3,5 triệu ca mắc và trên 112.000 ca tử vong.
Ấn Độ, điểm nóng dịch bệnh thứ 3 thế giới, ghi nhận trên 2,9 triệu ca mắc và trên 55.000 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ được dự báo sẽ vẫn tiếp tục nóng hơn khi số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này vẫn không ngừng tăng mạnh, thường trực ở mức trên 60.000 ca/ngày, trong khi số ca tử vong trong ngày cũng liên tục dao động xung quanh mức 1.000. Trong hai ngày tới, tổng số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ có thể vượt mốc 3 triệu ca.
Xét theo khu vực, Bắc Mỹ đang là tâm dịch của thế giới với trên 6,7 triệu ca mắc bệnh và trên 253.000 ca tử vong. Ba quốc gia chịu tác động mạnh nhất khu vực này gồm Mỹ, Mexico và Canada.
Tiếp sau Bắc Mỹ là châu Á với trên 6 triệu ca mắc và trên 126.000 ca tử vong. Trong đó, ba quốc gia đứng đầu khu vực gồm Ấn Độ, Iran và Saudi Arabia.
Đứng thứ 3 thế giới là khu vực Nam Mỹ với trên 5,5 triệu ca mắc và trên 183.000 ca tử vong. Đứng đầu khu vực này vẫn là Brazil, tiếp đến là Peru và Colombia.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Mỹ và Brazil vẫn là ba nước có số ca mắc hàng ngày cao nhất thế giới, lần lượt là: .507 ca; 41.940 ca và 41.562 ca. Đây cũng là ba nước có số ca tử vong cao nhất trong 24 giờ qua với 1.115 ca ở Brazil, 982 ca ở Mỹ và 981 ca ở Ấn Độ.
Châu Mỹ
Brazil ghi nhận những dấu hiệu tích cực đầu tiên
Bộ Y tế Brazil đánh giá tình hình dịch bệnh tại quốc gia này bắt đầu có dấu hiệu cải thiện khi các báo cáo đều chỉ ra tỷ lệ lây nhiễm đang hướng tới mức an toàn và tổng số ca mắc và tử vong hằng tuần cũng giảm dần.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Brazil, số ca mắc mới tuần trước là 304.4, giảm so với mức đỉnh điểm 319.653 ca trong tuần tính đến hết ngày 25/7. Trong khi đó, số ca tử vong hằng tuần cũng giảm xuống mức 6.755 ca từ mức đỉnh điểm 7.677 ca ghi nhận trong tuần cuối cùng của tháng 7. Truyền thông Brazil cũng dẫn báo cáo nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London chỉ ra lần đầu tiên kể từ tháng 4, tỷ lệ lây nhiễm tại Brazil xuống dưới mức 1, tức là 1 người bệnh sẽ lây cho chưa đến 1 người khác.
Tuy nhiên, giới chức y tế Brazil vẫn thận trọng khuyến cáo cần tiếp tục theo dõi số liệu trong hai tuần tới để đánh giá xem chỉ số này có tiếp tục giảm đáng kể để được coi là một xu hướng hay không. Vì vậy, người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Brazil có 41.562 ca mắc và 1.115 ca tử vong vì dịch COVID-19 trong 24 giờ tính tới 6 giờ sáng 21/8. Hiện Brazil ghi nhận tổng cộng trên 3,5 triệu ca mắc bệnh, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.
Colombia vượt mốc 500.000 ca bệnh
Một điểm nóng khác của khu vực Nam Mỹ là Colombia cũng ghi nhận tổng số ca mắc bệnh vượt mức 500.000, trong khi tổng số ca tử vong cũng vượt mức 16.000.
Hồi cuối tháng 3, Chính phủ Colombia tuyên bố phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tới nay, hầu hết các hoạt động kinh doanh đã dần được nối lại hoặc hoạt động dưới hình thức cung cấp dịch vụ mang đi.
Biện pháp phong tỏa sẽ kéo dài tới cuối tháng 8, với các hạn chế nghiêm ngặt hơn ở các khu dân cư thủ đô Bogota, nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn. Hơn 1/3 tổng số ca nhiễm tại Colombia tập trung ở thủ đô Bogota và hiện 82% cơ sở điều trị tích cực tại thủ đô đã được trưng dụng.
