Trong 24 giờ qua, Mỹ vẫn ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới với 25.283 ca; tiếp đó là Nga với 9.623 ca và Anh với 4.806 ca.
Mỹ cũng là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua với 1.453 ca.
Trong số các nước châu Âu, Anh ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong 24 giờ qua với 621 ca. Tiếp đó là Italy với 474 ca.
Số ca tử vong tại bang New York tăng trở lại
Số ca tử vong tại bang New York của Mỹ ngày 2/5 đã tăng 10 ca lên 299 ca so với ngày hôm trước và hầu hết các ca này xảy ra tại thành phố New York. Thành phố New York cũng ghi nhận số ca xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 tăng đột biến ở quận Bronx, lên tới 27,6% trong khi con số này ở các quận khác đều dưới 20%.
Tại cuộc họp báo ngày 2/5, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết có một số tín hiệu tích cực như số người nhiễm và số người nhập viện tiếp tục giảm tại bang. Tính đến nay, New York đã tiến hành hơn 15.000 ca xét nghiệm kháng thể, trong số đó 12,3% cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Trước đó, hôm 1/5, Thống đốc Cuomo đã quyết định cho phép hệ thống trường công tại New York đóng cửa hết năm học. Quyết định của ông cuối cùng vẫn trùng khớp với tuyên bố hồi đầu tháng 4 mà Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đưa ra đối với 1.800 trường công lập ở thành phố này, mặc dù tại thời điểm đó, ông Cuomo công khai bác bỏ tuyên bố của Thị trưởng de Blasio.
Bất chấp số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng cao, bang Texas đã trở thành bang lớn nhất và mới nhất tại Mỹ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa. Theo đó, các cửa hàng, nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm, bảo tàng và thư viện ở Texas đã được phép mở cửa song với chỉ 25% công suất. Các bể bơi công cộng, quán bar, phòng tập gym, các hiệu làm đẹp, mát-xa, khu vui chơi bowling, các điểm kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử và cửa hàng xăm vẫn phải đóng cửa. Tuy nhiên, Thống đốc bang Texas Greg Abbott khuyến cáo người dân thận trọng, tiếp tục duy trì giãn cách xã hội và tuân thủ các hướng dẫn y tế để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19. Dù không bắt buộc song người dân cũng được khuyến khích đeo khẩu trang để bảo vệ những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Mặc dù các hướng dẫn của chính quyền liên bang khuyến nghị các bang chỉ nên nới lỏng các biện pháp hạn chế sau khi số ca nhiễm giảm trong 14 ngày liên tiếp, song đã có hơn một nửa số bang tại Mỹ nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 nhằm sớm khôi phục nền kinh tế đang chịu nhiều tổn thất. Trước bang Texas, ít nhất 31 trong số 50 bang của Mỹ bắt đầu nới lỏng hạn chế ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh mỗi nơi.
Tính tới 6 giờ sáng 3/5, Mỹ ghi nhận tổng cộng 1.156.313 ca mắc COVID-19, trong đó 67.206 ca tử vong.
Nga ghi nhận 9.623 ca mắc trong vòng 24 giờ
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Nga cho biết nước này đã ghi nhận tổng số ca nhiễm là 124.054 người. Trong vòng 24 giờ qua, Nga có 57 ca tử vong do mắc COVID-19, đưa tổng số người tử vong lên 1.222.
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm trong một ngày cao nhất - với 5.358 ca. Các địa phương có nhiều người nhiễm khác gồm tỉnh Moskva – 807 trường hợp; thành phố St. Petersburg – 323; tỉnh Nizhny Novgorod – 320; tỉnh Murmansk – 143; Cộng hòa Dagestan – 109.
Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Moskva, ông Sergei Sobyanin trên trang blog cá nhân dẫn các kết quả xét nghiệm cho biết khoảng 2% dân số thủ đô, tức là khoảng 250.000 người, dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo ông Sobyanin, Moskva đã tăng đáng kể năng lực xét nghiệm trên diện rộng trong vài tuần qua và nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh tại thành phố đã đạt hiệu quả tích cực nhờ các quy định giãn cách xã hội và một số biện pháp khác. Tuy nhiên, Thị trưởng Sybyanin nhấn mạnh thành phố này vẫn chưa qua đỉnh dịch và mối đe dọa dịch bệnh đang ngày càng tăng.
Tây Ban Nha, Italy từng bước nới lỏng phong tỏa
Sau 48 ngày thực hiện lệnh phong tỏa trên cả nước để chống dịch COVID-19, kể từ ngày 2/5, người dân Tây Ban Nha bắt đầu được đi dạo hoặc chơi thể thao bên ngoài.