Châu Á: Tâm dịch Ấn Độ nhiều ca mắc hàng ngày nhất thế giới
Tâm dịch châu Á, Ấn Độ, sau khi ghi nhận trên .000 ca mắc mới trong 24 giờ qua tính tới 6 giờ sáng 21/8, nước này có trên 2,9 triệu ca bệnh, trong đó gần 55.000 người tử vong. Trong những tuần qua, chính phủ nước này cũng đã tập trung đẩy mạnh xét nghiệm để phát hiện sớm các ca bệnh, đặc biệt là những ca không triệu chứng.
Theo cuộc khảo sát công bố ngày 20/8, gần 30% dân số ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ có thể đã nhiễm COVID-19 mà không có biểu hiện nhiễm bệnh. Kết quả cuộc khảo sát này đã làm lấy lên hoài nghi về số ca nhiễm mà nước này chính thức công bố. Kết quả này cũng tương tự kết quả trong cuộc khảo sát hồi tháng 6-tháng 7, theo đó, 23% người dân ở New Delhi đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, kết quả các cuộc khảo sát được thực hiện gần đây ở các thành phố khác của Ấn Độ cho thấy có nhiều người mắc COVID-19 hơn so với con số công bố chính thức. Ví dụ, tại thành phố Pune, miền Tây Ấn Độ, 51,1% người được xét nghiệm có kháng thể trong máu. Tại các khu ổ chuột ở thành phố Mumbai, 57% những người được xét nghiệm đã mắc COVID-19, cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Ngày 20/8, Nhật Bản ghi nhận 865 ca mắc COVID-19, trong đó đáng chú ý tỉnh Osaka lần đầu tiên trong 3 tháng qua ghi nhận nhiều ca mắc bệnh hơn thủ đô Tokyo.
Cụ thể, Osaka ghi nhận 187 ca mắc mới, cao nhất trong số 47 tỉnh trên cả nước, trong khi Tokyo có thêm 186 ca. Thời gian qua các vùng đô thị tại Nhật Bản tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở các mức cao so với các địa phương khác trên cả nước.
Hiện Tokyo vẫn duy trì mức cảnh báo cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp độ, có nghĩa rằng dịch vẫn đang lây lan. Chính quyền thủ đô Tokyo đã yêu cầu các cơ sở phục vụ đồ uống có cồn, các điểm kinh doanh karaoke đóng cửa trước 22 giờ hằng ngày cho tới cuối tháng 8 để giảm nguy cơ lây nhiễm. Tới nay, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng trên 57.000 ca bệnh COVID-19 trong đó có 1.128 ca tử vong.
Ngày 20/8, giới chức Hàn Quốc đánh dấu ngày thứ 7 liên tiếp số ca nhiễm mới COVID-19 tăng ở mức 3 con số trong bối cảnh số ca lây nhiễm liên quan tới các nhà thờ ở vùng đô thị Seoul tiếp tục tăng.
Ngày 20/8, nước này ghi nhận 288 ca mắc, trong đó có 276 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số bệnh nhân lên 16.346 ca. Chỉ riêng trong tuần qua Hàn Quốc đã ghi nhận trên 1.500 ca mắc mới, chủ yếu là các ca bệnh từ ổ dịch phức tạp mới phát hiện liên quan tới các nhà thờ ở Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận. Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo tuần này sẽ là tuần then chốt quyết định liệu nước này có phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới hay không. Hiện Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 307 ca tử vong vì dịch bệnh, tỷ lệ tử vong là 1,88%.
Trong khi đó, chính quyền thành phố Seoul ngày 20/8 công bố kế hoạch cấm các cuộc biểu tình trên đường phố với sự tham gia của 10 người trở lên trong bối cảnh lo ngại về sự tái bùng phát các ca lây COVID-19. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 21 - 30/8.
Trung Quốc không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, toàn bộ 7 ca mới phát hiện ngày 20/8 đều là những ca "nhập khẩu". Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), trong ngày qua, nước này cũng không ghi nhận thêm ca nghi nhiễm hay ca tử vong vì dịch bệnh. Tổng số ca mắc bệnh tại Trung Quốc đại lục tính tới ngày 19/8 là 84.895 ca, trong đó có 4.634 người tử vong
Châu Âu
Lo ngại tốc độ lây nhiễm gia tăng tại Pháp, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 20/8, Pháp ghi nhận 4.771 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 5 khi quốc gia này bắt đầu nới lỏng hạn chế. Giới chức y tế Pháp cho biết tất cả các chỉ số đều tiếp tục tăng và tốc độ lây nhiễm đang nhanh dần lên với mọi nhóm tuổi, đặc biệt là những người trẻ.
Dịch đặc biệt đáng quan ngại tại khu vực trong và xung quanh thủ đô Paris và thành phố Marseille, là hai thành phố lớn nhất cả nước. Nhiều khu vực ở vùng Ile-de-France gần thủ đô Paris và Provence-Alpes-Cote d'Azur gần thành phố cảng Marseille đều vượt qua "ngưỡng cảnh báo" 50 ca mắc mới trong ngày/100.000 dân.
Chỉ riêng trong tuần qua, Pháp có thêm hơn 16.700 ca mắc COVID-19. Trung bình số ca mắc mới hằng ngày trong 7 ngày qua là 2.621 ca, cao hơn cả ngưỡng 2.500 ca được ghi nhận lần đầu tiên từ hồi tháng 4 khi Pháp áp dụng biện pháp phong tỏa cả nước, nghiêm ngặt nhất châu Âu.
Tới nay, Pháp ghi nhận tổng cộng hơn 229.000 người mắc bệnh, trong đó có gần 30.500 ca tử vong. Trong những ngày tới, dịch bệnh tại Pháp được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp khi nhiều người dân trở về từ nước ngoài sau kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Marcron vẫn bác bỏ kịch bản áp đặt trở lại lệnh phong tỏa toàn quốc.
Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha phát hiện thêm 3.715 ca mắc mới, đánh dấu mức cao chưa từng có kể từ khi quốc gia này nới lỏng phong tỏa cuối tháng 6 vừa qua. Thủ đô Madrid là nơi có số ca mắc mới cao nhất, với 1.535 ca. Dù giới chức đã đưa ra yêu cầu bắt buộc người dân trên cả nước đeo khẩu trang, nhưng những các dữ liệu tổng hợp trên toàn châu Âu cho thấy Tây Ban Nha vẫn là quốc gia có tổng số ca mắc bệnh cao nhất tại Tây Âu và tỷ lệ số ca bệnh tính trên 100.000 dân trong 14 ngày qua cao nhất châu lục.
Nhiều địa phương tại Tây Ban Nha đã bắt đầu tái áp dụng các biện pháp hạn chế với các hình thức giải trí về đêm và giao thông công cộng, vốn mới chỉ được dỡ bỏ vài tuần trước. Giới chức y tế cho rằng số ca mắc mới tăng mạnh chủ yếu vì số lượng xét nghiệm tăng và luôn bác bỏ nhận định rằng quốc gia này đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Với việc phát hiện 1.412 ca trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận ngày có số ca mắc mới cao nhất trong vòng hơn một tháng rưỡi qua. Để giảm tải cho các bệnh viện, giới chức y tế nước này khuyên những người bệnh không triệu chứng điều trị và cách ly tại nhà và nhân viên y tế sẽ liên lạc với bệnh nhân trong các ngày đầu tiên, ngày thứ 3, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 - tính từ thời điểm bệnh nhân được xác nhận mắc bệnh. Kể từ khi công bố ca bệnh đầu tiên hôm 11/3 tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận trên 254.000 ca mắc mới, trong đó có 6.058 ca tử vong.
Đức bổ sung danh sách khu vực có nguy cơ cao
Viện Robert Koch (RKI) của Đức thông báo nước này đã bổ sung các điểm du lịch nổi tiếng dọc bờ biển của Croatia gồm Sibenik-Knin và Split-Dalmatia vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao trong khi số ca mắc COVID-19 lại gia tăng trong kỳ nghỉ hè.
Theo đó, những người từ hai khu vực này trở về Đức phải được cách ly và xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Cũng trong bản cập nhật hướng dẫn đi lại, RKI cho biết thêm Luxembourg cùng với các khu vực Ialomita, Mehedinti và Timis của Romania đã được đưa ra khỏi danh sách các khu vực có nguy cơ.
Nhà chức trách Đức thông báo thêm 1.584 ca mắc mới trong 24 giờ qua.Như vậy, tổng số ca mắc tại Đức hiện là trên 231.000 ca, trong đó có 9.324 ca tử vong.