Mặc dù lệnh phong tỏa được thông báo sẽ kéo dài tới ngày 9/5, nhưng Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 28/4 đã công bố kế hoạch bắt đầu nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế theo 4 giai đoạn và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 6.
Trong khuôn khổ kế hoạch này, từ tuần trước, trẻ em dưới 14 tuổi được phép ra khỏi nhà đi dạo với sự giám sát của người lớn và không được phép đi quá phạm vi 1km. Các quy định hạn chế được tiếp tục nới lỏng hơn nữa từ ngày 2/5. Tuy nhiên, nhiều quy định hạn chế vẫn được duy trì. Ở những thành phố có trên 500.000 dân, trẻ em và người cao tuổi không được ra khỏi nhà cùng khung thời gian. Theo đó, khung thời gian từ 10 giờ sáng đến giữa trưa và từ 7 đến 8 giờ tối dành cho người từ 70 tuổi trở lên. Từ 6 giờ đến 10 giờ sáng và từ 8 giờ tối đến 11 giờ đêm, thanh thiếu niên trên 14 tuổi và người lớn được ra khỏi nhà đi dạo nhưng không xa quá 1km và một hộ gia đình chỉ được có tối đa 2 người ra ngoài cùng lúc.
Tây Ban Nha thực hiện một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất trên thế giới kể từ ngày 14/3 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, theo đó người lớn chỉ được phép ra khỏi nhà để mua lương thực, thuốc men hoặc dắt chó đi dạo.
Tại Italy, Bộ Giáo dục nước này đã thông báo đóng cửa các trường học phổ thông đến tháng 9, song đang lên kế hoạch mở cửa trở lại các trường mầm non và tổ chức học Hè với quy mô nhỏ để trẻ em vui chơi sau 2 tháng thực hiện lệnh cách ly nghiêm ngặt. Theo kế hoạch được công bố trên nhật báo "Corriere della Sera" ngày 2/5, các trường mẫu giáo và nhà trẻ có thể hoạt động trở lại vào tháng 6 tới với các nhóm nhỏ trẻ từ 0-6 tuổi.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhấn mạnh trẻ em có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Một phần lý do tiếp tục đóng cửa các trường học là nguy cơ nhiễm bệnh đối với những giáo viên cao tuổi. Theo thống kê, giáo viên tại Italy có tuổi trung bình cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), với gần 60% giáo viên trên 50 tuổi.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện các đề xuất trên cần tham vấn giới khoa học. Việc đóng cửa tất cả các trường phổ thông đến hết năm học này là một trong những biện pháp chống dịch gây tranh cãi tại Italy, trong đó nhiều ý kiến cho rằng biện pháp này gây ảnh hưởng quá nhiều đối với những phụ nữ làm công ăn lương và trẻ em.
Số bệnh nhân phải nhập viện giảm ở Anh
Trong 24 giờ qua, số người tử vong do COVID-19 tại Anh đã tăng 621 người, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh này tại Anh lên 28.131 người, gần bằng Italy, nước có số người tử vong cao nhất châu Âu với 28.710 ca.
Chính phủ Anh thông báo tổng số người dương tính với SARS-CoV-2 ở nước này trong 24 giờ qua là 4.806 người, nâng tổng số bệnh nhân trên cả nước lên thành 182.260 người. Tuy nhiên, số bệnh nhân phải nhập viện giảm.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nhà ở Anh Robert Jenrick khuyến cáo mọi người nên tiếp tục ở nhà, ngoại trừ việc đi mua sắm những đồ dùng thiết yếu như lương thực, thuốc men...
Nhằm duy trì tỷ lệ lây nhiễm giảm, Chính phủ Anh đã tăng cường cơ chế xét nghiệm cũng như truy xuất các cuộc tiếp xúc với những người mắc COVID-19.
Pháp gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tháng
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 2/5 thông báo nước này đã quyết định gia hạn thêm 2 tháng, đến ngày 24/7 tới, đối với tình trạng khẩn cấp y tế áp đặt từ ngày 24/3 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Đề xuất trên dự kiến sẽ được trình Quốc hội Pháp vào ngày 4/5, trong đó nhận định việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong tháng này là "quá sớm" và có thể khiến dịch bệnh bùng phát dữ đội.
Phát biểu sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner nói: "Chúng ta sẽ phải chung sống với virus SARS-CoV-2 trong một thời gian, và học cách chung sống với chủng virus này, đó là điều cần làm trong những tháng tới".
Trước đó, Chính phủ Pháp đã thông báo dỡ bỏ dần một số biện pháp phong tỏa kể từ ngày 11/5, trong đó có việc mở cửa trở lại các trường tiểu học.
Châu Á: Giảm ca mắc mới ở nhiều nước
Ngày 2/5, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo nước này chỉ ghi nhận 1 ca mắc COVID-19, giảm so với 12 trường hợp trước đó một ngày, và không có ca tử vong. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc là 82.875 người, trong đó có 4.633 trường hợp tử vong.
Cũng trong ngày 2/5, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này chỉ tăng 6 ca lên 10.780 ca. Số ca tử vong tăng 2 ca lên 250 ca.
Sau khi tình hình lây lan dịch bệnh giảm bớt, ngày 19/4, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, song các quan chức nước này vẫn cảnh báo một làn sóng lây nhiễm mới có thể đến bất cứ lúc nào vì dịch COVID-19 có thể lây lan từ những người không có triệu chứng.
Tại ASEAN, tính tới hết ngày 2/5, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có 47.185 ca mắc COVID-19, trong đó 1.614 ca tử vong. Điểm nóng Singapore ghi nhận số ca mắc trong một ngày giảm hơn một nửa.
Singapore ghi nhận 447 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong ngày 2/5, giảm mạnh so với con số 932 ca của ngày 1/5. Singapore vẫn là nước có tổng số ca mắc COVID-19 cao nhất ASEAN, với 17.548 ca. Đứng sau là Indonesia (10.843 ca) và Philippines (8.928 ca).
Về số ca tử vong, Indonesia đứng đầu khối với 831 ca, tiếp sau là Philippines với 603 ca.
Tình hình dịch COVID-19 tại Brunei, Campuchia, Lào, Timor-Leste và Việt Nam có xu hướng ổn định, không có ca mắc mới.
Số ca mắc COVID-19 tăng tại châu Phi
Bộ Y tế Nam Phi ngày 2/5 đã ghi nhận tổng cộng 6.336 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 5 trường hợp so với một ngày trước đó. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi Nam Phi thông báo trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 hôm 5/3.
Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize, nước này cùng ngày cũng đã ghi nhận thêm 7 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tử vong ở nước này lên 123 trường hợp. Ông Mkhize cho biết đa số các ca COVID-19 nặng đều liên quan đến các bệnh lý nền như huyết áp cao, tiểu đường và tim mạch.
Đến thời điểm hiện tại, Nam Phi đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 230.6 người sau khi tiến hành đo thân nhiệt cho trên 6 triệu trường hợp. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 2.549 ca khỏi bệnh.
Ngày 2/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) cho biết tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại Cameroon đã là 2.069 người sau 2 tháng kể từ khi cơ quan chức năng phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh.
Trong số 2.069 người này, 934 trường hợp đã được chữa khỏi bệnh, 61 người đã tử vong. Ngày 29/4, cơ quan chức năng Cameroon xác định tất cả 10 khu vực của đất nước đã phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó hơn một nửa được ghi nhận ở miền Trung, đặc biệt là thủ đô Yaounde.
Tuy nhiên, chính phủ nước này ngày 30/4 vẫn quyết định nới lỏng lệnh giới nghiêm khi cho phép các quán bar và nhà hàng mở cửa sau 18 giờ và dỡ bỏ hạn chế số lượng người trên các phương tiện giao thông công cộng.
Cùng ngày, cơ quan chức năng Sierra Leone cho biết đã ghi nhận 19 trường hợp mắc COVID-19 - mức cao kỷ lục kể từ khi nước này phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên, nâng tổng số người dương tính với virus SARS-CoV-2 lên 155. Trong số đó, 27 người đã được điều trị khỏi hoàn toàn và 8 người đã tử vong. Sierra Leone đã tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 3 ngày, bắt đầu từ ngày 3/5. Các biện pháp hạn chế dịch bệnh lây lan khác vẫn có hiệu lực, bao gồm lệnh giới nghiêm và hạn chế đi lại giữa các địa phương.
Theo số liệu thống kê ngày 2/5, ngoại trừ Ai Cập, Maroc và Algeria là hai quốc gia có số ca mắc cao nhất ở khu vực Bắc Phi trong vòng 24 giờ qua và ở mức 3 con số liên tục trong khoảng một tuần qua.
Theo Ủy ban Giám sát Khoa học về diễn biến của đại dịch COVID-19 ở Algeria, Algeria đã ghi nhận 141 ca mắc COVID-19 và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 4.295 người và 459 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Maroc cho biết nước này cũng ghi nhận 160 ca mắc COVID-19 và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này lên 4.729 người và 173 ca tử vong.
Hiện Maroc xếp thứ 3 và Algeria ở vị trí thứ 4 trong số các quốc gia có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở châu Phi, chỉ sau Ai Cập và Nam Phi. Tuy nhiên, Algeria lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục này, với tỷ lệ trên 10% (459 ca tử vong/4.295 người nhiễm bệnh).