Na Uy mở rộng danh sách cách ly đối với khách nhập cảnh
Na Uy cho biết sẽ áp đặt quy định cách ly 10 ngày đối với tất cả những người đến từ Anh, Áo, Hy Lạp và Iceland từ ngày 22/8 tới do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các nước này đang tăng cao.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết các quy định tương tự cũng sẽ được áp đặt với khách đến từ thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Thông báo nêu rõ nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch trong nước, Na Uy sẽ cách ly toàn bộ khách đến từ các nước có tỷ lệ nhiễm trung bình cao hơn mức 20 ca trên 100.000 dân trong vòng 2 tuần gần đây.
Đầu tháng này, Na Uy đã hoãn kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế phòng chống COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân không nên ra nước ngoài. Với các quy định mới, Na Uy sẽ hạn chế đi lại với khoảng 20 quốc gia châu Âu, trong đó có Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan và Thụy Sĩ.
Cơ quan y tế Na Uy đã ghi nhận 366 ca nhiễm mới trong tuần qua, mức cao nhất tính theo tuần kể từ tháng 4, song vẫn chưa cao bằng mức đỉnh 1.733 ca/tuần hồi cuối tháng 3. Dù không phải là thành viên Liên minh châu Âu (EU), Na Uy nằm trong khối miễn thị thực Schengen và cũng là một trong những nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhất châu Âu ngay từ giai đoạn đầu bùng phát dịch, sau đó đã từng bước dỡ bỏ từ tháng 6.
Châu Phi: Tín hiệu lạc quan trong chống dịch COVID-19
Ngày 20/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết số ca mắc COVID-19 trung bình theo ngày tại châu Phi đã giảm trong tuần qua, một dấu hiệu hy vọng trong cuộc chiến chống đại dịch này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong nêu rõ số ca mắc trung bình theo ngày trên toàn châu Phi là 10.300 ca, giảm so với con số 11.000 ca tuần trước đó. Tính đến sáng 21/8, châu Phi ghi nhận trên 1,1 triệu ca mắc.
Trong đó, Nam Phi chiếm khoảng 50% số ca và hiện là nước có tổng số ca mắc cao thứ 5 tính trên toàn cầu. Số ca được xác nhận trong ngày tại Nam Phi giảm so với mức đỉnh hơn 12.000 ca xuống trung bình 5.000 ca, kéo theo số ca mắc trung bình theo ngày của toàn châu lục đi xuống.
Trong khi đó, ông Nkengasong lưu ý các nước tại Tây và Trung Phi hiện cũng cho thấy những xu hướng tương tự. CDC châu Phi cũng như giới chức nhiều nước bày tỏ lạc quan về cuộc chiến chống COVID-19 song duy trì thận trọng trong công tác phòng ngừa đại dịch.
Cũng theo ông Nkengasong, châu Phi đã thực hiện được hơn 10 triệu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, chứng tỏ đã đạt một số tiến bộ đáng kể nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác xét nghiệm của châu lục. Mặc dù vậy, Giám đốc CDC châu Phi thừa nhận tỷ lệ xét nghiệm vẫn còn thấp so với mức cần thiết để thấy được toàn cảnh diễn biến dịch bệnh tại đây.
WHO yêu cầu các quốc gia châu Phi triển khai các biện pháp phòng COVID-19 một cách cẩn trọng trước khi tiến hành việc mở cửa lại trường học nhằm tránh tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2 trong môi trường học đường. Nhận định về thời điểm thích hợp để mở cửa lại trường học, người đứng đầu WHO tại châu Phi cho rằng chỉ các quốc gia đã thực hiện nới lỏng phong tỏa và giãn cách xã hội nhưng không ghi nhận sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 mới nên tính toán đến kế hoạch cho học sinh đến trường.
Theo kết quả khảo sát do WHO vừa thực hiện, trong số 39 quốc gia thuộc khu vực châu Phi hạ Sahara, 6 nước đã nối lại hoàn toàn các hoạt động giáo dục, 16 nước vẫn cho học sinh nghỉ học và 19 nước thực hiện việc mở cửa lại một phần các cơ sở giáo dục để tạo điều kiện cho học sinh cuối cấp thực hiện việc thi cử. Bên cạnh đó, 10 quốc gia khác cũng đang lên kế hoạch mở cửa lại trường học vào tháng 9 tới.